KTĐT - Đông Hồ những ngày giáp Tết không còn phơi giấy điệp trắng triền đê sông Đuống, nhưng sau những khóm tre xanh, nghệ nhân của làng Song Hồ (xã Đông Hồ, Thuận Thành, Bắc Ninh) vẫn đang miệt mài in tranh bán Tết.
Đôi tay Đạo thoăn thoắt buộc lại những khung tranh. Ở chiếc bàn bên cạnh, chị Dung, mẹ Đạo cũng đang miệt mài đặt ván in tranh mới. Hàng bán đã khan… Không khí Tết như đang bừng lên trên từng bức tranh giấy điệp Đông Hồ.
Tranh Đông Hồ vào vụ
Đông Hồ những ngày giáp Tết không còn phơi giấy điệp trắng triền đê sông Đuống, nhưng sau những khóm tre xanh, nghệ nhân của làng Song Hồ (xã Đông Hồ, Thuận Thành, Bắc Ninh) vẫn đang miệt mài in tranh bán Tết.
Vừa đưa bút vẽ thêm đường nét cho tranh, chị Dung, con dâu nghệ nhân Nguyễn Hữu Sam (người duy nhất của Đông Hồ được phong tặng danh hiệu Nghệ nhân làng nghề) vừa vui vẻ chia sẻ một tin vui: “Cuối năm càng bán được nhiều hàng hơn. Những năm gần đây, người dân đang quay lại với tranh Đông Hồ.”
Trong ngôi nhà khang trang của chị, tranh treo kín bốn bức tường với đủ kích cỡ, màu sắc. Giá tranh theo đó cũng dao động từ 5.000 đồng cho đến hàng trăm nghìn đồng một bức.
Để làm tranh, gia đình chị phải đặt hàng vỏ điệp ở tận Quảng Ninh, nhập giấy gió từ huyện Phong Khê (Bắc Ninh). Vỏ điệp được nghiền nhỏ, trộn với hồ nếp rồi bồi (quét) lên giấy gió để làm thành giấy điệp, loại giấy đặc trưng của tranh Đông Hồ.
Tranh vẽ bằng cách in ván. Mỗi ván in một màu. Một bức tranh có bao nhiêu màu thì người thợ sẽ phải in bấy nhiêu lượt để tạo nên một bức tranh hoàn chỉnh với màu sắc tươi tắn. Tranh làm hoàn toàn từ chất liệu thiên nhiên với giấy làm từ cây gió, màu trắng của vỏ điệp, màu vàng của hoa hòe, đỏ của thỏi son (sỏi son), màu đen từ than tre…
“Làm tranh cầu kỳ mà giá thành thấp. Đã có người nói tôi nên nâng giá tranh để xứng với công sức bỏ ra, và cũng như một cách để đẩy giá trị tranh lên. Nhưng làm thế e mất đi một phần ý nghĩa vì Đông Hồ vốn là dòng tranh dân gian bình dân, cho nông dân,” chị Dung chia sẻ.
Giá không cao nhưng đổi lại, những ngày này, chị liên tục có khách vào mua hàng, Có khi bận tiếp khách, chị không có thời gian để ăn cơm. Đạo, con trai chị, đang là sinh viên Đại học Chu Văn An, được về nghỉ tết sớm, tất bật giúp mẹ làm tranh.
Trong nhà nghệ nhân Nguyễn Hữu Sam, em Loan là người cháu của cụ, cũng hối hả in tranh đàn lợn âm dương. Ở ngoài sân, người con dâu trưởng đang mải tiếp mấy khách từ Hà Nội tới mua tranh gửi cho người thân ở Thành phố Hồ Chí Minh và Canada.
Đông Hồ đang vào vụ…
“Người làm tranh Đông Hồ có thể không giàu nhưng hiện tại vẫn có thể sống được bằng nghề,” chị Dung phấn khởi nói.
Sức sống của một dòng tranh
Không chỉ bận bịu với làm tranh, với khách mua tranh, chị Dung còn thường xuyên đón những vị khách đặc biệt, đó là những học sinh, sinh viên, những người trẻ đến để tìm hiểu về dòng tranh nổi tiếng cả vùng đồng bằng xứ Bắc. Khách đến không nhất thiết phải mua tranh nhưng vẫn được chủ nhà tiếp đón nồng hậu.
Vừa đon đả rót nước mời một nhóm bốn bạn sinh viên năm thứ ba của Học viện Ngân hàng, chị vừa tỉ mỉ bình từng bức tranh: “Cái độc đáo của tranh Đông Hồ ở chỗ, nó không phải là những gì cao xa mà phản ánh chính cuộc sống thường nhật của người nông dân. Mỗi bức tranh là một tích truyện, mỗi bức tranh đều là một lời chúc, đều thể hiện một khát vọng của người dân Việt Nam xưa…”
Như một hướng dẫn viên du lịch cho chính những sản phẩm của mình, chị say sưa giới thiệu từng sản phẩm. Đây bức Hứng dừa, kia Cưỡi trâu thả diều, còn đây là Mục đồng thổi sáo…
Hải Anh, sinh viên Học viện Ngân hàng chia sẻ: “Ban đầu, em cũng không thấy thích tranh Đông Hồ lắm vì không màu sắc và hào nhoáng bằng các loại tranh hiện đại. Nhưng càng tìm hiểu lại càng thấy yêu, thấy đó như một phần hồn của quê hương mình, dân tộc mình.”
Trong nhà của chị Dung, bên cạnh tranh, còn có hai cuốn sổ đóng bằng giấy điệp dày tới cả nghìn trang. Đó là nơi để khách thập phương ghi lưu bút khi tới thăm. Cả hai cuốn sổ đều đã kín chỗ, chị đang phải đóng thêm sổ mới. Những dòng lưu niệm với đủ loại ngôn ngữ khác nhau, từ tiếng Việt, tiếng Hàn, tiếng Trung, tiếng Anh đến tiếng Pháp…
Ghi lưu bút nhiều nhất là các bạn trẻ. Bạn Phạm Thị Mai Liên, sinh viên Đại học Bách khoa Hà Nội viết: “Hôm nay là ngày đầu tiên mình đến làng tranh Đông Hồ. Vui quá! Thật đẹp và những bức tranh rất ý nghĩa. Mình rất xúc động!”
Ở một trang khác, bạn Lưu Thị Thuy, Duy Tiên, Hà Nam chia sẻ: “Màu của tranh Đông Hồ thánh thiện và dân tộc quá! Bình dị, nhẹ nhàng và sâu sắc!”
“Mỗi lần đọc lại sổ, tôi rất vui. Cảm giác thật hạnh phúc khi thấy mình có ích cho cộng đồng,” chị Dung xúc động nói.
Năm nay, chị cũng có thêm một niềm vui mới khi ngoài khách thập phương, chính những người làng Đông Hồ cũng tới nhà chị Dung để mua tranh về treo tết. Người làng tranh đang được đánh thức về một nét đẹp văn hoá cổ truyền của cha ông mình.
Và có lẽ, chính vẻ đẹp cổ truyền đã làm nên sức sống tiềm tàng của tranh Đông Hồ. Để rồi, mỗi người Việt khi xem tranh, nghe bình tranh, đều thấy sâu thẳm trong tâm hồn mình, những sợi tơ lòng giăng mắc đang rung lên, những sợi tơ hồn Việt./.