HTX Nấm và nông sản sạch Nguyễn Lăng, xã Hiệp Thuận là một trong số đó. Đi lên từ gian khó Trải qua nhiều nghề khác nhau nhưng cuộc sống gia đình chị Nguyễn Thị Lăng vẫn gặp nhiều khó khăn. Một lần có dịp vào Vũng Tàu thăm người nhà, chị tình cờ biết đến mô hình trồng nấm. Nhận thấy trồng nấm có thể tận dụng được nguồn nguyên liệu sẵn có ở địa phương, hiệu quả kinh tế cao gấp nhiều lần so với trồng lúa, chị Lăng quyết tâm chọn mô hình trồng nấm để phát triển kinh tế gia đình. Năm 2013, sau khi tham gia lớp dạy nghề trồng nấm do UBND xã Hiệp Thuận tổ chức, chị Lăng tiếp tục đến Trung tâm Công nghệ sinh học thực vật (Viện Di truyền nông nghiệp) để học thêm kỹ thuật trồng nấm... Tích lũy được kha khá kiến thức, chị Lăng đã mạnh dạn vay 200 triệu đồng từ Ngân hàng Chính sách xã hội và Ngân hàng NN&PTNT đầu tư mở xưởng sản xuất nấm, mộc nhĩ.
Chị Lăng chia sẻ, ban đầu ít vốn, chị chỉ trồng thử nghiệm hơn 1.000 bịch nấm sò và mộc nhĩ. Ngay từ vụ đầu tiên, chị đã thu lãi hơn 40 triệu đồng. Đến năm 2015, do nhu cầu phát triển, chị Lăng đã mạnh dạn thành lập HTX Nấm và nông sản sạch Nguyễn Lăng gồm 7 xã viên và 15 công nhân. Hiện nay, HTX đã gây dựng được 2 xưởng trồng nấm, mộc nhĩ có quy mô lớn tại địa phương với tổng diện tích hơn 2.000m2, trong xưởng luôn duy trì hơn 2 vạn bịch mộc nhĩ và nấm các loại. Để đầu ra ổn định, trên cương vị là Chủ tịch HĐQT HTX, chị Lăng đã ký hợp đồng bán nấm Linh chi với giá 700.000 đồng/kg với Viện Di truyền nông nghiệp, còn lại các loại nấm ăn được thương lái đến tận xưởng thu mua. Mỗi vụ, xưởng của chị cung cấp ra thị trường 7 vạn bịch nấm ăn, nấm thuốc và hàng chục tấn mộc nhĩ, trừ chi phí cho thu nhập hơn 300 triệu đồng. Không chỉ tạo việc làm, tăng thu nhập cho gia đình, xưởng sản xuất của chị còn tạo công ăn việc làm cho 15 lao động tại địa phương, với mức thu nhập ổn định từ 3 - 4 triệu đồng/người/tháng. Nhân rộng cách làm hay Từ khi thành lập, HTX Nấm và nông sản sạch Nguyễn Lăng đã tạo điều kiện thuận lợi cho việc sản xuất cũng như tiêu thụ sản phẩm của gia đình chị Lăng và các hộ trồng nấm tại địa phương. Nấm và mộc nhĩ của HTX luôn đảm bảo uy tín chất lượng và ngày càng được thị trường trong và ngoài huyện ưa chuộng, tin dùng. Điều đáng nói là HTX rất quan tâm tới đời sống gia đình của mỗi công nhân trong HTX. Mọi việc hiếu, hỷ của các thành viên, công nhân trong HTX, chị Lăng đều có mặt chia sẻ, động viên. Ngoài sản xuất và tiêu thụ nấm cho các hộ gia đình trên địa bàn xã Hiệp Thuận, HTX Nguyễn Lăng còn chủ động phối kết hợp với Trạm Khuyến nông huyện, Hội Phụ nữ xã trực tiếp đứng lớp giảng dạy nghề trồng nấm tại mô hình của HTX. Đồng thời chuyển giao khoa học kỹ thuật cho những cá nhân có mong muốn phát triển nghề. Nói về kinh nghiệm làm nấm, chị Lăng chia sẻ, quan trọng nhất là phải đảm bảo độ ẩm cho không gian nuôi trồng và độ ẩm của cánh nấm. Nếu độ ẩm không đảm bảo thì người trồng có nguy cơ thất thu rất cao. Với hướng đi đúng đắn, HTX Nguyễn Lăng đã mang lại quyền lợi cho các thành viên trong HTX. Đồng thời, góp phần vào sự thành công trong xây dựng nông thôn mới và phát triển kinh tế của xã Hiệp Thuận nói riêng, huyện Phúc Thọ nói chung. Với sản phẩm nấm ngày càng được khẳng định về chất lượng, sức tiêu thụ mạnh trên thị trường và đặc biệt người trồng nấm đã đầu tư đổi mới các khâu sản xuất, đến nay, HTX Nguyễn Lăng thực sự là một HTX điểm của huyện Phúc Thọ trong việc thực hiện các cơ chế, chính sách mới theo Luật HTX 2012.
Chị Nguyễn Thị Lăng giới thiệu sản phẩm nấm trong khu sản xuất của HTX. |