Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Lấp khoảng trống kiến thức sức khỏe của người học nghề

Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Việc trang bị cho người học nghề những kiến thức về y tế, xã hội, các kỹ năng mềm để biết tự bảo vệ mình, biết phòng tránh các nguy cơ, đặc biệt là phòng lây nhiễm HIV là việc làm hết sức cần thiết.

Nhận định trên được đưa ra tại chương trình “Công bố, giới thiệu chương trình tài liệu giáo dục Sức khỏe sinh sản, Sức khỏe tình dục và phòng chống HIV cho người học nghề”, do Tổng cục Dạy nghề phối hợp với Quỹ Dân số Liên hợp quốc (UNFPA) tổ chức đầu tuần này.

Khoảng trống trong đào tạo dạy nghề

Các đại biểu tham dự chương trình cho biết, Việt Nam đang trong thời kỳ cơ cấu “dân số vàng” với tỷ lệ thanh thiếu niên cao nhất trong lịch sử phát triển nhân khẩu học của đất nước. Đây là cơ hội lớn để Việt Nam vượt qua thách thức, nâng cao chất lượng dân số và chất lượng nguồn nhân lực.

Do đó, việc đầu tư cho giáo dục và y tế, trong đó có sức khỏe sinh sản và sức khỏe tình dục cho thanh thiếu niên sẽ tạo ra một nền tảng vững chắc cho sự phát triển bền vững của đất nước. Trong những năm qua, Chính phủ đã ban hành nhiều chính sách và chương trình giáo dục và sức khỏe, bao gồm các chương trình sức khỏe sinh sản và sức khỏe tình dục của nhóm đối tượng thanh thiếu niên.

 
Ảnh mang tính chất minh họa. Nguồn: Internet.
Ảnh mang tính chất minh họa. Nguồn: Internet.
 Những năm gần đây, hệ thống các cơ sở dạy nghề ngày càng được mở rộng, chất lượng đào tạo nghề ngày càng được nâng cao. Tuy nhiên, công tác đào tạo nghề còn những khoảng trống nhất định về kiến thức, tay nghề, đặc biệt là kỹ năng mềm. Đa số những người học nghề là người trẻ, hoặc có mặt bằng  văn hóa xã hội còn hạn chế, hoặc sinh sống ở những vùng có điều kiện kinh tế khó khăn, ít có cơ hội được tiếp cận với các vấn đề xã hội.

Mặt khác, việc chuyển dịch lao động từ lĩnh vực nông nghiệp sang lĩnh vực dịch vụ, công nghiệp và quá trình đô thị hóa sẽ làm một bộ phận lao động nông nghiệp chuyển dịch sang các lĩnh vực khác.

Với tình hình đó, người lao động, đặc biệt là lao động di cư phải đối mặt với nhiều thách thức, một trong số đó là nguy cơ giảm sức khỏe do không có đầy đủ kiến thức về sức khỏe sinh sản, sức khỏe tình dục.

Việc trang bị cho người học nghề những kiến thức về y tế, xã hội, các kỹ năng mềm để biết tự bảo vệ mình, biết phòng tránh các nguy cơ, đặc biệt là phòng lây nhiễm HIV là việc làm hết sức cần thiết. Đó là một khoảng trống mà chương trình đào tạo cần đáp ứng, Tổng cục Dạy nghề cùng các cơ sở dạy nghề cũng đang nỗ lực hoàn thiện nhằm trang bị cho người học.

Kiến thức sức khỏe giúp nâng cao chất lượng nguồn nhân lực

Trước hiểm họa HIV đang lây lan rất nhanh với một tỷ lệ lớn là do quan hệ tình dục không an toàn, đòi hỏi phải thay đổi trong nhận thức, trong cách tiếp cận. Phải coi vấn
đề sức khỏe sinh sản, tình dục và phòng chống HIV là một vấn đề quan trọng trong đào tạo và truyền thông, mà đối tượng chính là thanh niên, là chủ thể chính trong hoạt động tình dục, hoạt động sinh sản duy trì nòi giống. Họ cần phải được trang bị kiến thức, kỹ năng về sức khỏe tình dục, sức khỏe sinh sản và phòng tránh các bệnh xã hội, đặc biệt là HIV ngay khi còn ngồi trên ghế nhà trường.

Thông tin từ Quỹ Dân số Liên hợp quốc, một lượng lớn những người trẻ vẫn thiếu kiến thức, kỹ năng sống để đàm phán và thực hiện các quyết định về an toàn tình dục, phải đối mặt với những rào cản đáng kể trong việc tiếp cận các dịch vụ sức khỏe sinh sản, sức khỏe tình dục và tránh thai. Kết quả nghiên cứu cho thấy, nhu cầu chưa được đáp ứng về các phương tiện tránh thai ở thanh thiếu niên rất cao.

Điển hình, nhóm thanh niên từ 15 đến 19 tuổi là 35,4%; nhóm thanh niên từ 20 đến 24 tuổi là 34,6%. Trong khi tỷ lệ nhiễm HIV ở thanh thiếu niên từ 15 đến 29 tuổi khoảng 35%. Do đó, việc đầu tư cho giáo dục và y tế, trong đó có sức khỏe sinh sản và sức khỏe tình dục cho thanh thiếu niên sẽ góp phần nâng cao chất lượng dân số và chất lượng nguồn nhân lực, tạo ra một nền tảng vững chắc cho sự phát triển bền vững.

Từ năm 2012, Quỹ dân số Liên hợp quốc đã hỗ trợ  Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội nghiên cứu, thử nghiệm giải quyết một số vấn đề về sức khỏe và xã hội trong các nhóm dân cư dễ bị tổn thương (gọi là Dự án VNM 8P04), trong đó Tổng cục Dạy nghề được giao thực hiện cấu phần 2 của Dự án nhằm xây dựng và triển khai việc lồng ghép  chương tình giáo dục sức khỏe sinh sản, sức khỏe tình dục và phòng chống HIV cho người học nghề, đặc biệt là với nhóm yếu thế.

Sau hơn 2 năm thiết kế, xây dựng, bộ tài liệu “Giáo dục sức khỏe sinh sản, sức khỏe tình dục và phòng HIV” đã được hoàn thiện. Và được Tổng cục Dạy nghề thẩm định và ban hành. Bộ tài liệu gồm 2 tập hợp phần: “Chương trình và tài liệu giảng dạy dùng cho giáo viên và giảng viên tại các cơ sở dạy nghề” và “Tài liệu dùng cho học viên sơ cấp và học viên học nghề dưới 3 tháng tại các cơ sở dạy nghề”.