KTĐT - Thời điểm này, đến thôn Lê Xá, xã Mai Lâm, huyện Đông Anh đâu đâu cũng thấy lạt nứa, lạt giang trắng nõn phơi ngoài sân.
Lê Xá là ngôi làng có nghề truyền thống khá đặc biệt: chẻ lạt quấn bánh chưng, gói giò, nem… Mỗi dịp Tết đến Xuân về, các gia đình đều tăng công suất chẻ lạt, hy vọng thu được một khoản tiền kha khá để sắm Tết.
Nhộn nhịp vào mùa
Năm nào cũng vậy, cứ đến tháng Chạp là thôn Lê Xá lại nhộn nhịp hơn hẳn những ngày thường. Đến Lê Xá những ngày này, tiếng lách cách pha nứa, chẻ lạt rộn rã khắp các ngõ ngách. Lạt được phơi trắng cả sân thềm, thậm chí có nhà còn phơi ngoài đường làng. Cổng làng Lê Xá là nơi sôi động nhất bởi đây là địa điểm tập kết nguyên liệu cung cấp cho các hộ dân làm nghề. Chị Hoàng Thị Huệ, một chủ buôn nứa cho biết: Tôi vừa nhập mẻ hàng Tết gần 800 cây nứa từ Yên Bái về. Năm nay, thời tiết giá rét, việc khai thác khó khăn nên nứa khan hiếm và giá cao hơn mọi năm. Giá bán lẻ khoảng 30.000 - 40.000 đồng/cây, cao hơn gấp đôi năm ngoái.
Vào mùa nên công suất chẻ lạt của các hộ dân cũng tăng, gấp 3 - 4 lần ngày thường. Hầu hết nhân lực trong gia đình đều được huy động để tham gia chẻ lạt. Vừa lựa chọn những cây nứa tốt, cụ bà Đỗ Thị Quý, 79 tuổi chia sẻ: Nhiều sản phẩm làng nghề khác có thể dùng máy sản xuất, nhưng riêng với chẻ lạt thì phải do chính bàn tay của con người mới làm ra được. Ngày thường, lạt Lê Xá được bán cho các cơ sở sản xuất bánh cốm, bánh phu thê hay buộc hoa. Ngày Tết thì chủ yếu phục vụ gói bánh chưng, gói giò, nem.
Việc chẻ nứa đòi hỏi sự khéo léo của bàn tay người thợ. Ống nứa, giang sau khi được cưa thành khúc theo chiều dài của lạt (50cm - 60cm - 90cm) thì được đem cạo bỏ vỏ xanh cho lạt trắng nõn và cũng để bảo vệ người thợ không bị vỏ làm đứt tay khi chẻ. Ống nứa cạo xong được pha thành từng mảnh. Sau đó người thợ dùng răng giữ một nhánh lạt còn nhánh kia dùng dao và tay kéo ra thành thanh lạt mỏng dính. Mỗi ống nứa chẻ được 100 - 200 dây lạt tùy theo ống to hay nhỏ. Lạt được mang phơi khô, sau đó bó thành từng bó (50 - 100 lạt) rồi đem bán. Theo nhận định của người làm nghề, năm nay thời tiết rét và được nghỉ dài ngày nên sẽ có nhiều gia đình gói bánh chưng hơn, do đó nhu cầu sử dụng lạt cũng cao hơn.
Niềm vui dịp Tết
Ông Hoàng Tuấn Anh, Trưởng thôn Lê Xá cho biết: Thôn có 280 hộ dân với 1.300 nhân khẩu, trong đó có khoảng 50% số hộ làm nghề chẻ lạt. Nghề truyền thống này không những góp phần nâng cao thu nhập cho người dân mà còn tạo công ăn việc làm cho lao động phụ như người già, trẻ em. Ngày thường, mỗi người chẻ lạt thu được 30.000 - 50.000 đồng/ngày. Nhưng trong dịp Tết nhu cầu và giá bán lạt tăng cao nên có thể kiếm được 100.000 - 150.000 đồng/ngày (người giỏi có thể chẻ được 3.000 - 4.000 lạt/ngày).
Theo thường lệ, cứ từ ngoài mùng 10 tháng Chạp trở đi là Lê Xá bắt đầu bước vào mùa "cao điểm", thương lái tìm đến mua lạt khá tấp nập. Giá bán buôn hiện đang ở mức 4.000 - 5.000 đồng/100 lạt, giá bán lẻ là 6.000 đồng/100 lạt. Để tăng thêm lợi nhuận, chị Nguyễn Thị Vân, một thợ chẻ lạt thôn Lê Xá thường mang đi các chợ lân cận như Vĩnh Ngọc, Xuân Canh, Cổ Loa, Đông Hội… hoặc đưa vào các khu công nghiệp để bán. Chị cho biết: Ngày Tết, tôi phải huy động cả chồng con cạo vỏ, pha nứa giúp nên chẻ được 3.000 lạt/ngày, trừ chi phí đi cũng thu được 150.000 đồng/ngày. Ước tính cả mùa Tết năm nay, gia đình chị thu được 3 - 4 triệu đồng. Còn chị Nguyễn Thị Lực, một thợ chẻ lạt khác chia sẻ: "Từ giờ đến 30 Tết, nhà tôi cũng phấn đấu chẻ 50.000 lạt, trừ chi phí đi cũng cho thu nhập trên 2 triệu đồng. Đây là khoản thu đáng kể để sắm Tết ở nông thôn".