Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Làn sóng dịch Covid-19 trỗi dậy tại nhiều nước châu Âu

Nguyễn Phương
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Dịch Covid-19 đang diễn biến phức tạp tại nhiều nước châu Âu khi Nga ghi nhận hơn 40.000 ca mắc ngày thứ 3 liên tiếp, còn Hà Lan sẽ tái áp đặt biện pháp hạn chế ngăn làn sóng lây nhiễm mới.

Theo số liệu của trang worldometers.info, cập nhật đến sáng ngày 2/11, tổng số ca nhiễm Covid-19 trên toàn cầu là gần 248 triệu trường hợp, trong đó có hơn 5 triệu người  không qua khỏi. Trong 24 giờ qua, thế giới ghi nhận thêm hơn 304.000 trường hợp mắc virus SARS-CoV-2 và hơn 4.000 ca tử vong.
 Hà Lan sẽ tái áp đặt biện pháp hạn chế ngay trong tuần này để đối phó với tình trạng ca nhiễm tăng đột biến trong thời gian gần đây. Ảnh: Reuters
Dịch Covid-19 vẫn đang diễn biến phức tạp tại nhiều nước châu Âu, trái với xu hướng dịch tích cực tại nhiều nơi trên thế giới. Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) hôm 29/10 công bố báo cáo cho biết hơn một nửa số ca nhiễm trên thế giới ngày 18-24/10 nằm ở châu Âu, khu vực duy nhất chứng kiến  số ca nhiễm và tử vong tăng trên toàn cầu.
Châu Âu gần đây ghi nhận gần 29 ca nhiễm trên 100.000 dân, vượt qua tỷ lệ 22/100.000 dân của Mỹ, theo Our World in Data. Các quốc gia chịu ảnh hưởng nặng nhất nằm ở Đông Âu, gây lo ngại một đợt bùng phát mới có thể đánh sập hệ thống chăm sóc y tế vốn thiếu nhân lực và năng lực của họ.
Các quốc gia vùng Baltic gồm Estonia, Latvia và Litva ghi nhận hơn 100 ca nhiễm mới trên 100.000 dân mỗi ngày. Latvia ngày 21/10 áp lệnh phong tỏa toàn quốc, trong khi Estonia ban hành các hạn chế mới.
Ukraine cũng áp đặt biện pháp hạn chế nghiêm ngặt tại thủ đô Kiev từ ngày 1/11 để ngăn chặn làn sóng bùng phát dịch Covid-19 mới.
Bộ trưởng Y tế Hà Lan Hugo de Jonge hôm 1/11 cho biết nước này sẽ tái áp đặt biện pháp hạn chế ngay trong tuần này để đối phó với tình trạng ca nhiễm tăng đột biến trong thời gian gần đây. Đài truyền hình NOS đưa tin chính phủ Hà Lan có thể sẽ yêu cầu đeo khẩu trang tại nhiều khu vực công cộng. Tỷ lệ ca nhiễm Covid-19 hàng ngày tại Hà Lan hôm 30/10 đã ghi nhận mức cao nhất kể từ tháng 7 vừa qua. Nước này có thêm 7.700 ca mắc mới trong ngày 1/11, tăng 45% so với một tuần trước đó. Số bệnh nhân Covid-19 phải nhập viện là hơn 1.200 người, mức cao nhất trong vòng 5 tháng.
Ngày 1/11, Cơ quan liên bang về phòng chống dịch bệnh của Nga cho biết trong 24 giờ qua, nước này ghi nhận 40.402 ca mắc mới Covid-19, nâng tổng số ca mắc trên cả nước lên hơn 8,5 triệu ca. Đây là ngày thứ 3 liên tiếp số ca mắc mới tại Nga vượt trên con số 40.000.
 Nga ghi nhận hơn 40.000 ca nhiễm Covid-19 mới trong 3 ngày liên tiếp. Ảnh: Tass
Cũng trong 24 giờ qua, Nga ghi nhận 1.155 người không qua khỏi do Covid-19, nâng tổng số ca tử vong trên cả nước lên 239.693 ca. Cùng ngày, giới chức Nga nhận định đội ngũ bác sĩ tại nước này đang đứng trước áp lực rất lớn do số các ca mắc Covid-19 tăng mạnh.
Đáng chú ý, thủ đô Moscow đã phải áp đặt lệnh phong tỏa trong dịp nghỉ lễ quốc gia từ 28/10-7/11 nhằm ngăn chặn dịch bệnh diễn biến phức tạp. Theo đó, hầu hết các hoạt động kinh doanh và các dịch vụ không thiết yếu đều phải tạm ngừng hoạt động. 
