Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Lần đầu tiên việc phổ cập giáo dục mầm non được luật hóa

Chia sẻ Zalo

KTĐT - Lần đầu tiên, việc phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ dưới 5 tuổi đã được luật hóa.

KTĐT - Lần đầu tiên, việc phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ dưới 5 tuổi đã được luật hóa, bởi việc đầu tư cho giáo dục mầm non cho trẻ dưới 5 tuổi thời gian vừa qua chưa tương xứng với vị trí là bậc học đầu tiên trong hệ thống giáo dục quốc dân, đặt nền móng cho sự phát triển của trẻ trong độ tuổi bước vào các bậc học khác.

Luật sửa đổi bổ sung một số điều của Luật Giáo dục đã được Quốc hội thông qua hôm nay (25/11), có hiệu lực từ 1/7/2010, theo đó, sẽ thực hiện phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ dưới 5 tuổi. 
 
Trong phiên họp hôm nay (25/11) tại hội trường, thay mặt Ủy ban Thường vụ Quốc hội, GS. Đào Trọng Thi, Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, giáo dục, thanh thiếu niên và nhi đồng đã báo cáo giải trình, tiếp thu ý kiến của đại biểu Quốc hội về dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giáo dục.

Một trong những điểm mới, quan trọng được đa số các ý kiến đại biểu Quốc hội nhất trí bổ sung là chương trình giáo dục phải đảm bảo tính hiện đại, ổn định, thống nhất, thực tiễn, hợp lý và kế thừa giữa các cấp học và trình độ đào tạo, tạo điều kiện cho sự phân luồng, liên thông, chuyển đổi giữa các trình độ đào tạo, ngành đào tạo và hình thức giáo dục trong hệ thống giáo dục quốc dân. Đây là cơ sở đảm bảo chất lượng giáo dục toàn diện, đáp ứng yêu cầu hội nhập quốc tế.

Lần đầu tiên, việc phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ dưới 5 tuổi đã được luật hóa, bởi việc đầu tư cho giáo dục mầm non cho trẻ dưới 5 tuổi thời gian vừa qua chưa tương xứng với vị trí là bậc học đầu tiên trong hệ thống giáo dục quốc dân, đặt nền móng cho sự phát triển của trẻ trong độ tuổi bước vào các bậc học khác.

Luật sửa đổi lần này vẫn giao cho Thủ tướng Chính phủ quy định cụ thể việc thành lập, chia tách, sáp nhập, đình chỉ trường đại học. Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo, thủ trưởng cơ quan quản lý nhà nước về dạy nghề được thành lập, chia tách, giải thể… ở các cấp học và trình độ khác nhau.

Một vấn đề khác được dư luận rất quan tâm là học phí và các khoản thu trong nhà trường, Luật sửa đổi đã ghi rõ: “Ngoài học phí (trừ bậc tiểu học) và lệ phí tuyển sinh, người học hoặc gia đình người học không phải đóng góp khoản tiền nào khác”.

Cũng trong phiên họp hôm nay, Quốc hội thông qua Luật Thuế tài nguyên gồm 4 chương, 11 điều có hiệu lực thi hành từ 1/7/2010. Tại Luật này, cũng giao cho Ủy ban Thường vụ Quốc hội quyết định thuế suất cụ thể đối với từng loại tài nguyên, bổ sung đối tượng phát sinh chịu thuế, quyết định miễn giảm thuế trong một số trường hợp.

Luật Thuế tài nguyên quy định 9 nhóm đối tượng chịu thuế cũng như thuế suất đối với từng nhóm, loại tài nguyên khác nhau, căn cứ tính thuế và giá tính thuế, miền giảm thuế và kê khai, nộp thuế…

Với những loại tài nguyên được miễn, giảm thuế, giải trình của Ủy ban Thường vụ Quốc hội cũng tán thành với ý kiến của nhiều đại biểu là trước mắt không đánh thuế đối với hải sản tự nhiên khi mà điều kiện thiên nhiên rất khắc nghiệt, đời sống ngư dân còn nhiều khó khăn, đến nay về cơ bản chúng ta vẫn chưa thu được thuế hải sản, nợ đọng còn rất lớn.

Các loại như nước thiên nhiên dùng cho sản xuất thủy điện của hộ gia đình, cá nhân tự sản xuất phục vụ sinh hoạt, nước thiên nhiên phục vụ nông – lâm – ngư – diêm nghiệp được miễn thuế.

Đối với đất khai thác và sử dụng tại chỗ trên diện tích đất được giao, được thuê, đất khai thác được san lấp, xây dựng công trình quân sự, an ninh, đê điều cũng được xác định miễn thuế. Những trường hợp bị thiên tai, hỏa hoạn, tai nạn bất ngờ cũng được xem xét miễn, giảm thuế.