Vai trò chi bộ, tổ dân phố
Lâu nay, đa phần người dân quận Hoàng Mai cho rằng sau khi đã đóng lệ phí rác thì vệ sinh môi trường là công việc của Công ty Cổ phần Môi trường Thăng Long và Xí nghiệp môi trường huyện Thanh Trì - những đơn vị chuyên nghiệp đã ký hợp đồng với UBND quận Hoàng Mai.
Chỉ đến ngày lễ, Tết thì các tổ chức đoàn thể, tổ dân phố mới phát động phong trào để làm báo cáo thành tích. Kết quả là không lâu sau đó, lại tái diễn cảnh người dân xả rác không đúng địa điểm, thời gian liên tục xảy ra, không ai có trách nhiệm nhắc nhở.
Điều này cho thấy, phải gắn phong trào với cơ sở, bởi chính quyền cấp quận, phường, dù cố gắng đến đâu nhưng người dân không tự giác tham gia, không thấy "cái được, cái lợi" của phong trào đối với chính người dân thì khó lòng thành công.
![Nỗ lực dọn sạch rác trên sông Lừ. Ảnh An Thanh](https://static.kinhtedothi.vn/w960/images/upload/2025/02/12/122-4.jpg)
“Hôm nay, chúng ta không chỉ phát động một phong trào mà khẳng định lại trách nhiệm của toàn Thủ đô trong việc duy trì sự sạch đẹp và văn minh mỗi ngày. Hà Nội có thể chưa giàu có nhưng phải luôn sạch và sang, bởi sự sạch đẹp chính là gốc rễ, là cốt lõi của phong trào này" - Chủ tịch UBND TP Hà Nội Trần Sỹ Thanh phát biểu tại Lễ phát động phong trào thi đua “Sáng - xanh - sạch - đẹp” trên toàn địa bàn Thủ đô ngày 17/12/2024.
Trên địa bàn quận Hoàng Mai, 14/14 phường đều triển khai phong trào “Sáng - xanh - sạch - đẹp” bộ mặt đô thị đã sáng hơn, sạch hơn. Nhưng thực tế địa phương nào, cán bộ chỉ đạo sát sao, thường xuyên thì kết quả tốt hơn và ngược lại.
Phường Mai Động - địa bàn được lãnh đạo quận Hoàng Mai đánh giá duy trì được phong trào tốt thì mới hơn 30% trong tổng số 23 chi bộ đã có sự thay đổi đáng ghi nhận trong việc đảng viên gương mẫu, đi đầu. Tại các chi bộ số 1, 6, 7, 9, 10, 14 và 18, người dân đã tự giác phân công nhau hàng ngày từ 6 giờ 30 quét dọn đoạn đường mình quản lý, hỗ trợ đắc lực cho công nhân vệ sinh.
Trao đổi với phóng viên Kinh tế & Đô thị, Phó Chủ tịch UBND phường Mai Động Trần Trường Thịnh cho biết, phải thực sự bắt tay vào việc mới biết vì sao tại Lễ phát động phong trào “Sáng - xanh - sạch - đẹp” ngày 17/12/2024, Chủ tịch UBND TP Hà Nội đã nhấn mạnh “đây là công việc thường xuyên, không có điểm dừng, chỉ có điểm đầu, không kết thúc”. Kinh nghiệm tại phường Mai Động cho thấy, cán bộ các cấp phải gương mẫu làm thật thì người dân mới nghe và làm theo.
!["Kinh nghiệm tại phường Mai Động cho thấy, cán bộ các cấp phải gương mẫu làm thật thì người dân mới nghe và làm theo" - Phó Chủ tịch UBND phường Mai Động Trần Trường Thịnh chia sẻ.](https://static.kinhtedothi.vn/w960/images/upload/2025/02/12550a485d-4a48-4131-88c0-9f4c2f53da6f.png)
Gắn phong trào với quy hoạch đô thị
Để giải quyết căn cơ, phong trào “Sáng - xanh - sạch - đẹp” thì không chỉ làm vệ sinh các dòng sông, hè phố mà phải bắt đầu từ quy hoạch. Dù đã có nhiều nỗ lực nhưng người dân 3 phường Vĩnh Hưng, Mai Động, Hoàng Văn Thụ không thể giải quyết triệt để vấn đề ô nhiễm (và cả ùn tắc giao thông) của sông Gạo.
Tuyến mương sông Gạo bắt đầu từ đường Dương Văn Bé (quận Hai Bà Trưng) qua địa bàn phường Vĩnh Hưng, Mai Động, Hoàng Văn Thụ đến đường Tam Trinh (quận Hoàng Mai) và đổ ra sông Kim Ngưu dài 1,4km. Phương án là phải cống hóa, biến dòng sông hẹp 10,5m thành mương kín mới chấm dứt được tình trạng nước ô nhiễm nặng, đặc quánh, đen kịt đã diễn ra nhiều năm nay. Vấn đề này thuộc thẩm quyền của quận Hoàng Mai và Thành phố.
Tương tự, tại phường Định Công với dân số gần 60.000 người, diện tích trên 275ha, có trên 70% diện tích đất tự nhiên thuộc các dự án của TP, đa phần chậm triển khai. Điều này kéo theo hạ tầng giao thông ở Định Công thuộc vào những nơi kém nhất trong các phường nội đô. Dù rất nỗ lực nhưng nhiều con đường trên địa bàn phường vẫn ngập rác, ra quân dọn ngày trước thì ngay hôm sau lại chất đầy.
!["Quy hoạch treo" khiến cho bờ sông Lừ nhếch nhác. Ảnh AT](https://static.kinhtedothi.vn/w960/images/upload/2025/02/12e8dd1537-c70f-486d-9573-671e84b21d67.png)
Thậm chí UBND phường Định Công phường Định Công cắm biển cảnh báo phạt tiền người dân vi phạm, nhưng tình trạng này vẫn không chấm dứt. Bí thư Đảng ủy phường Định Công Phạm Hải Bình chia sẻ: "Tuyến đường nối Định Công với phường Đại Kim dọc sông Lừ thuộc dự án Khu Đô thị mới Đại Kim - Định Công, trách nhiệm thuộc về Chủ đầu tư. Dự án chậm nên mặt đường gồ ghề, hai bên đường nhếch nhác nên người dân thường xuyên lén lút đổ trộm rác, rất khó để quản lý. Trên địa bàn phường, hiện có 42 tuyến ngõ như thế, do vướng “quy hoạch treo” nên quận Hoàng Mai dù muốn cũng không thể dùng ngân sách cải tạo, nâng cấp. Phường chúng tôi đã nhiều lần kiến nghị về vấn đề này..."
Thực tế cho thấy, khi hạ tầng kỹ thuật khung được đầu tư đồng bộ, người dân, người tham gia giao thông sẽ ý thức hơn trong việc giữ gìn vệ sinh. Ngược lại, tại các con đường, tuyến phố, mặt đường xấu, hai bên đường nhếch nhác, thiếu điện đường là điều kiện để người dân xả rác. Về lâu dài, vẫn phải giải được bài toán quy hoạch đô thị, làm điều kiện tiên quyết để duy trì sáng - xanh - sạch - đẹp.