Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Làm sống lại phương châm giáo dục “tiên học lễ”

Chia sẻ Zalo

KTĐT - Nhiều người cho rằng, văn hóa giao tiếp học đường (VHGTHĐ) hiện đang xuống cấp rất nghiêm trọng và tại các trường học vấn đề này cũng đang bị xem nhẹ. Nhà trường quá tập trung vào giảng dạy kiến thức mà quên đi việc giáo dục nhân cách, dạy làm người.

KTĐT - Nhiều người cho rằng, văn hóa giao tiếp học đường (VHGTHĐ) hiện đang xuống cấp rất nghiêm trọng và tại các trường học vấn đề này cũng đang bị xem nhẹ. Nhà trường quá tập trung vào giảng dạy kiến thức mà quên đi việc giáo dục nhân cách, dạy làm người.

Vậy làm thế nào để khắc phục tình trạng trên và làm sống lại câu nói “tiên học lễ, hậu học văn”. Đó là những trăn trở được nhiều lên tiếng trong cuộc bàn tròn về "Giáo dục văn hóa giao tiếp trong nhà trường" vừa được ngành giáo dục tổ chức.

Thực tế cho thấy, trong môi trường học đường, vốn được xem là nơi tràn đầy văn hóa lại đang diễn ra rất nhiều điều không văn hóa. Trò không tôn trọng thầy, coi thường thầy, chửi thầy, đánh thầy, tạt axít thầy... Rồi không chỉ học sinh, sinh viên thiếu văn hóa giao tiếp, mà một số thầy cô giáo cũng chưa đúng mực trong hành xử đối với học trò, tạo nên sự rạn nứt, đổ vỡ trong quan hệ thầy trò, gây bất bình trong xã hội. Theo khảo sát trên 280 sinh viên thuộc một trường đại học sư phạm về văn hóa ứng xử của học sinh, phần lớn đều cho rằng, văn hóa ứng xử của con trẻ bị ảnh hưởng rất nhiều từ văn hóa ứng xử của cha mẹ, thầy cô. 41% ý kiến cho rằng, họ có ấn tượng xấu đối với những hành vi ứng xử thiếu văn hóa của thầy cô giáo như chửi mắng, trừng phạt khiến học trò bị đau khổ về thể xác, tinh thần... Chính giáo viên dạy cho học sinh cách ứng xử theo kiểu hễ sai là chửi, mắng, đánh. Học sinh lại mang bài học này áp dụng với bạn và rất có thể "bài học" ấy sẽ được "di truyền" sang thế hệ sau, khi các em trở thành cha mẹ, thầy cô giáo.

Đánh giá về nguyên nhân VHGTHĐ đang đi xuống, những người làm giáo dục tham dự bàn tròn này lý giải, thế hệ trẻ bây giờ ứng xử ít văn hóa, lỗi tại họ chỉ chiếm một phần, lỗi nhiều hơn là từ người lớn, từ cách giáo dục của nhà trường và gia đình. Trong đó, vai trò của nhà trường là rất quan trọng. Gia đình và xã hội phải chia sẻ trách nhiệm, nhưng nhà trường vẫn là nơi chủ động vạch ra chiến lược, mục tiêu, đưa ra những chuẩn mực. Nhưng hiện nhà trường chỉ mới chú trọng dạy chữ mà chưa chú trọng đến dạy người. Trong khi dạy chữ, dạy kiến thức là thuần trí tuệ thì dạy lễ, dạy nghĩa lại cần đến cả trái tim, tâm hồn, tình cảm, dạy bằng cả nhân cách của chính mình.

Để giáo dục VHGT trong nhà trường được tốt, nhiều người cho rằng, hơn ai hết, giáo viên chính là "trung tâm" trong việc truyền kỹ năng VHGT tới học sinh. Theo GS.TS Trần Ngọc Thêm, trường học là nơi truyền bá những nét đẹp của văn hóa một cách khuôn mẫu và bài bản nhất. Nét đẹp văn hóa trong giao tiếp cũng đòi hỏi các nhà sư phạm dạy cho học sinh những điều mẫu mực nhất. Nếu thầy cô giáo trên bục giảng mà phì phèo thuốc lá, mặt đỏ vì say rượu thì làm sao học trò không quần áo hở hang, tóc xanh, tóc đỏ đến trường?... Do vậy, để học sinh có văn hóa giao tiếp, trước hết giáo viên phải chuẩn mực về lối sống, đạo đức, ứng xử, trở thành tấm gương để học trò noi theo.

Có ba loại giá trị cơ bản hình thành nhân cách người giáo viên, gồm: văn hóa trí tuệ, văn hóa đạo đức và văn hóa thẩm mỹ. Để học trò "kính nể", người thầy phải có kiến thức chuyên môn tốt, có trí tuệ sâu rộng. Người thầy cũng phải xác định, dạy trò không chỉ bằng trí tuệ mà còn phải bằng nhân cách đạo đức của chính bản thân mình, đó chính là văn hóa đạo đức. Cuối cùng là văn hóa thẩm mỹ, ở bất kỳ hoàn cảnh nào người thầy cũng phải rèn để có được tác phong chuẩn mực nhất từ trang phục lên lớp, cung cách ứng xử, ngôn ngữ, phong thái phải đoàng hoàng, lịch sự.

Một quan điểm cũng được đưa ra trong cuộc thảo luận này là để nâng cao văn hóa giao tiếp trong học đường thì văn hóa giao tiếp trong gia đình cần được chú ý hơn. Thạc sĩ Hoàng Mai, Trường CĐ Sư phạm Trung ương TP Hồ Chí Minh cho rằng, giáo dục văn hóa giao tiếp trong gia đình ảnh hưởng rất lớn đến nhân cách của trẻ. Từ nhỏ, nếu trẻ được giáo dục trong một gia đình hạnh phúc, nền nếp thì lớn lên trẻ dễ dàng trở thành một công dân có văn hóa, phẩm chất đạo đức tốt đẹp. Do vậy, những cử chỉ, lời nói, hành vi của ông bà, cha mẹ, người thân phải là những tấm gương sáng để trẻ noi theo một cách tự nhiên, không khiên cưỡng. Giáo dục văn hóa giao tiếp trong gia đình không phải là dạy trẻ theo thời khóa biểu, cứng nhắc mà dựa vào đặc điểm tâm lý, nhu cầu, khả năng của từng trẻ, cha mẹ chọn lựa những biện pháp phù hợp để tác động lên con trẻ một cách nhẹ nhàng nhưng hiệu quả

Ông bà ta thường nói “tiên học lễ, hậu học văn”. Chữ “lễ” ở đây không chỉ là nghi lễ, mà còn bao hàm cả cách cư xử trong cuộc sống, từ câu chào, lời nói đến lòng trắc ẩn, sự cảm thông với người khác... Và từ đó có những hành động cụ thể, ứng xử với nhau trong đời thường. Để khắc phục tình trạng đáng buồn thiếu văn hóa trong ứng xử của thế hệ trẻ, ngành giáo dục nhiều địa phương đã nỗ lực trong việc làm sống dậy phương châm đào tạo “tiên học lễ” như Sở GD&ĐT Hà Nội đưa ra chuyên đề về giáo dục lễ giáo cho trẻ trong trường học và coi đây là một chương trình hướng tới 1000 năm Thăng Long- Hà Nội. Nhưng để tạo thành một thế hệ trẻ có thói quen giao tiếp, ứng xử văn hóa, thói quen ấy lớn dần lên và tạo thành nhân cách thì lại cần sự vào cuộc của cả nhà trường, đoàn thể, gia đình và xã hội.