Trong căn nhà tuềnh toàng, Hồ Văn Lang ngồi bên bếp lửa, cặm cụi đan thúng, đan gùi để bán. Lang khéo tay, từ ngày rời rừng trở về làng Trà Nga, Lang học “lỏm” được được nghề đan lát. Bán được bao nhiêu tiền, Lang đưa hết cho em trai là Hồ Văn Tri, để Tri mua thuốc cho Lang uống.
Nhiều tháng nay, Lang không còn đủ sức lên rừng, lên rẫy để săn bắt hay gùi chuối, trỉa bắp được nữa. Trước kia, Lang hay cười. Bây giờ, Lang vẫn cười, nhưng gượng gạo, man mác từ nơi khóe mắt. Đang làm, cơn đau lại ập đến, Lang bỏ dở công việc, ôm bụng, run rẩy...
Anh Hồ Văn Tri xót xa: “Khoảng cuối năm ngoái, anh Lang bị đau thắt ở bụng, đau nhiều lắm. Càng ngày càng đau hơn, da cũng vàng đi. Lúc đầu, gia đình cứ nghĩ Lang bị đau dạ dày nên đi tìm lá trong rừng về nấu cho uống, nhưng cơn đau mãi không hết và càng nặng thêm. Lang sụt đến 10kg, sức khỏe ngày càng kém".
Lo lắng, Hồ Văn Tri gom hết số tiền dành dụm ít ỏi, đưa Lang về xuôi khám bệnh. Bác sĩ chẩn đoán Lang bị ung thư gan. Để chắc chắn hơn, Tri lặn lội đưa Lang ra Đà Nẵng thăm khám. Tại đây, các bác sĩ có cùng chẩn đoán như ở Quảng Ngãi: Lang bị ung thư biểu mô tế bào gan, khối u chiếm nửa lá gan bên phải.
Căn bệnh đã ở giai đoạn cuối, chỉ có thể điều trị để kéo dài thời gian sống. Gia đình quá khó khăn, Tri đành đưa anh trai về, hái lá thuốc cho anh uống, mong anh có thể cầm cự, sống được ngày nào hay ngày đó.
Sống ở rừng quá lâu, dù đã về với cộng đồng 8 năm nhưng Lang vẫn như đứa trẻ. Lang biết đau, nhưng lại không biết ung thư là gì. Không đủ sức lên rừng, lên rẫy, Lang vừa đau, vừa buồn.
Lúc trước, mỗi lần đi ra ngoài, người làng hay mời Lang uống rượu. Từ ngày Lang mắc bệnh, Tri thường ở nhà “giữ” anh. “Anh Lang ở nhà không uống rượu, nhưng chỉ sợ anh Lang buồn, nhớ rừng rồi đi lang thang, mọi người không biết anh bệnh lại mời rượu anh", Tri nói.
Năm 2013, sự kiện 2 cha con "người rừng" Hồ Văn Lang và Hồ Văn Thanh được đưa từ rừng sâu trở về hòa nhập cộng đồng sau hơn 40 năm sống trong rừng gây xôn xao dư luận trong nước và thế giới.
Từ khi trở về, cha con “người rừng” sống chung với gia đình Hồ Văn Tri (em ruột Hồ Văn Lang). Dù dần hòa nhập với cuộc sống cộng đồng nhưng ngày nào, Hồ Văn Lang cũng vào rừng. Không trỉa lúa, trỉa ngô, trồng chuối thì cũng tìm việc gì ở ngoài rừng mà làm chứ không về nhà sớm. Trời còn chưa sáng rõ, Lang đã đi rẫy. Có lần vừa thăm rẫy xong lại phát đường trên đám rừng già để đi cho gần. Mọi khi muốn lên rẫy phải lần theo bờ sông, xa lắm.
Năm 2017, “người rừng” cha - Hồ Văn Thanh qua đời do tuổi cao sức yếu. Suốt mấy tháng liền, Lang lặng lẽ, không nói năng, không muốn tiếp xúc với bất kỳ ai.
Khi nỗi đau mất cha nguôi ngoai thì giờ đây, bạo bệnh lại kéo đến. Lang đau, nắm lá thuốc sắc cô đặc theo kinh nghiệm tổ tiên để lại cũng dần giảm đi tác dụng. Lang hay ngồi thẫn thờ nhìn về phía núi, lặng im. Tri nhìn anh trai, thương lắm mà chẳng biết làm gì hơn. Bản thân Tri cũng đang bị cơn đau dạ dày hành hạ.
8 năm trôi qua, Lang mới bập bẹ những tiếng Cor của đồng bào mình cùng vài tiếng Kinh thông dụng. Từ khi đau, Lang càng ngày ít nói.
Ông Đặng Minh Thảo - Bí thư Huyện ủy Trà Bồng (Quảng Ngãi), cho biết, huyện ủy vừa phối hợp cùng các hội đoàn thể tổ chức thăm hỏi, trao 3,7 triệu đồng hỗ trợ cho ông Hồ Văn Lang.
"Gia đình ông Hồ Văn Lang thuộc diện đặc biệt khó khăn, sức khỏe lại rất suy yếu. Chúng tôi đang kêu gọi các tổ chức, cá nhân hỗ trợ gia đình ông Lang. Ngoài ra cũng chỉ đạo chính quyền địa phương theo dõi diễn biến sức khỏe của ông Lang, hỗ trợ cho ông Lang tối đa", ông Thảo thông tin.