Kỳ vọng giảm tải giao thông trong sân bay
Tổng Công ty Cảng Hàng không Việt Nam (ACV) vừa có đề xuất với Bộ GTVT nghiên cứu lập ga hàng không trung chuyển trong nội đô của TP Hồ Chí Minh.
Thực tế, mô hình này đã xuất hiện tại nhiều nước phát triển và đã mang lại những hiệu quả nhất định, tuy nhiên với Việt Nam, đây là lần đầu tiên được đề xuất thực hiện. Mục đích của đề xuất này nhằm hướng tới giải quyết bài toán ùn tắc giao thông cho các tuyến đường khu vực Sân bay Tân Sơn Nhất cũng như giảm chi phí vận chuyển cho hành khách đi máy bay.
Cầu vượt thép tại nút giao Trường Sơn-đường Tân Sơn Nhất - Bình Lợi - Vành đai ngoài được xây để giảm ùn tắc cho sân bay Tân Sơn Nhất (Ảnh: Lê Quân) |
Theo đề xuất của ACV, ga hàng không trung chuyển sẽ được đặt tại các dự án khu trung tâm thương mại và các bãi đỗ xe nằm tiếp giáp giữa đường Cách Mạng Tháng Tám và đường Nguyễn Du (thuộc địa phận phường Bến Thành, quận Nhất). Khoảng cách từ khu vực này đến Sân bay Tân Sơn Nhất được xác định dài khoảng 8km. Về vị trí dự kiến sẽ đặt các ga hàng không trung chuyển, ACV cho biết sẽ nằm ở vị trí kết nối với nhà ga số 2 của tuyến Đường sắt đô thị số 2 Thủ Thiêm – Long Thành – Tham Lương rồi từ đó sẽ kết nối với tuyến đường sắt nhẹ Thủ Thiêm – Long Thành. Đây là tuyến đường thuận tiện để đi đến sân bay Long Thành trong tương lai.
Theo ACV, các ga hàng không trung chuyển sau khi hoàn thành sẽ do các trung tâm dịch vụ mặt đất chuyên nghiệp đang hoạt động tại Sân bay Tân Sơn Nhất khai thác và cung cấp dịch vụ cho hành khách. Với sự xuất hiện của các ga trung chuyển này, hành khách đi máy bay sẽ tiết kiệm được khá nhiều thời gian khi chỉ phải có mặt ở sân bay chậm nhất là 115 phút trươc khi đóng quầy (đối với các chuyến bay nội địa) và 135 phút (đối với các chuyến bay quốc tế) thay vì phải có mặt tại sân bay trước 3 tiếng đồng hồ để xếp hàng và làm thủ tục hàng không. Bên cạnh đó, dịch vụ kiểm soát an ninh hàng không sẽ được lực lượng an ninh hàng không của ACV thực hiện ngay tại các ga trung chuyển.
Với cách làm này, hành khách và hành lý sẽ được kiểm soát an ninh cùng lúc làm thủ tục, trong quá trình ra sân bay cho đến khi đến sân bay và chuyển vào khu cách ly. Phương tiện vận chuyển hành khách có khoang chứa hành lý, được thiết kế hệ thống camera giám sát cùng nhiều biện pháp khác để đảm bảo an ninh tuyệt đối. ACV khẳng định nếu đề xuất lập ga hàng không trung chuyển trong nội đô TP Hồ Chí Minh được chấp thuận, chủ đầu tư là Công ty TNHH Tập đoàn Đông Dương sẽ hoàn thành các thủ tục pháp lý để đầu tư.
Cần nghiên cứu kỹ lưỡng
Trao đổi với phóng viên Kinh tế & Đô thị, GS.TS Từ Sỹ Sùa – Giảng viên cao cấp Đại học GTVT cho rằng, các ga hàng không trung chuyển như đề xuất của ACV trên thực tế có thể gọi là dịch vụ hỗ trợ. Với những dịch vụ kiểu này, cái cơ bản nhất là tính hiện thực, hay nói cách khác là chi phí bỏ ra để thực hiện dịch vụ có đáp ứng được và có mang lại hiệu quả hay không. Trong trường hợp nếu bỏ ra chi phí đầu tư mà nó không mang lại hiệu quả về mặt hỗ trợ thì cũng không có tác dụng nhiều. “Nếu hiểu theo nghĩa hẹp thì ga trung chuyển công năng rất ít. Còn hiểu theo nghĩa rộng, một cảng hàng không đã làm chức năng trung chuyển rồi. Giờ lại làm ga trung chuyển nữa thì giống như hình thức gom khách mà thôi” - ông Từ Sỹ Sùa nói.
