Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Lập cơ quan chuyên trách làm đại diện chủ sở hữu Nhà nước: Không bàn lùi!

Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Nhiều dự án sử dụng vốn Nhà nước đang bị thua lỗ, tạm ngừng hoạt động, “chết lâm sàng”… Vốn, tài sản công bị hao mòn nhưng lại khó truy ai chịu trách nhiệm.

Rõ ràng vấn đề quản lý, giám sát, quản trị DN Nhà nước (DNNN) đang bị buông lỏng, gây thất thoát một nguồn lực kinh tế rất lớn của đất nước.

Hao mòn tài sản công                           

Theo Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế T.Ư (CIEM), Nhà nước đang đầu tư một khối lượng rất lớn vốn và tài sản sở hữu toàn dân vào sản xuất, kinh doanh tại các DN. Chỉ tính riêng 781 DN 100% sở hữu Nhà nước năm 2014 thì tổng tài sản đã hơn 3,1 triệu tỷ đồng. Nếu tính toàn bộ các DN có 100% và trên 50% sở hữu Nhà nước thì tổng nguồn vốn kinh doanh hay tổng tài sản lên đến 5,4 triệu tỷ đồng. Số vốn Nhà nước tại các DN đã và đang bị thất thoát, tham nhũng, tiêu cực… mà nguyên nhân chính là do công tác quản lý, giám sát của chủ sở hữu Nhà nước không tốt, không rõ trách nhiệm.
Nhà máy Đạm Ninh Bình hoạt động 4 năm, lỗ 2.000 tỷ đồng.
Nhà máy Đạm Ninh Bình hoạt động 4 năm, lỗ 2.000 tỷ đồng.
Ông Nguyễn Đình Cung - Viện trưởng CIEM dẫn chứng, Dự án xơ sợi Đình Vũ của Tập đoàn Dầu khí Việt Nam có vốn đầu tư hơn 7.000 tỷ đồng nhưng đã bị “chết lâm sàng” từ lâu. Còn với Nhà máy Đạm Ninh Bình, sau 4 năm đi vào hoạt động lỗ 2.000 tỷ đồng. Nhà máy trị giá 12.000 tỷ đồng bị coi là “sống dở chết dở” vì liên tục làm ăn thua lỗ phải dừng sản xuất hơn một tháng qua, kéo theo đó là 400 trong tổng số 1.000 công nhân phải nghỉ việc tạm thời, chờ ngày tái sản xuất.

 Một ví dụ khác là Nhà máy Nhiên liệu sinh học Ethanol Phú Thọ vốn đầu tư 2.400 tỷ đồng nhưng đã “chết yểu” hơn 4 năm nay, số thiết bị trị giá nghìn tỷ đang hao mòn cùng với thời gian. Cũng không thể không kể tới các dự án đường cao tốc sử dụng ngân sách Nhà nước được đầu tư đắt đỏ nhất thế giới. Theo ông Cung cũng với quy mô, tính chất, công năng đường cao tốc như vậy nếu giao cho tư nhân đầu tư thì chỉ bằng ½ số vốn do Nhà nước đầu tư.

Gây thất thoát lớn cho Nhà nước nhưng đáng nói là với mô hình quản lý kiểu cũ thì rất khó hoặc không thể quy trách nhiệm cho ai. Do đó, yêu cầu bức thiết là phải hoàn thiện, nâng cao hiệu quả, hiệu lực quản lý, giám sát DNNN bằng một mô hình mới.

Phải minh bạch hóa

Việc thành lập cơ quan chuyên trách thực hiện chức năng đại diện chủ sở hữu Nhà nước là câu chuyện đã được bàn từ hàng chục năm trước, ở nhiều cấp từ Đảng cho đến chính quyền… “Tuy nhiên, đến thời điểm này, với quyết tâm của Chính phủ mới thì chúng ta tập trung bàn làm như thế nào chứ không bàn lùi nữa” – Thứ trưởng Bộ KH&ĐT Đặng Huy Đông nhấn mạnh.

Trên tinh thần đó, với vai trò là cơ quan được giao xây dựng dự thảo Nghị định mới về cơ quan đại diện chủ sở hữu, lãnh đạo CIEM cho biết, hướng xây dựng dự thảo là mỗi DNNN chỉ có một cơ quan đại diện chủ sở hữu. Cơ quan Nhà nước khác thực hiện chức năng quản lý hành chính Nhà nước theo ngành, lĩnh vực, địa bàn. Các tập đoàn, tổng công ty quy mô lớn sẽ được chuyển từ bộ quản lý ngành như hiện nay về một cơ quan chuyên trách. Các DNNN kinh doanh khác thuộc bộ chuyển về Tổng Công ty Đầu tư và Kinh doanh vốn Nhà nước (SCIC). DNNN địa phương, công ích, quốc phòng, an ninh vẫn do UBND cấp tỉnh, bộ quản lý ngành, Bộ Quốc phòng, Bộ Công an làm đại diện chủ sở hữu như hiện nay. Các ngân hàng thương mại vẫn do Ngân hàng Nhà nước làm đại diện chủ sở hữu phần vốn của Nhà nước, để đảm bảo an toàn và phòng ngừa rủi ro tài chính quốc gia.

Chia sẻ trước các chuyên gia và đại diện một số bộ, ngành và DNNN, ông Cung cho biết, thành lập cơ quan chuyên trách làm đại diện chủ sở hữu Nhà nước đối với DNNN đồng nghĩa với việc xóa bỏ chức năng đại diện chủ sở hữu của các bộ, do đó chắc chắn sẽ vấp phải phản ứng từ các cơ quan này. Tuy nhiên, khi nền kinh tế hội nhập thì đòi hỏi đặt ra với các DNNN là phải hoạt động minh bạch, có trách nhiệm giải trình, trung lập trong nền kinh tế, không làm méo mó thị trường. Do vậy, thành lập một cơ quan chuyên trách làm đại diện chủ sở hữu Nhà nước là đòi hỏi từ hội nhập và là yêu cầu nội tại của nền kinh tế. CIEM và Bộ KH&ĐT sẽ tiếp tục ghi nhận các ý kiến đóng góp cho dự thảo để sớm trình Thủ tướng Chính phủ xem xét, dự kiến chậm nhất là trong quý III năm nay.