Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Lần đầu tiên Việt Nam tổ chức hội nghị ADMM+

Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Hội nghị lần thứ nhất của Nhóm chuyên gia về Hành động Mìn nhân đạo trong khuôn khổ hợp tác quốc phòng (ADMM+) sẽ diễn ra tại Hà Nội từ ngày 17- 20/6.

Đây là thông tin được Cục Tuyên huấn, Tổng cục Chính trị Quân đội nhân dân Việt Nam đưa ra tại buổi họp báo sáng 12/6, tại Hà Nội.

Tham gia Hội nghị lần thứ nhất của Nhóm chuyên gia về Hành động Mìn nhân đạo có các cán bộ chính sách và chuyên gia trong lĩnh vực Hành động mìn nhân đạo đến từ 18 quốc gia thành viên ADMM+ và đại diện Ban thư ký ASEAN. Đây là lần đầu tiên Việt Nam và Ấn Độ đồng chủ trì tổ chức Hội nghị, nhằm qua đó, xây dựng kế hoạch hoạt động của Nhóm chuyên gia ADMM+ về Hành động mìn nhân đạo giai đoạn 2014 -2017.

Hội nghị lần này sẽ tập trung vào 4 nội dung chính gồm: Thông báo kế hoạch hoạt động của Nhóm chuyên gia ADMM+ về Hành động mìn nhân đạo 2014-2017; Đánh giá tình hình, thực trạng và hậu quả của ô nhiễm bom mìn và vật liệu nổ còn sót lại sau chiến tranh và các cuộc xung đột của các quốc gia ASEAN và khu vực; Kinh nghiệm của các quốc gia trong khắc phục hậu quả mom mìn, vật liệu nổ; Hợp tác trong đối phó, khắc phục hậu quả bom mìn trong khu vực và quốc tế để đề xuất cho hợp tác trong khuôn khổ ADMM+.

Tại buổi họp báo, Đại tá Đỗ Mai Khanh, Phó Viện trưởng Viện Quan hệ quốc tế về quốc phòng, Bộ Quốc phòng nêu rõ: Hội nghị là cơ hội để Việt Nam thúc đẩy hợp tác quốc phòng giữa các nước thành viên ADMM+ trong lĩnh vực khắc phục hậu quả bom mìn và vật liệu nổ còn sót lại sau chiến tranh và các cuộc xung đột. Qua đó, nâng cao nhận thức về thực trạng, nguy cơ, cũng như trách nhiệm của các quốc gia và cộng đồng quốc tế trong khắc phục hậu quả bom mìn. Đặc biệt, tìm ra các lĩnh vực hợp tác khả thi, phù hợp với lợi ích, điều kiện, khả năng của mỗi bên tham gia.

Đại tá Đỗ Mai Khanh nhấn mạnh: “Đây là hội nghị lần đầu tiên trong khuôn khổ ADMM+ về hành động mìn nhân đạo, là nền tảng để huy động sự hợp tác quốc tế trong lĩnh vực này. Nhằm đẩy nhanh tốc độ khắc phục hậu quả bom mìn không chỉ ở Việt Nam mà cả các quốc gia bị ảnh hưởng bởi bom mìn. Qua đó, tạo điều kiện để các tổ chức, các nước xem xét việc viện trợ nhân đạo cũng như góp phần giúp cuộc sống của người dân bình yên hơn đặc biệt là nạn nhân bị ảnh hưởng bởi bom mìn, vật liệu nổ hòa nhập với cộng đồng. Việt Nam hy vọng với sự đóng góp của các nước cùng ngồi với nhau để tìm ra phương pháp, tạo điều kiện thuận lợi cho công tác rà phá bom mìn của Việt Nam trong thời gian tới ”.