Tuy nhiên, theo Trung tâm Phân tích và dự báo (Viện Khoa học xã hội Việt Nam), sự thu hút này song hành với nhiều vấn đề đáng quan tâm.
Hấp dẫn từ nguồn thu nhập
Những người làm việc trong khu vực không chính thức là lao động tự do như: Thợ uốn tóc, thợ may tại nhà, thợ xây dựng tự do, người hành nghề xe ôm, người giúp việc gia đình…, đang lấp được khoảng trống thiếu hụt lớn về việc làm và thu nhập. Hiện khu vực này thu hút gần 10,9 triệu người tham gia chiếm 23,5% tổng số lao động. Trong đó lao động tự làm 15%, lao động làm thuê 5,7%, lao động gia đình không hưởng lương 1,9% và người sử dụng lao động là 0,9%. Thu nhập từ khu vực việc làm phi chính thức chiếm khoảng 30 - 60% tổng thu nhập quốc gia. Hiện nay, trong khi tỷ lệ thất nghiệp tăng, khu vực này lại cung cấp một nguồn việc làm rất lớn.
Theo công bố mới nhất của Trung tâm Phân tích và dự báo, thu nhập hàng tháng của lao động khu vực phi chính thức đang tăng cao. Khảo sát cho thấy, ngoài nuôi sống bản thân, tiền gửi về cho gia đình không giảm, ở một số ngành nghề như xây dựng dân dụng, dịch vụ còn tăng cao hơn năm trước khoảng 500.000 đồng/tháng. Ngay công việc giúp việc gia đình, mức lương năm 2010 phổ biến ở mức 1,5 - 2 triệu đồng/người/tháng, năm nay đã tăng lên 2,2 - 2,5 triệu đồng/người. Chính vì vậy, việc làm, thu nhập ở khu vực này được đánh giá ổn định hơn khu vực chính thức. Trong khi đó, trước sức ép của giá cả, đang xảy ra tình trạng công nhân bỏ việc ở khu vực chính thức sang khu vực phi chính thức. Chị Thanh Nga (Thanh Xuân) đã bỏ làm công nhân may với mức thu nhập hơn 2 triệu đồng/tháng, để hưởng bảo hiểm thất nghiệp, rồi đi làm nhân viên bán hàng cho cửa hàng thời trang. Mỗi ngày làm việc hơn 10 tiếng đồng hồ với tiền công 100.000 đồng/ngày và ăn trưa.
Ông Nguyễn Đại Đồng, Cục trưởng Cục Việc làm (Bộ LĐTB&XH) nhận định, tiền lương của các doanh nghiệp còn thấp hơn thu nhập của lao động trong khu vực phi chính thức. Vì vậy, nhiều lao động phổ thông có tâm lý không vào làm việc trong các doanh nghiệp nhiều sức ép, nhưng thu nhập không bảo đảm.
Những khoảng trống
Khảo sát trên cũng đưa ra cảnh báo, tuy việc làm trong khu vực phi chính thức hiện ổn định hơn khu vực chính thức, nhưng doanh nghiệp, cơ sở sản xuất cũng đang đối mặt với nhiều bất ổn, đặc biệt là chi phí sản xuất tăng cao, sức ép hàng tồn kho... Bởi vậy, việc làm và thu nhập của lao động khu vực này trong thời gian tới cũng sẽ gặp khó khăn. Đặc biệt, chính sách an sinh xã hội hiện vẫn chưa bao phủ lên số đông người lao động làm việc tại khu vực này. Việc đóng BHXH và BHYT vẫn khá xa vời. Chưa kể, những lao động vẫn luẩn quẩn trong vòng đói nghèo, hạn chế về năng lực, kiến thức, vật chất và thường phải làm việc bất kể thời gian nào. Theo ông Nguyễn Bá Ngọc, Phó Viện trưởng Viện Khoa học Lao động và xã hội, số lao động tham gia BHXH, BHYT trong khu vực phi chính thức chỉ có 0,19%. Bên cạnh đó, chỉ một phần nhỏ lao động tiếp cận được với chính sách dạy nghề. Chính vì thế, tỷ lệ lao động qua đào tạo nghề trong khu vực này rất thấp, tới hơn 90% số lao động không có bất kỳ chứng chỉ tay nghề nào.
Các chuyên gia khuyến nghị: Xã hội đang có sự chuyển đổi nguồn lao động phổ thông từ chính thức sang phi chính thức. Bởi vậy, cần có các chính sách thúc đẩy và thông tin để khuyến khích sự chính thức hóa và giảm phi chính thức. Điều quan trọng là phải xây dựng các chính sách mục tiêu nhằm kết hợp linh hoạt và bảo vệ khu vực kinh tế phi chính thức và việc làm phi chính thức.