Phát biểu trước báo giới, người phát ngôn Điện Kremlin Dmitry Peskov nêu rõ các bác sĩ làm việc tại những "vùng đỏ" đang đối diện với "áp lực tâm lý và thể chất vô cùng lớn" khi số ca tăng nhanh trong thời gian gần đây. Hiện các giường bệnh không còn chỗ trống và tình hình sẽ chưa thể cải thiện trong một vài ngày tới.
Tại Anh - quốc gia có tỷ lệ tiêm ngừa cao và đã bỏ hầu hết các biện pháp phòng dịch, số ca nhiễm mỗi ngày vẫn giữ trên mức 40.000, ca tử vong dao động trên dưới 150.  Theo Văn phòng Thống kê quốc gia Anh (ONS), ca nhiễm đang ở mức cao nhất kể từ đầu năm 2021, tuy nhiên ca nhập viện và tử vong thấp hơn đáng kể so với đợt bùng dịch lần hai hồi tháng 1/2021 được cho là nhờ hiệu quả của vaccine.
Trong khi đó, giới chức y tế Pháp ngày 1/11 báo cáo số lượng bệnh nhân nhập viện vì Covid-19 đã tăng trong 24 giờ qua lên 6.572 người. Đây là mức tăng cao nhất trong một ngày kể từ ngày 6/9. Số ca mắc Covid-19 mới tại Pháp trong 24 giờ qua là 6.329 trường hợp, tăng 26,5% so với một tuần trước, nâng tổng số ca lên 7,17 triệu ca. Trong khi đó, với thêm 12 trường hợp tử vong, tổng số người thiệt mạng vì Covid-19 tại Pháp hiện tăng lên thành 117.755 ca. Theo báo cáo, số ca nhiễm mới trung bình trong 7 ngày qua tại Pháp ở mức 5.858 ca và là mức cao ghi nhận trong 5 tuần gần đây.
Tại Đức, trước tình hình dịch bệnh đang có dấu hiệu bùng phát trở lại nhanh chóng, Chủ tịch Hiệp hội y tế Đức Klaus Reinhardt kêu gọi cần phải tăng cường biện pháp kiểm soát phòng dịch hơn nữa.
Ông Klaus đề xuất 3 điểm gồm áp dụng quy tắc 2G (những người đã tiêm chủng hoặc đã bình phục) trong phần lớn các địa điểm đông người như bảo tàng, nhà hàng, siêu thị; áp dụng quy tắc 3G (những người đã tiêm chủng, đã bình phục hoặc có xét nghiệm âm tính) tại nơi làm việc; và tăng cường xét nghiệm đối với nhóm người già, người dễ bị tổn thương hoặc làm việc tại những nơi có nguy cơ lây nhiễm cao. Ngoài ra, ông Klaus cũng ủng hộ việc kích hoạt trở lại các trung tâm tiêm chủng tập trung để có thể đẩy mạnh chiến dịch tiêm tăng cường mũi vaccine thứ 3 cho tất cả những người đã được tiêm đầy đủ.
Trước đó, phát biểu sau Hội nghị thượng đỉnh G20, Thủ tướng Đức Angela Merkel cho biết tình hình dịch Covid-19 hiện tại rất đáng lo ngại và cần phải nhanh chóng hành động. Bà Merkel nhấn mạnh chính phủ liên bang và chính quyền các bang sẽ phải cùng nhau thảo luận về các biện pháp tiếp theo để ngăn chặn đại dịch cũng như tình trạng quá tải của hệ thống y tế.
Theo giới quan sát, làn sóng Covid-19 tại châu Âu trỗi dậy khi thời tiết khu vực này trở nên lạnh hơn do mùa đông. Khi trời lạnh, người dân có xu hướng tụ tập trong các phòng kín để sưởi ấm, ít giao tiếp ngoài trời, khiến virus dễ lây lan hơn.
Theo Hajo Zeeb, chuyên gia dịch tễ học tại Đại học Bremen của Đức, tình hình trở nên tồi tệ hơn khi một bộ phận dân chúng châu Âu chần chừ tiêm vaccine, gọi đây là "đại dịch của những người chưa tiêm chủng".
Chuyên gia Zeeb khẳng định ông "rất yên tâm" về hiệu quả ngăn ngừa tử vong của tiêm chủng, nhưng cảnh báo vaccine "không thể giải quyết được tất cả vấn đề". "Tiêm vaccine có thể ngăn nhiễm bệnh song không phải 100%. Điều đáng lo ngại là khả năng miễn dịch của người được tiêm bị suy giảm, do đó một số nước phải tiêm mũi tăng cường", ông Zeeb nói./.