Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Lãnh đạo Thành phố Hà Nội đối thoại, cùng doanh nghiệp tháo gỡ khó khăn

Nhóm PV
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi – Ngày 16/4, Thành ủy, HĐND, UBND TP Hà Nội đối thoại với doanh nghiệp để lắng nghe ý kiến phản ánh, kiến nghị của doanh nghiệp và tìm các giải pháp tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy hoạt động sản xuất, kinh doanh, ổn định an sinh xã hội, ứng phó với dịch Covid-19.

Tham dự Chương trình có Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy Hà Nội Vương Đình Huệ; Ủy viên T.Ư Đảng, Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch UBND TP Nguyễn Đức Chung; Ủy viên Trung ương đảng, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng, Chủ tịch VCCI Vũ Tiến Lộc; Chủ tịch HĐND TP Nguyễn Thị Bích Ngọc; các Phó Chủ tịch UBND TP: Nguyễn Thế Hùng, Nguyễn Doãn Toản và đại diện gần 50 doanh nghiệp, hiệp hội trên địa bàn TP Hà Nội.
Hướng tới mục tiêu cứ 1.000 dân sẽ có 1 doanh nghiệp

Phát biểu mở đầu chương trình đối thoại, Bí thư Thành ủy Hà Nội Vương Đình Huệ cho biết, đại dịch Covid-19 đang tác động nặng nề, gây ra suy thoái kinh tế nghiêm trọng, rất nhiều dự báo, dự kiến được đưa ra nhưng đến giờ phút này chúng ta chưa đánh giá hết được tác động ghê gớm của dịch bệnh Covid -19 đến nền kinh tế thế giới, trong đó có Việt Nam.

  Lãnh đạo Thành phố Hà Nội đối thoại với doanh nghiệp để lắng nghe ý kiến phản ánh, kiến nghị của doanh nghiệp và tìm các giải pháp tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy hoạt động sản xuất, kinh doanh, ổn định an sinh xã hội, ứng phó với dịch Covid-19.

Trong quý I, Việt Nam giữ được tăng trưởng khá cao so với thế giới nhưng chỉ bằng nửa năm trước. Quý II dự báo tiếp tục khó khăn. Với Hà Nội, 3 tháng đầu năm tăng trưởng 3,72% thấp hơn mức bình quân cả nước. Nếu ngành nông nghiệp của TP không bị sụt giảm thì mức tăng trưởng của TP sẽ cao hơn mức bình quân chung của cả nước. "Đây là nỗ lực hết sức cố gắng của thành phố trong bối cảnh chung hiện nay".

Thực hiện chỉ đạo của Bộ Chính trị, Ban Bí thư của Chính phủ bên cạnh mục tiêu hàng đầu là tập trung công sức thời gian cho công tác phòng chống dịch, Hà Nội đang phấn đấu giảm thiểu ở mức thấp nhất thiệt hại kinh tế; duy trì và phát triển sản xuất để nguồn lực đảm bảo an sinh xã hội và chuẩn bị tiềm năng để phục hồi kinh tế.

Bình quân 4 năm qua nông nghiệp thành phố tăng trưởng 2,5% mỗi năm, 3 tháng đầu năm 2020 là âm 1,17%. TP quyết tâm và tăng trưởng nông nghiệp ở mức 4,04% bằng cách, tăng tái đàn gia súc, gia cầm...

Nêu việc TP đang có chủ trương rà soát, không để mét đất nào bỏ hoang, TP kêu gọi các nhà đầu tư phối hợp phát triển nông nghiệp, Bí thư Thành ủy dẫn chứng: "Ngay ở Ba vì đang có 41 hecta có thể làm rau sạch, nhà đầu tư có thể lên làm việc ngay. Thành phố cũng giảm bớt diện tích trồng hoa để tăng sản lượng các sản phẩm nông nghiệp. Đây là cơ hội chào đón các nhà đầu tư trong lĩnh vực nông nghiệp".

   Bí thư Thành ủy Hà Nội Vương Đình Huệ phát biểu mở đầu chương trình đối thoại

Trong bối cảnh dịch bệnh, trong lĩnh vực CNTT, kinh tế trực tuyến, TP sẽ làm việc với Bộ TT&TT trong tuần tới để triển khai công việc hướng tới mục tiêu cứ 1.000 dân sẽ có 1 doanh nghiệp kể cả khởi nghiệp trong lĩnh vực này, chú trọng hình thức trực tuyến, kể cả với các dịch vụ công; coi đây như một cứu cánh của nền kinh tế.

Về đầu tư công, trong giai đoạn 5 năm qua, Hà Nội có hơn 107 nghìn tỷ đồng, chiếm 10% đầu tư công của cả nước. Hà Nội đã quyết tâm tháo gỡ tất cả những vướng mắc để giải ngân gần 40 nghìn tỷ đồng còn tồn đọng, tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp. Đây là nguồn lực lớn để kích hoạt đầu tư tư nhân.  Bí thư Thành ủy mong muốn các nhà đầu tư phối hợp với Hà Nội để triển khai các khoản đầu tư công này.

