Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Lập Phòng tư vấn để ngăn chặn bạo lực học đường

Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Trước tình trạng bạo lực học đường ngày một gia tăng, nhiều chuyên gia tâm lý và giáo dục cho rằng: Các nhà trường cần xây dựng gấp Phòng tư vấn, có biên chế cho cán bộ tư vấn.

Trong nhiều cuộc hội thảo về vấn đề bạo lực học đường và ngay cả cuộc bàn tròn mới đây, nhiều ý kiến vẫn khẳng định, điều cần trước tiên để giảm thiểu tình trạng này là giáo dục từ gia đình. Tuy nhiên, ở thời điểm này, nhiều người cũng khẳng định tầm quan trọng của Phòng tư vấn tâm lý trong mỗi nhà trường để góp phần giải tỏa những vướng mắc cho học sinh (HS). Từ kinh nghiệm thực tế, cô Lý Thị Lương - Hiệu trưởng trường THCS Ngô Sỹ Liên (quận Hoàn Kiếm, Hà Nội) phân tích, trong lứa tuổi THCS có nhiều diễn biến tâm lý lứa tuổi khiến các em dễ rơi vào khủng hoảng tuổi mới lớn. Hậu quả của việc không tìm được hướng giải quyết vướng mắc này có thể rất nghiêm trọng. Thế nên, ý thức và ngăn chặn kịp thời những diễn biến bất ổn cho HS, năm 2012, trường đã thành lập Văn phòng Tâm lý Tuổi hồng. "Nhờ hoạt động hiệu quả, năm học vừa qua các hiện tượng lệch chuẩn học đường trong nhà trường đã giảm. Hiện tượng HS đánh nhau, trốn học, bỏ học, vô lễ với giáo viên, xúc phạm bạn bè được ngăn chặn. HS được chia sẻ, tháo gỡ, giải tỏa tâm lý kịp thời. Đời sống, sức khỏe của HS được nâng lên, không còn hiện tượng HS phải nghỉ học do căng thẳng, lo âu, rối nhiễu tâm lý” – cô Lương cho biết.

Tuy nhiên, tại Hà Nội hiện nay mới có 20 trong tổng số 1.000 trường tham gia dự án thành lập Phòng tham vấn tâm lý học đường. Biết là cần thiết, song nhiều trường vẫn thiếu những điều kiện để hình thành một Phòng tư vấn tâm lý. Lãnh đạo nhiều trường THCS và THPT có chung quan điểm: Cần chính thức hóa vị trí nhân viên tham vấn tâm lý học đường; xã hội hóa hoạt động Phòng tư vấn tâm lý nhằm cộng đồng trách nhiệm. Việc xã hội hóa này, một mặt giảm gánh nặng tài chính cho nhà trường, cũng như các cơ quan quản lý; song cần thiết có cơ chế phối hợp giữa nhà trường và các đơn vị cung cấp dịch vụ tâm lý chuyên nghiệp ngoài cộng đồng như bệnh viện, trung tâm tư vấn chuyên nghiệp.

Bản thân ngành giáo dục cũng cần góp sức cùng các trường trong việc này, cụ thể là việc hỗ trợ cơ sở vật chất, trang bị cho Phòng tư vấn tâm lý. Ngoài ra cũng cần mở các lớp bồi dưỡng tư vấn tâm lý cho lực lượng tư vấn trong nhà trường như giáo viên chủ nhiệm, cán bộ tham vấn.