Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Lao dốc theo chứng khoán, giá dầu trượt xuống dưới 40 USD do lo sợ Covid-19 tái bùng phát

Nguyễn Thu (Theo Reuters)
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Cùng với thị trường cổ phiếu thế giới, giá dầu tiếp tục giảm trong phiên 25/6 do các thương nhân gia tăng lo ngại về đợt lây nhiễm Covid-19 mới.

Giá “vàng đen” giảm sâu về mức dưới 40 USD/thùng sau khi lao dốc hơn 5% trong phiên trước đó do lượng dự trữ dầu Mỹ tăng lên mức cao kỷ lục và số lượng ca mắc mới virus SARS-CoV-2 tăng trở lại làm dấy lên hoài nghi về khả năng nhu cầu nhiên liệu phục hồi.
Giá dầu giảm sâu về mức dưới 40 USD/thùng trong phiên 25/6.
Cụ thể, giá dầu Brent chốt phiên hạ 13 xu Mỹ, tương đương 0,3%, xuống 40,18 USD/thùng sau khi có thời điểm sụt về mức 39,47 USD. Giá mặt hàng dầu này đã giảm 5,4% trong phiên 24/6. Trong khi đó, giá dầu ngọt nhẹ WTI của Mỹ cũng sụt 23 xu Mỹ, tương đương 0,6%, xuống còn 37,78 USD/thùng.
Tamas Varga của nhà môi giới dầu mỏ PVM cho biết giá dầu đã giảm sau khi Cơ quan Thông tin Năng lượng Mỹ (EIA) công bố dữ liệu cho thấy dự trữ dầu tại nước này đã tăng cao hơn dự đoán.
EIA mới đây cho biết, dự trữ dầu của nước này tăng 1,4 triệu thùng trong tuần kết thúc vào ngày 19/6, ghi dấu tuần tăng thứ 3 liên tiếp.
Với mức 540,7 triệu thùng, dự trữ dầu thô của Mỹ đã tăng khoảng 16% so với mức trung bình cùng kỳ 5 năm trước.
Thị trường năng lượng và cổ phiếu cũng chịu sức ép do tỷ lệ lây nhiễm Covid-19 tăng cao đột biến. Mỹ và Australia đều báo cáo số ca nhiễm virus SARS-CoV-2 tăng kỷ lục trong ngày 24/6.
Giới phân tích cho biết, các lo ngại về làn sóng lây nhiễm Covid-19 thứ hai tại một số bang tại Mỹ, nơi đã nới lỏng biện pháp giãn cách xã hội và sự lây lan nhanh dịch bệnh tại Nam Mỹ, Đông Á được cho là sẽ tác động đến nhu cầu đối với dầu thô.
Chuyên gia hàng hóa Bjornar Tonhaugen của Rystad Energy nhận xét: “Triển vọng nhu cầu đối với dầu mỏ sớm phục hồi khi các nước dỡ bỏ biện pháp phong tỏa đang bị đe dọa do đợt bùng phát dịch Covid-19 mới tại các thị trường tiêu thụ nhiên liệu lớn nhất thế giới”.
Các dự báo mới về triển vọng kinh tế thế giới của Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) cũng khiến tâm lý các thương nhân thêm hoài nghi khi tổ chức này dự báo kinh tế toàn cầu sẽ suy giảm 4,9% trong năm nay và cảnh báo đây là cuộc khủng hoảng chưa từng có.
Theo IMF, tác động từ các biện pháp giãn cách xã hội để ngăn chặn dịch Covid-19 đã khiến triển vọng kinh tế toàn cầu trở nên xấu đi trong năm nay.
Nhờ nỗ lực cắt giảm nguồn cung của Tổ chức Các nước xuất khẩu dầu mỏ (OPEC) cùng các đồng minh, còn được gọi là nhóm OPEC+, giá dầu đã phục hồi mạnh mẽ sau khi giá dầu Brent chạm mức đáy 21 năm xuống dưới 16 USD/thùng, giá dầu WTI lần đầu tiên chứng kiến mức giá âm trong lịch sử hồi tháng 4.
Các nhà đầu tư đang chờ xem liệu nhóm OPEC+ có tiếp tục gia hạn thỏa thuận cắt giảm kỷ lục gần 10 triệu thùng/ngày sau thời điểm tháng 7 hay không.