“Đây là giai đoạn mà TP xác định sẽ gỡ mọi vướng mắc, khó khăn cho đầu tư công và đầu tư tư nhân” – Bí thư nói và nhấn mạnh TP sẵn sàng lắng nghe để tháo gỡ khó khăn trong công tác giải phóng mặt bằng, điều chỉnh quy hoạch, tháo gỡ các thủ tục để cho các chính sách, dự án của doanh nghiệp đầu tư trên địa bàn TP được kích hoạt, thông suốt. Đồng thời cam kết có thời hạn thực hiện cụ thể.

Bí thư Thành ủy cho biết, đối với các gói hỗ trợ của Chính phủ thì TP sẽ triển khai một cách nhanh nhất. Ngoài ra, TP cũng muốn lắng nghe đề xuất của các nhà đầu tư, hiệp hội về phí, lệ phí… để TP có điều chỉnh quyết sách cần thiết thuộc thẩm quyền của TP.

Đồng thời, TP cũng mong muốn các doanh nghiệp, nhà đầu tư sẽ có hiến kế cho TP để duy trì được đà tăng trưởng, nạp năng lượng, tạo hiệu năng để khi vượt qua được dịch thì kinh tế có thể tăng trưởng vượt bậc.

Nhiều ngành bị ảnh hưởng, DN gặp khó do Covid-19

Báo cáo tình hình phát triển kinh tế - xã hội Thủ đô và tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, thúc đẩy hoạt động sản xuất kinh doanh trong bối cảnh đại dịch Covid-19 trên địa bàn, tại buổi đối thoại doanh nghiệp, Giám đốc Sở KH&ĐT Hà Nội Nguyễn Mạnh Quyền cho biết tăng trưởng kinh tế vẫn duy trì, song do hoạt động sản xuất, kinh doanh bị ảnh hưởng mạnh bởi dịch bệnh Covid-19, nên hầu hết các chỉ tiêu tăng trưởng đều thấp hơn so với cùng kỳ.

Cụ thể, tổng sản phẩm trên địa bàn quý I tăng ở mức 3,72%. Trong đó: dịch vụ tăng 3,20%; Công nghiệp và xây dựng tăng 5,46%; Nông nghiệp giảm 1,17% so với cùng kỳ; Chỉ số sản xuất công nghiệp tăng 4,44%; Tổng mức bán ra và doanh thu dịch vụ tăng 7,4%, tổng mức bán lẻ tăng 2,3%.

Đến nay, Hà Nội có tổng số trên 285.360 DN đăng ký hoạt động, trong đó chủ yếu là các DNVVN chiếm đến 97%. Trong 4 năm, từ 2016-2019, Hà Nội có hơn 105.000 DN thành lập mới, với tốc độ tăng đều qua các năm (khoảng 9%/năm).

Tuy nhiên, do ảnh hưởng của nền kinh tế toàn cầu, các DN tại Hà Nội vẫn còn gặp nhiều khó khăn, số lượng DN ngừng hoạt động còn nhiều; Quy mô DN chưa có nhiều cải thiện; Năng lực quản trị DN, nhất là DNNVV còn hạn chế; tình trạng thiếu vốn; khó khăn về mặt bằng sản xuất vẫn xảy ra. Đặc biệt, trong quý I/2020, tình hình hoạt động sản xuất kinh doanh của các DN trên địa bàn TP Hà Nội bị ảnh hưởng rất lớn bởi tác động của dịch bệnh Covid-19 đang diễn ra trên toàn cầu.

 Quang cảnh buổi đối thoại

Các hoạt động xuất khẩu, nhập khẩu, lưu thông, vận chuyển hàng hóa, hành khách và nhiều lĩnh vực dịch vụ như y tế, giáo dục, ăn uống, lưu trú, du lịch, giải trí, nhà hàng, khách sạn... bị ảnh hưởng rõ rệt. Nhiều DN phải thu hẹp sản xuất kinh doanh hoặc tạm ngừng hoạt động. Riêng 3 tháng đầu năm, số DN đăng ký ngừng hoạt động là 4.240 DN (tăng 36% so với cùng kỳ); số lao động thất nghiệp đến nộp hồ sơ để hưởng bảo hiểm thất nghiệp là 13.215 người, tăng 22,2% so với cùng kỳ.

Nhiều giải pháp cấp bách tháo gỡ khó khăn cho người dân, doanh nghiệp

Theo Sở KH&ĐT, trước diễn biến phức tạp của dịch bệnh Covid-19, TP đã xây dựng 3 kịch bản điều hành phát triển kinh tế, xã hội, đảm bảo an ninh, quốc phòng ứng phó với dịch bệnh Covid-19: Kịch bản 1: Dịch bệnh sớm được kiểm soát, quý II lấy lại đà tăng trưởng và quý III, IV có sự bứt tốc, tăng trưởng cả năm đạt 7,5%, hoàn thành kế hoạch đề ra; Kịch bản 2: Dịch bệnh được kiểm soát vào quý III nhưng tăng trưởng tiếp tục bị ảnh hưởng, không thể bứt tốc, cả năm đạt 6,42%, không đạt kế hoạch đề ra; Kịch bản 3: Dịch bệnh kéo dài đến hết năm, tăng trưởng cả năm 2020 đạt 5,34%, không đạt kế hoạch đề ra (cả nước dự báo tăng trưởng khoảng 5%).

