Thâu tóm cảng biển và ngành tài chính
Đầu tháng này, tập đoàn cảng biển China Merchants Port Holdings của Trung Quốc đã mua lại 90% sở hữu tại đơn vị điều hành cảng Paranaguá - một trong những cảng lớn nhất của Brazil, nối liền tuyến giao thông biển Nam Mỹ - với giá gần 1 tỷ USD.
Việc các DN hàng hải Trung Quốc mua lại các cảng biển nước ngoài ngày càng trở nên phổ biến. Trước đó, tập đoàn Cosco của Trung Quốc cũng đã nắm quyền điều hành một phần cảng Khalifa, cảng biển quan trọng, đóng vai trò xuất nhập khẩu gần như toàn bộ hàng hóa của tiểu vương quốc Abu Dhabi.
Sau khi thâu tóm một loạt cảng biển, các DN Trung Quốc đang quay sang ngành tài chính. Theo hãng tin Reuters, 2 trong số công ty Trung Quốc tích cực nhất trong hoạt động thâu tóm là HNA Group và Anbang Insurance Group đã cân nhắc chào mua công ty bảo hiểm Đức Allianz SE. Allianz là một hãng bảo hiểm lớn và lâu năm của Đức và quản lý số tài sản lên tới 1,9 nghìn tỷ Euro, tương đương 2,3 nghìn tỷ USD.
Nếu như hoạt động thâu tóm cảng biển trên thế giới của Trung Quốc là một mắt xích hiện thực hóa “Con đường Tơ lụa trên biển thế kỷ 21” nhằm tăng cường hợp tác kinh tế với Đông Nam Á, Trung Đông, châu Phi cũng như các nước thuộc Liên minh châu Âu (EU) thì kinh nghiệm, chuyên môn và nguồn vốn của các công ty tài chính châu Âu được cho là những điểm hấp dẫn đối với các nhà thâu tóm đến từ Trung Quốc.
“Lá chắn” của châu Âu và Mỹ
Vừa qua, Tổng thống Mỹ Donald Trump đã chặn việc mua lại một một công ty sản xuất chip máy tính tại Mỹ của một DN tư nhân được Trung Quốc hậu thuẫn. Quyết định của Tổng thống Trump đã kết thúc một chiến dịch kéo dài 8 tháng bởi Canyon Bridge và Lattice để hoàn tất thương vụ. Kế hoạch sáp nhập Lattice Semiconductor Corp (LSCC.O) của Canyon Bridge Capital Partners có giá trị 1-3 tỷ USD, là một trong những nỗ lực lớn nhất của công ty được Bắc Kinh tham gia vào ngành vi mạch Mỹ.
Động thái này gửi đi tín hiệu rõ ràng với Bắc Kinh rằng, Washington sẽ phản đối các thương vụ mua lại liên quan đến ngành công nghệ ứng dụng trong quân đội. Quyết định của ông Trump đã được đưa ra trùng với quan điểm của Ủy ban Đầu tư nước ngoài tại Mỹ (CFIUS), chuyên nghiên cứu các mối đe dọa tiềm ẩn đối với an ninh quốc gia. Bộ trưởng Tài chính Mỹ Steven Mnuchin cho biết trong một tuyên bố rằng, CFIUS và tổng thống đánh giá rằng giao dịch này gây nguy hiểm cho an ninh quốc gia.
Trong khi đó, EU cũng đang soạn thảo và dự kiến đề xuất trong năm nay các điều luật ngăn DN nước ngoài thâu tóm các công ty công nghệ quan trọng trước làn sóng thu mua từ Trung Quốc. Hồi tháng 7/2017, Đức đã triển khai các biện pháp nhằm ngăn các công nghệ tiên tiến lọt vào tay các nhà đầu tư nước ngoài sau khi tập đoàn Midea của Trung Quốc mua lại nhà sản xuất robot Kuka hồi năm ngoái. Một báo cáo chung của Đức, Pháp, Italia sau đó cũng kêu gọi Brussels hành động trước các vụ thâu tóm của nước ngoài, đặc biệt là Trung Quốc.
Phần lớn các vụ thâu tóm, khoảng 70%, là do các công ty thuộc sở hữu nhà nước của Trung Quốc, theo Viện nghiên cứu Mercator có trụ sở tại Đức. Theo quy định, chính quyền châu Âu có quyền can thiệp nếu thỏa thuận liên quan đến lợi ích quốc gia như quốc phòng, năng lượng, ổn định tài chính và an ninh. Tuy nhiên vẫn còn nhiều lỗ hổng trong quy định ngăn chặn. Chẳng hạn tại Đức, chính quyền hầu như không hay biết điều gì đang diễn ra bởi không có quy định nào bắt buộc các vụ thâu tóm của nước ngoài phải thông báo với nhà chức trách.