Kinhtedothi - Ngày 13/10, UBTV Quốc hội đã cho ý kiến Dự thảo sửa đổi, bổ sung Luật Ký kết, gia nhập và thực hiện điều ước quốc tế năm 2005.
Theo Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Hồ Xuân Sơn, Luật Ký kết, gia nhập và thực hiện điều ước quốc tế (Luật ĐUQT) được Quốc hội thông qua ngày 14/6/2005, có hiệu lực thi hành từ ngày 1/1/2006. Tuy nhiên, sau 10 năm thực hiện, Luật ĐUQT đã bộc lộ một số hạn chế, bất cập, chưa đảm bảo yêu cầu cải cách tư pháp cũng như chưa đáp ứng các đòi hỏi ngày càng cao của tình hình thực tế.
Những năm gần đây, trung bình mỗi năm Việt Nam ký kết hơn 100 ĐUQT trên tất cả các lĩnh vực biên giới, lãnh thổ, hợp tác về quốc phòng, an ninh, kinh tế, thương mại, văn hóa, giáo dục… Chủ nhiệm Ủy ban Đối ngoại của Quốc hội Trần Văn Hằng cũng đồng tình việc phải sửa đổi Luật này và có hiệu lực kể từ ngày 1/6/2016 để đẩy nhanh việc phê chuẩn các ĐUQT, đặc biệt là Hiệp định Đối tác Xuyên Thái Bình Dương (TPP).
Dự thảo Luật sửa đổi xác định phạm vi điều chỉnh của Luật gồm ký kết, bảo lưu, lưu chiểu, lưu trữ, sao lục, công bố, đăng ký, thực hiện, sửa đổi, bổ sung, gia hạn, chấm dứt hiệu lực, từ bỏ, rút khỏi, tạm đình chỉ thực hiện điều ước quốc tế…. Theo Dự Luật thì các thỏa thuận, cam kết về vay nợ nước ngoài nếu được ký nhân danh Nhà nước, Chính phủ với bên ký kết nước ngoài như Ngân hàng thế giới (WB), Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB)... vẫn thuộc phạm vi điều chỉnh của Luật. Các thỏa thuận vay cụ thể khác được thực hiện theo quy trình, thủ tục ký kết và phê duyệt thỏa thuận được quy định tại Luật Quản lý nợ công (do phía đối tác ký các thỏa thuận này chỉ thực hiện giao kết dân sự, kinh tế, không là chủ thể của pháp luật quốc tế theo quy định tại khoản 3 Điều 2 dự thảo Luật)”. Tuy nhiên, Chủ nhiệm Ủy ban Đối ngoại Trần Văn Hằng cho rằng: Hiện nay chưa có văn bản quy phạm pháp luật điều chỉnh các vấn đề như ủy quyền, đàm phán, ký lưu trữ, công bố văn bản, hướng xử lý nếu trong quá trình ký kết và thực hiện thỏa thuận và có quy định trái hoặc khác với pháp luật trong nước. Tương tự, cũng chưa có văn bản quy định cụ thể về quy trình, thủ tục ký kết đối với các thỏa thuận vay nhân danh Nhà nước không phải là ĐUQT. Đây là những “khoảng trống” nhất thiết phải được lấp đầy
Nhiều ý kiến trong UBTV Quốc hội cũng lưu ý, Dự Luật cần tạo được khung pháp lý nhưng phải vừa chặt chẽ, vừa linh hoạt, đáp ứng nhu cầu ký kết và thực hiện điều ước quốc tế phù hợp với lợi ích của đất nước. Một số kiến nhất trí sửa tên Luật thành “Luật điều ước quốc tế” vì tên của Luật hiện hành dài mà chưa bao quát hết phạm vi điều chỉnh của Luật, việc sửa tên Luật bảo đảm tính khái quát, dễ hiểu và phù hợp với thực tiễn quốc tế…
Cùng ngày, UBTV Quốc hội cho ý kiến việc chuẩn bị kỳ họp thứ 10, Quốc hội khóa XIII, dự kiến khai mạc vào ngày 20/10. Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc cho biết: Đến thời điểm này, công tác chuẩn bị các điều kiện bảo đảm khác cho kỳ họp thứ 10 đã được hoàn tất. Dự kiến kỳ họp này chưa trình dự án Luật ban hành quyết định hành chính; chưa trình Quốc hội cho ý kiến về mục tiêu, định hướng huy động, sử dụng vốn vay và quản lý nợ công giai đoạn 5 năm 2016 - 2020. Nội dung này nên được chuẩn bị sau khi Quốc hội thông qua kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm và kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2016 - 2020…
Chiều cùng ngày, UBTV Quốc hội cho ý kiến về việc gia nhập Công ước La Haye về tống đạt ra nước ngoài giấy tờ tư pháp và ngoài tư pháp trong lĩnh vực dân sự hoặc thương mại.
Chủ nhiệm Ủy ban Đối ngoại của Quốc hội Trần Văn Hằng phát biểu ý kiến. Ảnh: TTXVN
|