Trên cơ sở đó, ban hành và triển khai các giải pháp cấp bách tháo gỡ khó khăn cho sản xuất, kinh doanh, bảo đảm an sinh xã hội ứng phó với dịch bệnh Covid-19, cụ thể như:

Hỗ trợ cho người lao động, bảo đảm an sinh và duy trì trật tự an toàn xã hội: TP đã bổ sung 1.020 tỷ đồng nguồn vốn ngân sách ủy thác qua Chi nhánh Ngân hàng chính sách xã hội cho vay đối với người nghèo và các đối tượng chính sách nhằm hỗ trợ giải quyết việc làm, phát triển nông nghiệp, xây dựng nông thôn mới, nâng cao đời sống nông dân. Thực hiện Nghị quyết số 37/NQ-CP ngày 29/3/2020 của Chính phủ về chế độ đặc thù trong phòng chống dịch bệnh Covid-19, Thành phố đang rà soát các đối tượng được hưởng chế độ với tổng số kinh phí dự kiến khoảng 7.000 tỷ đồng.

Ngoài ra, TP đã xây dựng một số nhóm chính sách hỗ trợ đặc thù của Hà Nội trình HĐND, dự kiến trình thông qua để thực hiện, như: Hỗ trợ doanh nghiệp chi phí trả kết quả thực hiện TTHC về đăng ký DN trên địa bàn; Hỗ trợ 50% tiền thuê nhà trong 3 tháng đối với sinh viên đang thuê nhà tại các khu nhà ở Pháp Vân - Tứ Hiệp, Mỹ Đình II và công nhân thuê nhà tại khu nhà ở xã Kim Chung; Hỗ trợ chi thường xuyên cho các đơn vị sự nghiệp công lập có nguồn thu bị sụt giảm lớn do ảnh hưởng của dịch Covid-19.

Bổ sung thêm đối tượng được hưởng chế độ đặc thù trong phòng chống dịch bệnh Covid-19 so với nội dung quy định tại Nghị quyết số 37/NQ-CP như: Người bị cách ly tại khu vực phong tỏa cách ly; Cán bộ, người lao động (y tế, công an, quân đội, dân phòng, lực lượng tự quản,....) tham gia thực hiện việc khoanh vùng, phong tỏa cách ly; Cán bộ, người lao động thuộc các cơ sở y tế dự phòng tham gia chống dịch; Người bảo vệ địa điểm cách ly...

Triển khai thực hiện nghiêm túc 07 nhóm nhiệm vụ của Thủ tướng Chính phủ tại Chỉ thị số 11/CT-TTg ngày 04/3/2020 bằng 05 nhóm nhiệm vụ, giải pháp cấp bách tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh, bảo đảm an sinh xã hội ứng phó với dịch Covid-19: Chỉ đạo quyết liệt đẩy mạnh cải cách TTHC, ứng dụng CNTT, mở rộng các dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, 4 theo hướng hỗ trợ người dân và doanh nghiệp tối đa.

Đồng thời, thực hiện các giải pháp tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp bị ảnh hưởng do dịch bệnh Covid-19 như: Hỗ trợ kinh phí cho doanh nghiệp thành lập mới; Hướng dẫn trả lương ngừng việc, giải quyết chế độ cho người lao động trong thời gian ngừng việc; tiếp nhận hồ sơ, giải quyết tạm dừng đóng vào quỹ hưu trí, tử tuất đối với các doanh nghiệp gặp khó khăn do dịch bệnh; Chỉ đạo các ngân hàng thương mại thực hiện tốt Chương trình kết nối Ngân hàng - Doanh nghiệp (dư nợ cho vay đến nay ước đạt 546 nghìn tỷ đồng); Thực hiện các gói hỗ trợ cho vay sản xuất, kinh doanh như: cơ cấu lại thời hạn trả nợ, miễn giảm lãi vay, giữ nguyên nhóm nợ, giảm phí... đối với khách hàng gặp khó khăn do ảnh hưởng của dịch Covid-19.

Các tổ chức tín dụng trên địa bàn đã chú trọng tăng trưởng tín dụng, đưa ra nhiều gói chương trình tín dụng ưu đãi, áp dụng các chính sách lãi suất linh hoạt, tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp tiếp cận vốn cho sản xuất kinh doanh. Đẩy mạnh năng lực sản xuất của ngành nông nghiệp (hiện nay, các cây trồng vụ xuân đang phát triển tốt; dịch tả lợn Châu Phi được kiểm soát và không phát sinh ổ dịch mới trong 30 ngày, tạo điều kiện đẩy mạnh tái đàn);

Hỗ trợ mặt bằng sản xuất kinh doanh: Thành phố đã phê duyệt quy hoạch phát triển cụm công nghiệp (CCN), trong đó, tổng số CCN quy hoạch đến năm 2020, có xét đến năm 2030 là 159 cụm với 3.204,31 ha.

