Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Làm thợ trước khi làm chủ

Chia sẻ Zalo

KTĐT - Ông Nam nhấn mạnh: “Có 4 yếu tố quyết định đến công việc mình chọn là kiến thức, khả năng, thích hay không thích và phù hợp hay không phù hợp”.

KTĐT - Ông Nam nhấn mạnh: “Có 4 yếu tố quyết định đến công việc mình chọn là kiến thức, khả năng, thích hay không thích và phù hợp hay không phù hợp”.

Đó là chia sẻ chung của các doanh nhân tại buổi giao lưu với gần 2.000 sinh viên (SV) của 6 trường Đại học trên địa bàn TP.Cần Thơ, Vĩnh Long, Hậu Giang diễn ra tại Trường ĐH Cần Thơ vào ngày 20/10.
 
Tại buổi giao lưu, SV đã được nghe các doanh nhân đang “ăn nên làm ra” trên thương trường chia sẻ những kinh nghiệm kinh doanh của mình.

Với chủ đề “Định hướng nghề nghiệp và Hành trang vào thương trường”, ông Huỳnh Văn Thòn- CTHĐQT kiêm TGĐ Công ty CP Bảo vệ thực vật An Giang chia sẻ: “Thành đạt bắt đầu từ lựa chọn cho đúng vị trí. Chúng ta cần có bản lĩnh và có cách thuyết phục khi lãnh đạo bố trí cho mình không đúng chỗ”.

Với ông Nguyễn Quốc Nam- Phó TGĐ Tập đoàn Kinh Đô- thì, các bạn SV khi ra trường sẽ có rất nhiều câu hỏi hiện ra trong đầu và cần các bạn trả lời; trong đó có 2 vấn đề chính là tự mình lập nghiệp hay đi làm cho người khác. Nếu đi làm thì các bạn nên chọn công việc trước khi chọn công ty bởi công việc ảnh hưởng suốt cuộc đời các bạn.

Ông Nam nhấn mạnh: “Có 4 yếu tố quyết định đến công việc mình chọn là kiến thức, khả năng, thích hay không thích và phù hợp hay không phù hợp”.

Ông Nguyễn Đặng Hiến- TGĐ Công ty TNHH Tân Quang Minh-Bidrico, thì cho rằng- chúng ta phải có ước mơ và hoài bão khi còn là SV. Tuy nhiên để thực hiện ước mơ đó thì cần phải dấn thân và mạo hiểm mới được. Mỗi một phút giây của cuộc sống đều có kế hoạch vì như thế mới tiết giảm thời gian và làm việc có khoa học hơn. Ông Hiến còn vẽ: “Trước khi làm chủ thì các bạn nên đi làm thợ để học hỏi và tích lũy kinh nghiệm cho bản thân”.

Còn ông Kao Siêu Lực- TGĐ ABC Bakery thì có vẻ chia sẻ kinh nghiệm “bình thường” hơn, ông nói: “Nếu ngày mai các nạn băn khoăn không biết làm gì thì nên làm những công việc đơn giản nhất để kiếm sống. Khi tự mình kiếm sống được thì các bạn mới “nhẹ nhàng” để định hướng công việc lớn hơn”. Theo ông Lực, cần phải tự tin và cần cù chịu thương, chịu khó thì mới làm được một công việc chuyên sâu.

Để đạt được thương hiệu của các công ty như ngày hôm nay, các doanh nhân trên đều cho biết: “Chất lượng quyết định thương hiệu”. Ông Kao Siêu Lực khẳng định: “Xây dựng thương hiệu là rất khó khăn”. Còn ông Huỳnh Văn Thòn thì lý giải: “Coi thương trường nhẹ nhàng và xem như một cuộc dạo chơi. Phải làm sao cho người tiêu dùng “thương” cái “hiệu” của mình thì thương hiệu mới đứng vững”.

Nhiều SV cũng hỏi rằng, để thành lập được một Công ty thì cần những yếu tố gì? Theo ông Nguyễn Đặng Hiến thì trước hết phải chuẩn bị cơ sở vật chất, nguồn nhân lực, thủ tục pháp lý cần thiết. Phải hoạch định thế nào để người ta biết đến mình và đương nhiên các bạn phải làm hết năng lực của mình. Ông Hiến nói: “Để công ty có chỗ đứng, các bạn cần có những con người đủ năng lực để giải quyết tất cả mọi vấn đề của công ty”.

Trong việc quản lý nhận sự, ông Nguyễn Quốc Nam chia sẻ: “Khi tuyển chọn nhân viên, các doanh nghiệp thường dựa vào 3 tiêu chí: nhân viên có khả năng làm được công việc được giao hay không?, nhân viên có muốn làm công việc đó hay không?, nhân viên có phù hợp với công việc đó hay không?”. Ông Nam nói: “Các bạn SV cần đánh giá 3 tiêu chí trên để khẳng định mình có chọn công ty và công việc đó hay không”

Ông Nam còn gợi ý, để biết điểm yếu mạnh của bản thân thì các bạn hãy làm một bài test. Tìm 3 người bạn thân nhất và yêu cầu gạch đầu dòng 3 điểm cho rằng bản thân bạn làm tốt, 3 điểm không nên làm tiếp tục, 3 điểm cần phải làm thì tin chắc rằng các bạn sẽ có  hướng đi.

Chia sẻ với PV  sau buổi giao lưu, hầu hết các SV bày tỏ khi còn ngồi trên giảng đường việc tiếp cận với những người thành đạt để nghe họ nói là rất có ý nghĩa. Với những kinh nghiệm mà họ chia sẻ rất bổ ích cho bản thân các SV để định hướng đi cho tương lai.