Theo ông Từ Sỹ Sùa, trước khi thực hiện bất cứ dự án đầu tư nào cũng cần xác định mục đích của dự án đó là gì. Mà đối với việc đầu tư ga hàng không trung chuyển, mục đích quan trọng nhất là vì quyền lợi của khách hàng và cộng đồng, mà ở đây là giảm tải sức ép về ùn tắc giao thông. Nhưng điều này cần phải nhìn nhận, nghiên cứu một cách toàn diện. “Nó giống như mở đường, đường mình mở đoạn này nó sẽ tắc đoạn khác nếu làm không khéo. Nếu lập ga hàng không trung chuyển mà chỉ vì mục đích giảm việc hành khách phải check in trực tiếp ở sân bay thì tôi cho rằng không hay lắm còn với những mục đích khác thì chưa biết thế nào” - GS.TS Từ Sỹ Sùa phân tích.
Về tính khả thi, một số chuyên gia khác cho rằng, để ga hàng không chung chuyển hiệu quả cần phải có mạng lưới hạ tầng giao thông tốt. Đó có thể là tuyến xe buýt nhanh, tuyến tàu điện hoặc phải làm làn đường riêng cho xe buýt. Tuy nhiên, với điều kiện hạ tầng giao thông của TP Hồ Chí Minh hiện nay chưa đáp ứng được điều đó. Thậm chí trong điều kiện bình thường vẫn thường xuyên xảy ra ùn tắc. Vậy khi lập ga hàng không trung chuyển, việc vận hành có thật sự mang lại hiệu quả như mong muốn hay không.
Phân tích về vấn đề này, GS.TS Từ Sỹ Sùa cho rằng, trên thực tế vị trí hiện tại của Sân bay Tân Sơn Nhất vốn đã ở trong nội đô. Do đó, khi lập ga hàng không trung chuyển mà không hợp lý sẽ dẫn đến tình trạng “dồn chỗ này sẽ lại ứ chỗ khác”. Việc chọn vị trí ga trung chuyển như thế ở chỗ nào cho hợp lý là cả một bài toán, nhất là trong điều kiện giao thông nước ta hiện nay vốn rất hỗn hợp.
“Ở các nước khác, khi thiết kế sân bay, bao giờ đường sắt cũng vào đấy, đường sắt dứt khoát phải có. Vì đường sắt vừa vận tải hành khách, vừa vận tải hàng hóa ra sân bay. Nước ta không có hệ thống đường sắt nối liền sân bay nên mới xảy ra ùn tắc” - GS.TS Từ Sỹ Sùa nói và khẳng định, cần phải làm rõ ba điều: Một là cần phải xác định vị trí; Hai là xác định quy mô; Ba là mục đích của việc lập ga hàng không trung chuyển là gì. “Việc tham khảo và áp dụng mô hình của các nước phát triển là điều tốt, nhưng quan trọng, cách tiếp cận như thế nào cho phù hợp với điều kiện thực tiễn ở nước ta. Dự án cần phải tính toán, xác định chỉ tiêu, thông qua kinh nghiệm và chuyên môn sâu thì khi đó tính toán mới kỹ hơn. Còn bây giờ đầu tiên cần xác định tính khả thi, xem làm ở đâu cho hợp, đặc biệt là vị trí làm” - GS.TS Từ Sỹ Sùa nhìn nhận.
"Bây giờ phải xem đề án đó cụ thể như thế nào, tính hợp lý như thế nào, quãng đường từ nơi đặt ga hàng không trung chuyển tới sân bay có hợp lý hay không? Có cần thiết hay không và đặc biệt là có giải quyết được vấn đề ách tắc giao thông hay không. Điều này cần phải xem xét một cách cẩn thận, kỹ lưỡng." - Chuyên gia Kinh tế Ngô Trí Long |