Hiện tại đã có 70 CCN đang hoạt động với với diện tích là 1.328,64 ha, đang hỗ trợ khoảng 3600 doanh nghiệp về mặt bằng sản xuất để tiến hành hoạt động sản xuất tại các CCN; Tổ chức kêu gọi, thu hút các nhà đầu tư xây dựng 68 CCN, tổng diện tích là 1.016,72 ha, tổng vốn đầu tư khoảng 19.600 tỷ đồng để hỗ trợ về mặt bằng sản xuất tập trung cho các doanh nghiệp trong thời gian tới.

 Giám đốc Sở KH&ĐT Hà Nội Nguyễn Mạnh Quyền báo cáo

Hỗ trợ nghiên cứu khoa học - công nghệ: Triển khai các cơ chế, chính sách ưu đãi hỗ trợ doanh nghiệp đầu tư nghiên cứu và đổi mới công nghệ. Hỗ trợ kinh phí thực hiện hợp đồng tư vấn về sở hữu trí tuệ; khai thác và phát triển sản phẩm trí tuệ; tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật, đo lường, chất lượng (kinh phí hỗ trợ từ 50 đến 100 triệu đồng/1DN/1 hợp đồng/năm); Hỗ trợ nghiên cứu, chuyển giao và đổi mới công nghệ cho các đề tài nghiên cứu của doanh nghiệp (khoảng 1 tỷ đồng/1 dự án)…

Thành phố đã ban hành và triển khai thực hiện 02 Đề án: Đề án Hỗ trợ khởi nghiệp trên địa bàn Thành phố đến năm 2020 (phê duyệt tại Quyết định 4665/QĐ-UBND); Đề án Hỗ trợ khởi nghiệp sáng tạo trên địa bàn thành phố Hà Nội giai đoạn 2019-2025 (phê duyệt tại Quyết định 4889/QĐ-UBND) trong đó triển khai nhiều chính sách mạnh mẽ để thúc đẩy hỗ trợ doanh nghiệp, hỗ trợ khởi nghiệp và khởi nghiệp sáng tạo.

Cụ thể, hỗ trợ kinh phí thành lập mới cho doanh nghiệp thành lập mới (phí công bố thông tin lần đầu, kinh phí làm dấu và chuyển trả kết quả cho doanh nghiệp, kinh phí hỗ trợ 420.000 đồng/1 DN); Hỗ trợ kinh phí thực hiện các chương trình đào tạo nguồn nhân lực cho DNNVV (trên 20 tỷ/năm).

Hỗ trợ kinh phí đào tạo kiến thức khởi nghiệp sáng tạo (20 triệu đồng/1DN/1 năm); Hỗ trợ xây mới, cải tạo, sửa chữa cơ sở ươm tạo, không gian khởi nghiệp không quá 200 triệu đồng/cơ sở; Hỗ trợ 50% nhưng không vượt quá 5 triệu đồng/tháng/doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo phí tham gia các cơ sở ươm tạo, khu làm việc chung dành cho DNNVV khởi nghiệp sáng tạo;....

Triển khai các giải pháp duy trì, phục hồi sản xuất, kinh doanh: Thúc đẩy phát triển mạnh các ngành có ưu thế, có cơ hội phát triển như: sản xuất nông nghiệp; sản xuất các sản phẩm phục vụ phòng, chống dịch bệnh Covid-19 (thiết bị bảo vệ sức khỏe, khẩu trang; hóa chất vệ sinh, khử trùng; thiết bị y tế: máy thở, dụng cụ xét nghiệm; dược phẩm); thúc đẩy phát triển mạnh các lĩnh vực dịch vụ: thông tin, truyền thông; thương mại điện tử; thanh toán online; giáo dục trực tuyến;…theo tinh thần chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại các Nghị quyết.

“Đến nay, các chính sách hỗ trợ doanh nghiệp, thúc đẩy hoạt động sản xuất kinh doanh của Thành phố đang được triển khai quyết liệt, đồng bộ, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế xã hội của Thủ đô, ứng phó với dịch bệnh Covid-19”, lãnh đạo Sở KH&ĐT báo cáo.

Doanh nghiệp mong muốn giảm thuế, giãn nợ

Đặt vấn đề với lãnh đạo TP Hà Nội, bà Nguyễn Thị Nga - Chủ tịch Tập đoàn BRG cho biết, BRG kinh doanh đa ngành chịu ảnh hưởng nặng nề sơ bộ 1.000 tỷ đồng; 3.700 tấn gạo chưa được xuất khẩu. Chủ tịch BRG đánh giá cao nhiều giải pháp của Trung ương và TP trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19. Tập đoàn đã ủng hộ 5 tỷ đồng cho Trung ương MTTQ đồng thời trao tặng 16.000 phần quà trị giá 1,4 tỷ đồng ủng hộ các gia đình khó khăn.

