Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Lành mạnh hóa khối DNNN để vực dậy nền kinh tế

Chia sẻ Zalo

KTĐT - Năm 2013, những khó khăn của nền kinh tế đất nước đã hiển hiện trước mắt. Nhấn mạnh đến hai nội dung ổn định kinh tế vĩ mô - tái cơ cấu có mối quan hệ mật thiết, TS Trần Du Lịch, Ủy viên Ủy ban Kinh tế Quốc hội cho rằng, trong chương trình lớn tái cơ cấu nên lựa chọn một số lĩnh vực xử lý trước, trong đó ưu tiên xử lý khu vực doanh nghiệp Nhà nước (DNNN), lành mạnh hóa khu v

Lành mạnh hóa khối DNNN để vực dậy nền kinh tế - Ảnh 1

Lắp ráp máy tính tại Công ty Điện tử Hà Nội. Ảnh: Hà Thái

Báo cáo kiểm toán năm 2012 của Kiểm toán Nhà nước được gửi đến các đại biểu Quốc hội chỉ ra nghịch lý giữa tiền lương, thưởng với hiệu quả đóng góp mà cụ thể ở đây là 2 Tổng Công ty lương thực (Vinafood) 1 và 2, ông có chia sẻ gì về vấn đề này?

- Theo kết quả kiểm toán, nợ phải trả trên tổng nguồn vốn của Vinafood 1 là 68%; Vinafood 2 là 65%... Trong khi thu nhập bình quân của lãnh đạo Vinafood 1 là 56,5 triệu đồng/người/tháng. Thu nhập của lãnh đạo Tổng Công ty Vinafood 2 đạt kỷ lục 79,749 triệu đồng/người/tháng, khối văn phòng 32,9 triệu đồng/người/tháng. Lương của lãnh đạo nhiều tập đoàn, tổng công ty cao bất hợp lý, không tương xứng với kết quả sản xuất kinh doanh và thu nhập của người lao động.

Thưa ông, nhiều DN giải thích đó là "thu nhập", bao gồm nhiều khoản từ các quỹ, chứ lương tính ra không được như vậy? 

- Đó là cách giải thích ngụy biện. Đầu vào của DNNN cơ bản là nguồn từ Nhà nước chứ không phải do vốn kinh doanh của DN. Nhà nước giao vốn, tài sản cho DNNN kinh doanh. Thế nhưng, hiện nay chúng ta không phân biệt rõ giữa vốn sở hữu và hoạt động sản xuất kinh doanh trên vốn sở hữu đó. Dẫn đến, có sự không minh bạch trong đánh giá hiệu quả kinh doanh của DNNN. Hiện, Nhà nước không kiểm soát được, đặc biệt là lỗ, lãi và phân bổ đầu ra của DNNN, cơ quan quản lý tiền lương mới chỉ quản lý đầu vào. 

Đáng ra, DNNN phải chia tiền lương trên cơ sở giá trị gia tăng nhưng thực tế họ đang tính lương trên tổng doanh thu, vốn của Nhà nước. Dẫn đến, DNNN ăn vào chi phí chứ không phải hiệu quả.

Trước đây, lương của lãnh đạo EVN, SCIC... và bây giờ là Vinafood 1, 2 chỉ được công bố khi có kết quả kiểm toán. Vậy với tất cả các DNNN khác, có cần phải kiểm toán hàng năm?

- Cần làm rõ trách nhiệm cơ quan chủ quản của DN này khi duyệt mức lương từ đầu năm, vai trò chủ sở hữu đối với DNNN chính là các bộ, ngành chủ quản và liên quan.

Rõ ràng, phải tăng cường giám sát. Có rất nhiều nội dung giám sát, quan trọng nhất là giám sát báo cáo tài chính. Đây là nghiệp vụ mà Bộ Tài chính phải làm. Ngoài ra, cần điều tiết bằng thuế. Với những lĩnh vực có lợi thế cạnh tranh, cần phải đánh thuế cao trước khi xác định giá trị gia tăng. Điều tiết bằng công cụ thuế và tài chính thì mới làm rõ được hiệu quả sản xuất kinh doanh, tương ứng là tiền lương.

Trong quá trình tiến hành tái cơ cấu một cách tổng thể, Chính phủ đã xác định đẩy mạnh cải cách DNNN, ông đánh giá quá trình này thế nào?

- Hiện nay, tái cơ cấu DNNN đang dây dưa. Ngoài việc kết thúc thí điểm đối với Tập đoàn Công nghiệp Xây dựng Việt Nam và Tập đoàn Phát triển nhà và đô thị Việt Nam do bị lỗ lớn và phát hiện nhiều sai phạm tài chính, các biện pháp khác như cải cách quản trị, cổ phần hóa và đối với một số tổng công ty và DNNN lớn đến thời điểm này hầu như vẫn dậm chân tại chỗ. Tất nhiên, chúng ta không thể đòi hỏi các biện pháp của đề án Tái cơ cấu DNNN phải được triển khai đồng bộ và ngay lập tức, nhưng rõ ràng gần một năm sau khi Đề án tái cơ cấu DNNN giai đoạn 2011 - 2015 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, tiến độ sắp xếp, đổi mới DNNN vẫn ì ạch, nhất là quá trình cổ phần hóa.

Về quản trị DNNN cũng chưa có thay đổi nhiều. Bên cạnh đó, những biện pháp cần thiết để buộc DNNN phải hoạt động hiệu quả hơn vẫn chưa được thực hiện. Cần nhất là tính minh bạch. Cho đến nay, kết quả sản xuất kinh doanh của các tập đoàn, tổng công ty, và DNNN nói chung vẫn là "một hộp đen" đối với công chúng. Vấn đề nợ và nợ xấu của các tập đoàn, tổng công ty cũng gia tăng đáng báo động, trở thành gánh nặng cho nền kinh tế.

Vậy theo ông, cần làm gì để tái cơ cấu DNNN thành công?

- Để tái cơ cấu thành công, cần làm rõ cơ cấu nợ và tình hình tài chính của từng DN để có biện pháp xử lý phù hợp. Một số DNNN hiện nay vung tay quá trán, nguồn vốn đi vay nhưng lại đầu tư không hiệu quả. Cần buộc tất cả tập đoàn, tổng công ty Nhà nước phải công bố thông tin như quy định đối với các DN niêm yết trên thị trường chứng khoán. Vấn đề xây dựng cơ chế giám sát các hoạt động bổ nhiệm cán bộ, quản lý của đội ngũ lãnh đạo cần được đặt lên hàng đầu nhằm chống tham nhũng, thất thoát. Quá trình tái cấu trúc sở hữu thông qua cổ phần hóa cũng cần được đẩy nhanh, bởi đây là con đường ngắn nhất để áp đặt kỷ luật thị trường đối với DNNN.

Xin cảm ơn ông!