Theo Nghị định số 39/2019/NĐ-CP về tổ chức và hoạt động của Quỹ Phát triển doanh nghiệp nhỏ và vừa (DNNVV), quỹ này có vốn điều lệ tối thiểu 2.000 tỷ đồng do ngân sách Nhà nước cấp từ nguồn chi cho đầu tư phát triển.
Ảnh minh họa |
Quỹ sẽ hoạt động theo mô hình công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên do nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ, Bộ Kế hoạch và đầu tư là cơ quan đại diện chủ sở hữu Nhà nước.
Nhiệm vụ của quỹ gồm: Hỗ trợ DNNVV; tiếp nhận, quản lý và sử dụng vốn; thực hiện chế độ báo cáo, kế toán; chịu sự thanh tra, kiểm tra, kiểm toán của các cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền theo quy định.
Các hoạt động của quỹ bao gồm cho vay, tài trợ, hỗ trợ tăng cường năng lực cho DNNVV; tiếp nhận, quản lý và sử dụng vốn vay, tài trợ, viện trợ, đóng góp, ủy thác; phân loại nợ, trích lập dự phòng rủi ro và xử lý rủi ro; quản lý tài chính.
Doanh nghiệp có thể thực hiện vay dưới hai hình thức trực tiếp (quỹ trực tiếp thực hiện cho doanh nghiệp vay) và gián tiếp (quỹ sẽ cho vay thông qua việc giao vốn cho ngân hàng thương mại được thành lập và hoạt động theo quy định của pháp luật).
DNNVV khởi nghiệp sáng tạo muốn được vay vốn trực tiếp của quỹ phải đáp ứng một số điều kiện như: Có dự án, phương án sản xuất, kinh doanh khả thi, khai thác các loại tài sản trí tuệ quy định tại Luật Sở hữu trí tuệ hoặc công nghệ mới quy định tại Luật Chuyển giao công nghệ hoặc mô hình kinh doanh mới; đáp ứng quy định tại Điều 4 Luật Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa.
Để vay vốn trực tiếp của quỹ phát triển, các DNNVV tham gia cụm liên kết ngoài một số yếu tố cơ bản giống doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo thì cần có dự án, phương án sản xuất, kinh doanh khả thi, nằm trong khu vực địa lý của cụm liên kết ngành và có hợp đồng hợp tác, kinh doanh với doanh nghiệp khác trong cụm liên kết ngành hoặc cùng xây dựng, sử dụng thương hiệu vùng.
Mỗi dự án, phương án sản xuất kinh doanh được vay tối đa không quá 80% tổng mức đầu tư. Tổng mức cho vay đối với một doanh nghiệp nhỏ và vừa không được vượt quá 15% vốn điều lệ thực có của quỹ.
Thời hạn cho vay được xác định phù hợp với khả năng thu hồi vốn, khả năng trả nợ của doanh nghiệp và điều kiện cụ thể của từng dự án, phương án sản xuất, kinh doanh và tối đa không quá 7 năm.