Để đảm bảo cung ứng hàng hóa cho nhân dân, Chủ tịch BRG đề nghị TP cử công an các phường đến hỗ trợ bảo vệ tại các điểm bán hàng vì hiện nay người dân đến rất đông... ; hỗ trợ chi phí vận chuyển; nhanh chóng cho phép mở cửa lại các khách sạn, cơ sở lưu trú... nhưng vẫn đảm bảo công tác phòng chống dịch (giữ khoảng cách, sát khuẩn, đeo khẩu trang). Đề nghị Bộ KH&ĐT giảm thuế cho DN đến 50%; áp dụng mức thuế giá trị gia tăng từ 0% hoặc giảm đến 50%; miễn thuế sử dụng đất; tạo điều kiện cho lực lượng lao động từ các tỉnh vào làm việc tại các dự án xây dựng...
 Bà Nguyễn Thị Nga - Chủ tịch Tập đoàn BRG 

Đại diện FLC cho rằng, Chính phủ ban hành nhiều chính sách hỗ trợ nhưng ảnh hưởng Covid-19 đang kéo dài, thời hạn gia hạn thuế chỉ 5-6 tháng chưa đủ để phục hồi nền kinh tế và DN. Đại diện FLC mong kéo dài thời gian gia hạn và các chính sách hỗ trợ mạnh mẽ hơn nữa cho cộng đồng DN. Về lĩnh vực du lịch, hiện nay quy định của luật, chưa xác định du lịch là một trong những ngành được ưu đãi đầu tư, so vậy, cần xem xét cơ chế chính sách cho các DN tham gia vào lĩnh vực đầu tư du lịch.

Kiến nghị về thủ tục hành chính, bà Thái Hương - đại diện Tập đoàn TH True Milk mong muốn TP chỉ đạo UBND Đông Anh chấp nhận bàn giao GPMB đã đền bù xong khoảng 2/3 để kịp tiến độ dự án mà tập đoàn đang triển khai. Đồng thời, kiến nghị TP nên tranh thủ thời gian giãn cách xã hội để chỉnh trang đô thị, cải tạo vỉa hè, cải tạo công viên...

Đại diện Tập đoàn Vingroup nêu khó khăn trong chuỗi cung ứng toàn cầu đứt gãy dẫn đến thiếu linh kiện để sản xuất sản phẩm ô tô, xe máy... Về du lịch, dịch làm ảnh hưởng việc làm của hơn 18.000  cán bộ nhân viên tại các khu nghỉ dưỡng nhưng vẫn phải duy trì lương cho số lượng người này, lỗ khoảng 3.000 tỷ. Tất cả các lĩnh vực kinh doanh khác như bất động sản, giáo dục của Tập đoàn đều bị ảnh hưởng nghiêm trọng bởi dịch bệnh.

Tập đoàn Vingroup đề xuất giãn nộp tiền thuê đất, xin miễn tiền thuế đất năm 2019 các cơ sở kinh doanh lưu trú, xin giãn nộp thuế tiêu thụ đặc biệt. Tại Hà Nội, Tập đoàn xin hỗ trợ các thủ tục hành chính như sớm cho phép các doanh nghiệp bằng sản phẩm, điều chỉnh quy hoạch chung và quy hoạch phân khu; sớm phê duyệt các danh mục sử dụng đất...

Doanh nghiệp cần tính đến vừa sản xuất, vừa phòng chống dịch

Bà Nguyễn Thị Lan Hương giám đốc CTCP Việt phúc ( VPEXCO) chia sẻ, dịch bệnh đã tác động nặng nề tới doanh nghiệp và người lao động. Hiện nay, dù đã có dấu hiệu giảm, nhưng diễn biến dịch vẫn phức tạp, chưa thể đoán khi nào dịch mới hết, nhưng sản xuất không thể cứ dừng mãi. Do vậy, bà Hương đặt vấn đề “doanh nghiệp vừa sản xuất, vừa phòng chống dịch”.

Theo bà Hương, sắp tới, TP tính phương án sắp tới nới rộng cách ly, để doanh nghiệp đủ điều kiện sẽ bắt tay phục hồi dần dần sản xuất. TP cần có hướng dẫn cụ thể, đưa ra điều kiện, tiêu chuẩn phòng dịch để các doanh nghiệp đủ điều kiện hoạt động thực hiện nghiêm ngặt. Cụ thể như người lao động phải đeo khẩu trang, rửa tay sát khuẩn, đeo kính giọt bắn, khử khuẩn toàn thân, khử khuẩn môi trường làm việc.....

Đối với gói hỗ trợ ưu đãi lãi suất 300.000 tỷ đồng của các ngân hàng thương mại, đề nghị ngành ngân hàng phân loại các nhóm bị ảnh hưởng trực tiếp, gián tiếp đưa ra tiếu chí cụ thể đúng với ý nghĩa cứu trợ và cho triển khai trong tháng 4/2020.

Đối với các khoản vay đã có, cần có các biện pháp giảm lãi suất, khoanh nợ, giãn nợ bằng các tiêu chí cụ thể các doanh nghiệp bị ảnh hưởng duy trì qua khó khăn.

Hiện nay, lãi suất ngân hàng giảm 1,5%, xuống còn 6,5 – 7%/năm cho các doanh nghiệp vừa và nhỏ, nhưng mức này vẫn là quá cao so với khu vực, do vậy, mong lãi suất ngân hàng giảm hơn nữa cho doanh nghiệp.

