Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Lão thợ hàn tự chế tạo máy bay trực thăng ''không đụng hàng''

Theo Infonet
Chia sẻ Zalo

Đam mê với những cỗ máy, ông mày mò học trên mạng rồi tự chế tạo riêng cho mình một chiếc máy bay trực thăng ''không đụng hàng''. Ông là Lê Văn Thỏa, người huyện Quỳ Hợp (Nghệ An).

Ông xuất thân là thợ sửa xe đạp. Làm dần thành quen, ông nâng tay nghề lên thợ hàn xì máy móc. Yêu nghề, ông lên mạng mày mò, học tập những người thợ giỏi hơn mình, rồi nghiên cứu, chế tạo những cỗ máy cho riêng mình từ những vật liệu phế thải.
Chiếc máy bay trực thăng ''không đụng hàng''
Chiếc máy bay trực thăng ''không đụng hàng''
Ông Lê Văn Thỏa (51 tuổi, trú tại khu công nghiệp thị trấn Quỳ Hợp, huyện Quỳ Hợp, tỉnh Nghệ An). Sinh ra trong một gia đình có hoàn cảnh khó khăn, học hết chương trình lớp 7 ông nghỉ ở nhà giúp bố mẹ. Đến tuổi đi bộ đội, ông lên đường nhập ngũ. Đến tháng 7/1987, ông xuất ngũ về quê làm nghề sửa xe đạp.

Cuộc sống mưu sinh nơi quê nhà khó đủ đường. Ông đã bươn chải đủ nghề từ sửa xe đạp, lên núi làm công nhân đào vàng, khó quá lại xuống núi sửa ô tô cho đến khi lập công ty chuyên sửa chữa máy công trình. Con đường đến với nghiệp của mình, do ông tự mày mò tôi luyện mà thành thợ, đến ông chủ.

Đam mê với những cỗ máy, dù tuổi không còn trẻ nhưng ông vẫn sắm cho mình cái điện thoại hiện đại, lướt mạng tìm hiểu đủ thứ về công nghệ chế biến máy móc và học làm theo. Thấy trên mạng có một người cũng làm nghề giống ông, tự chế tạo máy bay trực thăng, thấy dễ nên ông mày mò học theo. Không ngờ ông đã làm được.

Đứng nhìn chiếc máy bay trực thăng thô sơ đã hoàn thành 70% công đoạn do chính tay mình chế tạo, ông Thỏa cho biết ý tưởng hết này bắt đầu được nhen nhóm từ đầu năm 2015. Tình cờ xem được đoạn video một ông già nước ngoài chế tạo thành công một chiếc máy bay trực thăng, ông nảy ý tưởng chế tạo riêng cho mình một cái như vậy. Mục đích là chơi vui - ông chia sẻ.

Ông hồ hởi tâm sự: ''Tôi thích thú ý tưởng chế tạo máy bay. Quê tôi công tác phun thuốc trừ sâu cho ngô, lúa vẫn được bà con thực hiện thủ công, mang bình tự phun. Tôi nghĩ ngay, ta nên chế tạo máy bay trực thăng, bay ở dạng thấp để phục vụ phun thuốc. Nó cũng có thể sử dụng để tham gia lấy nước phục vụ công tác chữa cháy rừng. Nhờ đó, tôi có thêm động lực biến ý tưởng thành hiện thực''.

"Khi thấy tôi bỏ tiền ra mua ô tô 4 chỗ để làm động cơ chế tạo máy bay trực thăng, vợ con và nhiều người bảo tôi không bình thường. Nhiều người ác miệng còn nói lão Thỏa điên! Tôi mặc kệ, tôi vẫn cứ làm. Đam mê mà. Bỏ sao nổi. Thích là tôi cứ làm, trừ khi làm không nổi nữa thì từ bỏ" - ông Thỏa nói.
Hơn 9 tháng ông mày mò tự chế tạo máy bay trực thăng để có thể dùng trong phụ thuốc sâu cho ngô
Hơn 9 tháng ông mày mò tự chế tạo máy bay trực thăng để có thể dùng trong phụ thuốc sâu cho ngô
Sau khi phác thảo bản vẽ trên giấy. Tháng 8/2015, ông Thỏa bắt đầu đi đến các cửa hàng phế liệu thu mua các đồ vật có thể làm phụ kiện. Để làm động cơ cho máy bay, ông Thỏa đã quyết định mua lại một chiếc ô tô 4 chỗ toyota vừa lấy động cơ, vừa có phụ kiện cần. Còn cánh quạt của chiếc máy bay dài 5m, ông đặt đúc ở Nam Định.

Tháng 5/2016, sau hơn 9 tháng bắt tay vào làm, chiếc máy bay cơ bản đả hoàn tất. Ông quyết định đưa chiếc máy bay trực thăng của mình ra thử nghiệm và chạy thành công với vận tốc đạt 70 km/h. Máy bay có chiều dài 3,5 mét; cao 2,7 mét; phần rộng nhất là 2,2 mét. Khung, vỏ được uốn hàn bằng sắt và tôn. Theo tính toán của ông Thỏa, khi hoàn thành, máy bay có thể bay ở độ cao 300 mét trong vòng 5 giờ liên tục với vận tốc đạt 100 km/h. Máy bay có thể chở được 1 người và 200 kg trong 1 lần vận chuyển.

''Cỗ máy'' đã hoàn tất, nhưng khi ông đưa ra thử nghiệm, máy đã gặp sự cố. Phát hiện lỗi ở phần sau cánh quạt nên việc bay thử đã bị hủy lại để tiếp tục nâng cấp và hoàn thiện. “2 cánh quạt chính dùng để nâng máy bay cũng quay rất tốt. Bây giờ chỉ cần chỉnh sửa lại phần cánh quạt đẩy phía sau là có thể cho cất cách thử nghiệm. Hy vọng khi hoàn thành, chiếc máy bay này có thể phục vụ phun thuốc trừ sâu cho các cách đồng ngô trên một diện tích lớn. Hoặc có thể sử dụng để phục vụ công tác chữa cháy rừng, hay tuần tra bảo vệ rừng cũng sẽ đạt được hiệu quả cao”, ông Thỏa tự tin nói.

Đây không chỉ là lần đầu ông Thỏa chế tạo sản phẩm mà trước đó, người thợ cơ khí này cũng đã được Bộ KH&CN cấp bằng sáng chế cho sản phẩm máy doa lỗ di động. Ngoài ra, ông còn chế tạo thành công máy tiện đá, máy búa rèn, máy cắt đá bằng dây... phục vụ cho hầu hết các cơ sở khai thác đá trên địa bàn, cùng nhiều cơ sở chế tạo máy móc trong và ngoài tỉnh.