Theo ông Lê Ngọc Dương - Phó Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Lào Cai, từ 20/3 đến nay, đoàn công tác liên ngành của tỉnh đang tiến hành lấy các mẫu khí tại nhiều điểm tại khu vực xã Bản Lầu, huyện Mường Khương để phân tích thành phần khí, vì sau khi ngành nông nghiệp kết luận về việc dứa chết không phải do sâu bệnh thì nguyên nhân rất có thể do nhiễm phải khí độc.
Bên cạnh đó, đoàn công tác cũng tập trung kiểm tra hoạt động cũng như việc vận hành xử lý môi trường tại Nhà máy luyện kim màu Bản Lầu của Công ty Cổ phần Tứ Đỉnh, bởi toàn bộ vùng dứa chết bất thường hoàn toàn chỉ nằm bao quanh Nhà máy này. Ông Lê Ngọc Dương cho biết, đoàn công tác sẽ làm hết trách nhiệm để tìm bằng ra nguyên nhân khách quan và thuyết phục nhất.
“Nhiệm vụ cuối cùng của chúng tôi là phải kết luận nguyên nhân dẫn đến cây chết để tham mưu cho tỉnh. Nếu liên quan đến cơ sở sản xuất nào thì cơ sở sản xuất đó phải chịu trách nhiệm bồi thường, khắc phục hậu quả và nếu có vi phạm thì chúng tôi sẽ đề xuất để xử lý, xử phạt theo quy định” - ông Lê Ngọc Dương nói.
Còn đối với ngành nông nghiệp, Chi Cục quản lý chất lượng nông lâm thủy sản của tỉnh đang tiến hành phân tích các mẫu dứa để xác định việc có đảm bảo chất lượng không. Cơ quan chức năng cũng khuyến cáo bà con nên tiếp tục ổn định tư tưởng để đảm bảo sản xuất.
Ông Vi Văn Phát - Phó Chi Cục trưởng Chi Cục trồng trọt và bảo vệ thực vật tỉnh Lào Cai cho biết: “Những diện tích bị nặng trên 70% thì chúng tôi sẽ bà con cho nhổ bỏ, thu dọn nương không trồng nữa. Những diện tích bị nhẹ, dưới 70% thì khuyến cáo bà con tiếp tục chăm bón để cây hồi phục. Đối với một số diện tích mạ bị ảnh hưởng thì khuyến cáo bà con khẩn trương làm mạ sân hoặc mạ khay để cấy cho kịp thời vụ”.
Trong chuyến làm việc thực địa vào ngày 20/3 tại vùng dứa chết, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lào Cai Lê Ngọc Hưng yêu cầu Công ty Cổ phần Tứ Đỉnh cần khẩn trương khắc phục những tồn tại, trong đó có các nội dung về môi trường mà trước đó tỉnh đã đề nghị từ năm 2016. Nếu Công ty không nghiêm túc chấp hành, tỉnh sẽ cương quyết áp dụng các chế tài rắn như cắt nước, cắt điện, đình chỉ hoạt động…
Ông Lê Ngọc Hưng cũng kết luận, về lâu dài Công ty Cổ phần Tứ Đỉnh phải nghiên cứu di chuyển toàn bộ Nhà máy hoặc một số dây chuyền sản xuất về các khu công nghiệp của tỉnh để bảo đảm môi trường.