 Chủ tịch Hội DN Vừa và nhỏ Hà Nội, ông Đỗ Quang Hiển

Chủ tịch Hội DN Vừa và nhỏ Hà Nội, ông Đỗ Quang Hiển kiến nghị TP xem xét giải pháp giảm các loại thuế không chỉ trong thời gian này mà về lâu dài theo đúng tinh thần NQ 35. 

Tổng giám đốc Vietnam Airlines - ông Dương Trí Thành chia sẻ những khó khăn của ngành hàng không rất lớn, nếu sau dịch bệnh làm ăn tốt, mất tối thiểu 5 năm mới bù được lỗ phát sinh. 

Ông mong muốn về chính sách giảm thuế tạo, dãn nợ, mong muốn cùng các DN liên quan đến khách sạn, lữ hành triển khai ngay các chương trình phục hồi du lịch sớm; đề nghị các sở ban ngành tạo điều kiện giúp đỡ đối với chế độ người lao động, trong bối cảnh số lượng nhân viên của Vietnam Airlines lớn, tiêp viên 3.000 người, phi công 1.000 người...

Tập đoàn Hòa Phát kiến nghị tạo điều kiện lưu thông vận chuyển hàng hóa để khôi phục lại hoạt động sản xuất kinh doanh. Đặc biệt, đề nghị TP kiến nghị với Chính phủ có cơ chế đặc thù để chuyên gia nhập cảnh Việt Nam trên tuân thủ đúng quy định cách ly và phòng chống dịch bệnh, để tạo điều kiện cho các dự án cần chuyên gia được thực hiện đúng tiến độ, nhất là các dự án về công nghệ.

Gửi kiến nghị đến lãnh đạo Thành phố, ông Trần Đăng Nam– Phó Chủ tịch Hội DN trẻ Hà Nội chia sẻ hội Doanh nghiệp trẻ Hà Nội đã khảo sát thực tế các doanh nghiệp hội viên về tình hình khó khăn, ảnh hưởng và thu thập ý kiến của các doanh nghiệp, tập trung vào 3 nhóm: về tài chính; nhân sự; ứng dụng công nghệ thông tin vào quản lý vận hành.

Hội mong muốn có chính sách khoanh nợ, giãn nợ, ân hạn nợ vay cho doanh nghiệp, tuy nhiên vẫn cần đảm bảo việc tránh xung đột lợi ích do Ngân hàng cũng hoạt động theo mô hình doanh nghiệp; đưa ra các chính sách giảm, miễn lãi vay hoặc lãi vay về mức dưới 5%, các mức áp dụng cho các Doanh nghiệp tùy mức độ ảnh hưởng trong giai đoạn khó khăn phòng chống dịch về mức dưới 5%.

Đẩy nhanh hơn quy trình xử lý các thủ tục hành chính có ảnh hưởng đến doanh nghiệp và người dân, tránh việc quy trình xét duyệt, giải quyết quá lâu làm doanh nghiệp không đủ lực để tồn tại;

Hỗ trợ giảm 50% lãi suất ngân hàng cho các khoản vay đến kỳ trả lãi tháng 4, 5, 6 năm 2020 (đề xuất 50% này sẽ được Nhà nước hỗ trợ 25%, ngân hàng giảm 25%) nhằm kích thích nền kinh tế sau đỉnh của dịch;

Hỗ trợ doanh nghiệp 50% lãi vay ngân hàng (không phải ngân hàng chính sách) trong tháng 4, 5 và 6 năm 2020 khi vay với mục đích trả lương cho người lao động (khống chế mức lãi vay không quá 7%/năm);

Tính từ thời điểm dịch Covid, nếu doanh nghiệp bị vi phạm thời gian trả nợ thì ko bị tính vào “uy tín tín dụng” của doanh nghiệp.

Đề nghị cơ quan thuế cho hoãn, giảm hoặc miễn giảm một số loại thuế, phí phải nộp và thời gian nộp, tùy theo mức độ bị ảnh hưởng của từng lĩnh vực, ngành nghề, cụ thể: Đối với các loại thuế, phí đã có hướng dẫn về miễn, giảm, hoãn, đề nghị cục thuế địa phương có hướng dẫn chi tiết, cụ thể, kịp thời đến các doanh nghiệp; sớm thực hiện việc hoàn thuế cho Doanh nghiệp theo quy định của pháp luật;

Miễn VAT, thu nhập doanh nghiệp trong 3 tháng 4, 5, 6 cho các doanh nghiệp vừa và nhỏ. Số thu từ các doanh nghiệp này không lớn, nhưng lại là nơi tạo ra công ăn việc làm chính cho xã hội. Không phải dãn, mà miễn luôn.

Giãn nộp thuế VAT 12 tháng của quý 1, quý 2 năm 2020 và sẽ thu lại trong năm 2021, không tính chậm nộp (loại trừ những ngành nghề không bị ảnh hưởng) đối với những DN còn lại.

