Thứ trưởng Bộ Xây dựng Lê Quang Hùng nhận định, lĩnh vực Quy hoạch, kiến trúc và đô thị của Hà Nội có rất nhiều vị trí phải điều chỉnh cho phù hợp với tình hình và nhu cầu phát triển trong thời kỳ mới. Việc uỷ quyền, cho phép Hà Nội lựa chọn nhà đầu tư thực hiện một số dự án đặc thù lập quy hoạch chi tiết và lựa chọn tư vấn lập quy hoạch phân khu là rất cần thiết.
Với đề xuất tập trung xây dựng quỹ nhà ở xã hội chung cho toàn TP thay vì thực hiện nhỏ lẻ theo từng dự án đô thị hiện nay, Thứ trưởng Bộ Xây dựng Lê Quang Hùng cũng bày tỏ sự đồng tình. “Tuy nhiên, Hà Nội nên có sự cân đối, đảm bảo các khu vực nhà ở xã hội có hạ tầng đảm bảo tiêu chuẩn chung của TP” – thứ trưởng góp ý. Cũng liên quan đến Quỹ nhà ở tái định cư, nhà ở xã hội, Lãnh đạo Bộ Xây dựng cũng đồng tình với đề xuất cơ chế đặt hàng xây dựng nhà ở thương mại để sử dụng làm nhà tái định cư của UBND TP. Riêng đối với kiến nghị điều chỉnh quy mô dân số và ranh giới 2 dự án KĐT Tây Mỗ, Gia Lâm, Bộ Xây dựng đề nghị Hà Nội cần cân nhắc đến ảnh hưởng chung đối với phân khu. Chủ trương rút dần dân cư trong vùng lõi ra ngoại vi, giảm dân số khu vực trung tâm từ 1,2 triệu xuống còn 800.000 người là rất tốt, nhưng phải song hành với phát triển hạ tầng tại từng khu vực để đảm bảo các vấn đề dân sinh.Việc xã hội hoá công tác đầu tư nước sạch, đưa về quản lý tập trung tại đầu mối duy nhất là Sở Xây dựng; thí điểm giao lực lượng Thanh tra xây dựng về quận, huyện quản lý, chuyển đổi thành Thanh tra trật tự đô thị; cải tạo chỉnh trang Hồ Hoàn Kiếm... của TP cũng đã được Bộ trưởng Trần Hồng Hà đánh giá rất cao, coi đây là những bước đột phá trong tư duy của lãnh đạo TP. Trong lĩnh vực GTVT, Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Ngọc Đông nhìn nhận: “Hà Nội đã đặc biệt ưu tiên phát triển hạ tầng nên đầu mối giao thông tốt hơn rất nhiều so với các TP khác; vận tải tăng trưởng rất nhanh nhưng TP vẫn đáp ứng được nhu cầu”. Tuy nhiên, Thứ trưởng Nguyễn Ngọc Đông cũng bày tỏ lo ngại về thực trạng quá tải hạ tầng; khó khăn trong phát triển giao thông công cộng của TP. Lãnh đạo Bộ GTVT cũng thừa nhận tình trạng chậm tiến độ thực hiện các dự án đường sắt đô thị đang gây ra nhiều khó khăn cho TP trong giai đoạn hiện nay. Đối với những kiến nghị, đề xuất của Hà Nội về việc giải ngân vốn ODA cho các dự án hạ tầng giao thông; huy động nguồn vốn xã hội hoá thực hiện đường sắt đô thị..., Thứ trưởng Nguyễn Ngọc Đông cho rằng hiện còn vướng rất nhiều quy định của luật.“Chờ sửa luật sẽ rất lâu, kiến nghị Thủ tướng và Chính phủ cho phép đưa ra Thường vụ Quốc hội bàn bạc, ra Nghị quyết, uỷ quyền cho Hà Nội thực hiện tự chủ, tự quyết trong một số vấn đề cấp bách, đặc biệt là lĩnh vực xây dựng kết cấu hạ tầng giao thông” - Thứ trưởng Nguyễn Ngọc Đông đề xuất.