Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Lao động trẻ "sống khỏe"

Chia sẻ Zalo

KTĐT - Nghề làm tranh đá thu hút lao động trẻ, tuổi từ 16-27, có tính kiên nhẫn và đôi chút thẩm mỹ.

KTĐT - Nghề làm tranh đá thu hút lao động trẻ, tuổi từ 16-27, có tính kiên nhẫn và đôi chút thẩm mỹ. Nếu không có khiếu thẩm mỹ, lao động giản đơn chỉ ghép được các chi tiết đơn giản, thậm chí làm sai lệch bức tranh.

Chắp nối những mảnh đá nhỏ thành bức tranh sống động, có "hồn", nghề làm tranh ghép đá tại Lục Yên (Yên Bái) đã tạo việc làm ổn định cho nhiều LĐ trẻ gần 10 năm qua.

Tài hoa

Hơn 8 năm làm nghề, Hoàng Thị Duyên (26 tuổi, TT.Yên Thế, Yên Bái) đã rành rọt từng loại và sắc màu đá, cỡ tay rải đá. Gian trưng bày của cửa hàng Giang Sơn, nơi Duyên làm, trưng bày la liệt tranh: Vinh quy bái tổ, mã đáo thành công, tứ quý, hoa đào, chữ thư pháp...được ghép từ nhiều loại đá quý. Duyên cho biết: "Đứng xa tranh ghép đá khoảng 2-3m, khách tham quan lần đầu dễ bị lầm tưởng là bức tranh vẽ. Càng lại gần, bức tranh ghép đá trở nên sinh động nhờ màu sắc và kích cỡ của viên đá khác nhau".

Để có một bức tranh ghép đá hoàn chỉnh, người thợ phải thực hiện nhiều công đoạn: photocopy ảnh mẫu theo khổ bức tranh, in qua giấy than khuôn bức tranh trên tấm nhựa, pha màu đá theo màu tranh, rải đá theo các hình tranh, trám keo...Công đoạn nào cần lưu ý nhất? Duyên cho biết: Việc pha các loại đá để tạo ra màu sắc tương xứng với tranh gốc đòi hỏi thợ có tay nghề cao. Ông Nguyễn Thanh Sơn - chủ cửa hàng Giang Sơn, cho biết thêm: "Bức tranh đẹp không đơn thuần được ghép bởi nhiều loại đá quý tự nhiên mà còn do người thợ chăm chút vào từng đường ghép đá, từ đó tạo nên sự sống động, có hồn".

Bởi vậy, nghề có sự thanh lọc tay nghề khá rõ. Theo chị Nguyễn Thị My - chủ cửa hàng Tuấn My - cho biết: Nghề làm tranh đá thu hút LĐ trẻ, tuổi từ 16-27, có tính kiên nhẫn và đôi chút thẩm mỹ. Nếu không có khiếu thẩm mỹ, LĐ giản đơn chỉ ghép được các chi tiết đơn giản, thậm chí làm sai lệch bức tranh.

Nghề bền vững

Những năm 1990, huyện Lục Yên (Yên Bái) được mệnh danh là "đất ngọc" với nhiều mỏ đá quý như: Sapphire, ruby, đá xanh, thạch anh tím... Bên cạnh việc kinh doanh đá quý, nghề làm tranh ghép đá dần xuất hiện từ năm 2000. Thị trấn Yên Thế (Lục Yên) hiện có khoảng 50 cơ sở làm tranh đá, thu hút thường xuyên 300-400 LĐ trẻ tuổi. Theo bà Nguyễn Thị Lan (cơ sở Lan Hương), trung bình một cửa hàng cần thường xuyên 5-6 LĐ, những tháng cuối năm có khi cần tới hơn 10 LĐ. Sau 3 tháng, thợ học việc có thể làm việc giản đơn (giã đá, làm các chỉ tiết giản đơn), thợ có tay nghề thực hiện chi tiết phức tạp (trộn các loại đá theo nền bầu trời, ghép hình người hay vật...).

Thu nhập của thợ theo tay nghề? Theo bà Hương, thợ có tay nghề khá thường được các cơ sở trả lương cao từ 8-10 triệu đồng/tháng, tuy nhiên có cở sở trả lương theo từng sản phẩm. "Thợ mới vào nghề thì chỉ nhận mức lương từ 2-3 triệu đồng/tháng. Đặc biệt, LĐ học nghề phải đóng tiền học phí 500-600 ngàn đồng/khóa".

Nhiều chủ cửa hàng đánh giá, nghề làm tranh ghép đá có tương lai phát triển vì nguồn nguyên liệu đá tại địa phương còn dồi dào, nguồn tiêu thụ tranh ổn định tại ở Hà Nội, Huế, TPHCM, thậm chí còn xuất sang Trung Quốc, Thái Lan. Ông Lưu Mạnh Dũng - GĐ TT dạy nghề huyện Lục Yên - cho biết: "Nghề không chỉ thu hút LĐ trẻ từ các xã trong huyện mà còn tạo việc làm cho LĐ từ các tỉnh Phú Thọ, Lào Cai, Hà Nam bởi yếu tố: Việc làm ổn định, thu nhập không thấp. TT đang triển khai nhiều lớp đào tạo LĐ trẻ kỹ thuật làm tranh đá quý".