Có chính sách hỗ trợ trực tiếp cho người lao động như hỗ trợ giảm thu nhập hoặc mất việc làm thông qua Quỹ bảo hiểm xã hội. Việc này sẽ gián tiếp giúp cho doanh nghiệp giữ nguồn lao động khi người lao động vẫn đủ sinh kế cá nhân trong giai đoạn này. Doanh nghiệp cũng giảm nhẹ phần nào gánh nặng thoả thuận và chăm lo cho người lao động....

VCCI xây dựng hướng dẫn kinh doanh an toàn cho các doanh nghiệp

Chủ tịch VCCI Vũ Tiến Lộc đánh giá Việt Nam là một trong các quốc gia rất ít khống chế được tình trạng lây lan dịch bệnh. Thủ đô Hà Nội cũng là Thủ đô đầu tiên trên thế giới làm được điều này.

“Chúng ta đang trong giai đoạn sống chung với dịch Covid-19, nhưng phải có các biện pháp để kinh doanh an toàn” – ông Lộc nói và nhấn mạnh môi trường kinh doanh của Hà Nội cần cởi mở hơn để lưu thông hàng hóa.

Về các biện pháp giãn, hoãn, giảm trong lĩnh vực thuế, ông Lộc cho biết VCCI sẽ tiếp thu, nhưng cũng cho rằng ngân sách Nhà nước hiện rất hạn hẹp. Vì thế ngân sách cần phải thực hiện có hiệu quả, đúng địa chỉ. Bên cạnh nâng cao vai trò, trách nhiệm của địa phương, phải nêu cao trách nhiệm của các hiệp hội doanh nghiệp để kết nối và giám sát quá trình thực thi.

Ông Lộc cho biết, VCCI đang phối hợp với một số đơn vị để xây dựng bộ chỉ số rủi ro lây nhiễm của các doanh nghiệp và hướng dẫn kinh doanh an toàn cho các doanh nghiệp.

Thành phố tạo điều kiện tốt nhất để gỡ khó cùng doanh nghiệp

Tại hội nghị, Chủ tịch UBND TP Nguyễn Đức Chung tổng kết và trực tiếp trả lời 47 nội dung ở 11 lĩnh vực của các doanh nghiệp. Về vệc bảo vệ các điểm bán hàng, Hà Nội đã triển khai các lực lượng và tiếp tục đôn đốc, yêu cầu thực hiện tốt hơn. Ngay từ những ngày đầu chống dịch, TP luôn ủng hộ, tạo điều kiện cho các doanh nghiệp vận chuyển hàng hóa, phục vụ sản xuất, tiêu dùng cũng như các các công trình xây dựng, cải tạo giao thông, lòng đường vỉa hè, đảm bảo đúng quy định phòng dịch, thực hiện nghiêm Chỉ thị 16 của Thủ tướng.

 Chủ tịch UBND TP Nguyễn Đức Chung trả lời kiến nghị của doanh nghiệp

Về việc cải cách hành chính, đến nay TP đã triển khai 1.818 thủ tục dịch vụ công từ phường đến các sở ngành. 82% các thủ tục đã được triển khai ở mức độ 3,4. Cho biết việc triển khai dịch vụ công trực tuyến có bị chậm do ảnh hưởng lien quan dến vụ án ở công ty Nhật Cường, Chủ tịch UBND TP cho biết đã kiến nghị Bộ Công an khẩn trương điều tra, kết luận vụ án Nhật Cường để dịch vụ công của TP được thực hiện thông suốt.

Đáng chú ý, Chủ tịch UBND TP cho biết, Hà Nội đã triển khai trở lại hoạt động của tổ công tác với giám đốc các sở, ngành, tiếp nhận các kiến nghị của doanh nghiệp và họp hàng tuần để tháo gỡ kịp thời. Trước đề xuất của các doanh nghiệp về việc thành lập các quỹ xúc tiến đầu tư, khởi ngiệp sáng tạo, Hà Nội sẽ nghiên cứu sớm triển khai.

“Thành phố vừa qua đã đưa vào hoạt động ứng dụng Hà Nội SmartCity. Ngoài phục vụ công tác phòng chống dịch, các doanh nghiệp có thể phản ánh các kiến nghị qua tiện ích của phần mềm này và thành phố sẽ tiếp nhận giải quyết ngay. Các hiệp hội cũng có thể tổng hợp kiến nghị của các doanh nghiệp hàng ngày, TP sẽ tiếp nhận xử lý ngay”, Chủ tịch UBND TP nói thêm.

Nêu thực trạng thiếu kho lạnh trên địa bàn TP, Chủ tịch UBND TP cũng kêu gọi các doanh nghiệp nghiên cứu, đầu tư xây dựng chuỗi kho lạnh để thúc đẩy gia tăng giá trị sản phẩm nông nghiệp; tạo điều kiện chuỗi liên kết cho các hộ sản xuất nông nghiệp, các doanh nghiệp vừa và nhỏ.

