Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Lập liên minh toàn cầu chống IS

Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Tổng thống Mỹ Barack Obama (giữa) và Tổng Thư ký NATO Anders Fogh Rasmussen (trái) cùng Thủ tướng Anh David Cameron (phải) tại Hội nghị thượng đỉnh NATO ngày 4/9 vừa qua tại Newport, Wales. Ảnh: Getty Images

Trong bối cảnh cộng đồng quốc tế đang lên án mạnh mẽ và tiếp tục chiến dịch truy quét tổ chức Nhà nước Hồi giáo (IS) - tổ chức cực đoan đang đe dọa tình hình an ninh khu vực Trung Đông, việc Quốc hội Iraq ngày 8/9 nhóm họp để thành lập chính phủ mới được coi là một cơ hội để gia tăng sức mạnh của liên minh chống IS.

 
Tổng thống Mỹ Barack Obama (giữa) và Tổng Thư ký NATO Anders Fogh Rasmussen (trái) cùng Thủ tướng Anh David Cameron (phải) tại Hội nghị thượng đỉnh NATO  ngày 4/9 vừa qua tại  Newport, Wales.  Ảnh: Getty Images
Kinhtedothi - Tổng thống Mỹ Barack Obama (giữa) và Tổng Thư ký NATO Anders Fogh Rasmussen (trái) cùng Thủ tướng Anh David Cameron (phải) tại Hội nghị thượng đỉnh NATO ngày 4/9 vừa qua tại Newport, Wales. Ảnh: Getty Images
Trước thời hạn chót về thành lập Chính phủ mới chỉ một ngày, Quốc hội Iraq đã vội vã nhóm họp để thành lập một chính phủ mới khi Thủ tướng sắp mãn nhiệm Nouri al-Maliki đã chấp thuận từ bỏ quyền lực hôm 14/8. Việc Thủ tướng được chỉ định Haider al-Abadi – chính trị gia người Shiite ôn hòa sẽ đứng ra thành lập Chính phủ mới được cho là cơ hội để giới chức Iraq cải thiện quan hệ với người Sunni, góp phần giảm thiểu căng thẳng nội bộ. Tuy nhiên, nhiệm vụ khó khăn mà ông phải đối mặt là làm sao chặn đứng được đà tiến của tổ chức IS.

Mặc dù, chính quyền Iraq đã tuyên bố ủng hộ liên minh do Mỹ dẫn đầu và kêu gọi cộng đồng quốc tế viện trợ Baghdad chống IS nhưng các cuộc tấn công khủng bố và đánh bom vẫn liên tiếp xảy ra, đe dọa nỗ lực ngăn chặn bạo lực của chính phủ. Ngay trong ngày 8/9, các tay súng của IS đã dùng tàu pháo và bom xe tấn công thị trấn ven sông Dhuluiya, cách Thủ đô Baghdad 70 km về phía Bắc, làm 17 người thiệt mạng và 54 người bị thương. Phần lớn nạn nhân thiệt mạng là do đánh bom xe tại một khu chợ, trong số những người thiệt mạng có dân thường và quân chính phủ Iraq. Dhuluiya thuộc vành đai các thị trấn Hồi giáo dòng Sunni ở phía Bắc Baghdad, nơi các chiến binh IS theo đường lối cứng rắn đang tìm cách giành quyền kiểm soát một phần. Trên thực tế, IS thường nhận được sự ủng hộ của các tay súng địa phương - những người không tin tưởng vào Chính phủ Iraq do phe Hồi giáo dòng Shi'ite lãnh đạo.

Tại Mỹ sau khi nhìn nhận nguy cơ của IS đối với an ninh nước Mỹ và tuyên bố mở liên minh toàn cầu chống lực lượng này, trong cuộc gặp với lãnh đạo Quốc hội Mỹ ngày hôm nay (9/9), Tổng thống Barack Obama đã đưa ra các chiến lược nhằm đánh bại IS. Trước đó, theo chỉ đạo của Tổng thống Obama, quân đội nước này đã tiến hành hơn 130 cuộc không kích nhằm vào tổ chức IS tại Iraq chỉ trong vòng một tháng qua. Để trả đũa cho hành động này, tổ chức IS đã hành quyết hai nhà báo Mỹ mà chúng bắt cóc tại Syria vào năm ngoái. Các nhà lập pháp Mỹ cũng gia tăng áp lực đối với Tổng thống để mở rộng các cuộc không kích sang Syria. Đến nay, dù ông Obama vẫn từ chối đưa bộ binh đến tham gia chiến đấu trực tiếp chống lại tổ chức IS, nhưng khẳng định Mỹ sẽ tiến hành các hoạt động như một phần trong liên minh với các nước khác và tiếp tục việc không kích tổ chức IS để hỗ trợ những nỗ lực trên bộ do quân đội Iraq và người Kurd đang tiến hành. Tại Hội nghị thượng đỉnh NATO diễn ra tại Xứ Wales, Vương quốc Anh hôm 5/9, Mỹ và 9 đồng minh cũng đã đồng ý việc tấn công tổ chức IS bởi những nguy cơ mà tổ chức này gây ra đối với các nước thành viên.

Dù chưa rõ cách thức đối phó với IS của liên minh quốc tế ra sao nhưng dư luận thế giới hy vọng rằng, lực lượng này sẽ nhanh chóng bị tiêu diệt tận gốc, góp phần lập lại ổn định, hòa bình cho các quốc gia khu vực Trung Đông.