Nêu rõ việc ở Hà Nội các hộ kinh doanh cá thể, lao động trong lĩnh vực dịch vụ sẽ bị tác động nặng nề nhất, Chủ tịch UBND TP cũng nhấn mạnh: "Dịch bệnh cũng tạo ra cơ hội dể doanh nghiệp nhìn lại, tái cơ cấu để phù hợp; cũng là dịp để thành phố tiếp tục cải cách hành chính mạnh mẽ hơn để phục vụ tốt nhất cho người dân, doanh nghiệp”.

Về hành trình phòng chống Covid-19 của Việt Nam đã sang tuần thứ 13, Chủ tịch UBND TP cũng lưu ý qua kinh nghiệm các nước, phương án tối ưu nhất là sau khi ca bệnh cuối cùng chữa khỏi thì vẫn phải tiếp tục cách ly triệt để ít nhất 2 tuần và áp dụng các biện pháp chống dịch, chống tình trạng dịch bệnh tái bùng phát.

“Có như vậy, chúng ta mới có điều kiện an toàn để “lò xo” kinh tế bật lại với tư thế thoải mái, phát huy hết năng suất, chứ không bị gò bó”, Chủ tịch nói.

Sản xuất, kinh doanh, thích ứng với điều kiện giãn cách xã hội

Bí thư Thành ủy Vương Đình Huệ ghi nhận, cảm ơn những ý kiến của các đại biểu đại diện cho cộng đồng doanh nghiệp Thủ đô, nhất là những đánh giá, động viên về kết quả công tác phòng, chống dịch Covid-19 của TP. Bí thư Thành ủy cam kết TP sẽ tiếp tục làm tốt hơn công tác phòng, chống dịch, trên nguyên tắc đảm bảo sức khỏe, tính mạng của người dân lên hàng đầu, làm tiền đề cho sản xuất kinh doanh và phục hồi, phát triển kinh tế.

Bí thư Thành ủy cũng khẳng định TP đã chỉ đạo các cơ quan chức năng triển khai quyết liệt, kịp thời, đúng đối tượng, đảm bảo công khai, minh bạch và tuyệt đối không có tiêu cực trong việc thực thi các cơ chế, chính sách của Chính phủ về giải pháp tháo gỡ khó khăn, hỗ trợ doanh nghiệp.

Ghi nhận toàn bộ các ý kiến của doanh nghiệp, Bí thư Thành ủy giao UBND TP giải quyết ngay đối với những kiến nghị thuộc thẩm quyền. Với những vấn đề thuộc thẩm quyền của HĐND Thành phố, Ban Cán sự Đảng UBND Thành phố tổng hợp, trình HĐND Thành phố quyết định. Đối với các kiến nghị thuộc thẩm quyền của Chính phủ, Quốc hội, Thành phố sẽ tổng hợp để báo cáo với Thủ tướng Chính phủ tại buổi làm việc của Thủ tướng với Thành phố, dự kiến được tổ chức vào tuần tới.

Bí thư Thành ủy Vương Đình Huệ nêu rõ, Hà Nội cam kết đẩy mạnh các hoạt động sản xuất, kinh doanh, thích ứng với điều kiện giãn cách xã hội. Theo đó, Thành phố sẽ đẩy mạnh sản xuất nông nghiệp; thúc đẩy đầu tư công theo nguyên tắc “góp gió thành bão”, từ các công trình của thôn, tổ dân phố đến các xã, phường, thị trấn và quận, huyện, cũng như các dự án đầu tư tư nhân, các dự án đầu tư theo hình thức hợp tác công – tư (PPP).

Thành phố cũng sẽ phối hợp với các bộ, ngành để đẩy mạnh sản xuất, kinh doanh đối với các ngành, lĩnh vực có lợi thế trong bối cảnh dịch bệnh, nhất là công nghệ thông tin, sản xuất vật tư, thiết bị y tế... để vừa tạo cầu, vừa tạo cung cho doanh nghiệp.

Bí thư Thành ủy cũng giao Ban Cán sự Đảng UBND TP thường xuyên tiếp nhận các ý kiến phản ánh của doanh nghiệp; thống nhất khởi động lại tổ công tác do Phó Chủ tịch UBND Thành phố làm tổ trưởng để xem xét, giải quyết các kiến nghị, khó khăn, vướng mắc của doanh nghiệp. Đồng chí cũng cho biết Thành phố đã giao cho các sở, ngành phối hợp, hướng dẫn xây dựng tiêu chuẩn, tiêu chí an toàn cho từng loại hình sản xuất kinh doanh, để vừa phòng, chống dịch tốt, vừa đảm bảo an toàn cho cho hoạt động của doanh nghiệp.

Bí thư Thành ủy cho biết, Thành phố đặt mục tiêu phấn đấu trong năm nay, tăng trưởng kinh tế gấp 1,3 lần cả nước. Ngoài sự nỗ lực, cố gắng của Đảng bộ, chính quyền, Nhân dân Thủ đô, Bí thư Thành ủy mong muốn cộng đồng doanh nghiệp chung tay với Thành phố để thực hiện mục tiêu này. Trước mắt, phấn đấu có những công trình đầu tư tư nhân được khởi công hoặc hoàn thành vào dịp chào mừng Đại hội Đảng bộ Thành phố lần thứ XVII và Đại hội XIII của Đảng.