Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Laptop cài “phần mềm gián điệp” vẫn được bán tràn lan

Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Mặc dù liên tục xuất hiện những cảnh báo về việc laptop Lenovo có cài đặt phần mềm độc hại nhưng những sản phẩm dạng này vẫn được bày bán công khai.

Thông tin các laptop của Lenovo được cài đặt sẵn phần mềm độc hại "Lenovo Service Engine" (LSE) có chức năng tự động thu thập trái phép dữ liệu người dùng đã được cảnh báo từ đầu năm 2015 và gây xôn xao dư luận trở lại trong thời gian gần đây. Tuy nhiên, rất nhiều mẫu laptop dạng này vẫn được bày bán công khai trên thị trường.
Laptop Lenovo có mặt tại hầu hết các điểm kinh doanh laptop tại Việt Nam
Laptop Lenovo có mặt tại hầu hết các điểm kinh doanh laptop tại Việt Nam (ảnh: Hà Thanh)
Theo khảo sát của Kinh tế & Đô thị tại các siêu thị máy tính lớn như Trần Anh, Pico, MediaMart … đều có gian hàng dành riêng cho laptop của Lenovo và hầu hết các sản phẩm này đều được cài đặt sẵn phần mềm LSE.

Khi được hỏi về những cảnh báo phần mềm độc hại LSE trong thời gian gần đây, một nhân viên bán hàng tại Trần Anh cho biết, bắt đầu từ 4/1, Lenovo đã gửi tới các đơn vị có phân phối sản phẩm của hãng một bản thông báo về cách gỡ phần mềm này, đồng thời yêu cầu dán thành bản thông báo cho khách hàng nắm được thông tin.

Mặc dù vậy, theo quan sát, các bản thông báo này thường để ở góc khuất khó nhìn và nếu khách hàng không hỏi, nhân viên bán hàng cũng không hề đả động đến phần mềm LSE đã được cài đặt sẵn. Đồng thời các siêu thị máy tính cũng cho biết sẽ không hỗ trợ gỡ phần mềm này mà thay vào đó khách hàng phải tự làm theo hướng dẫn của Lenovo.

Nếu như các siêu thị lớn còn có bản thông báo về phần mềm độc hại này thì tại các điểm bán lẻ trên những tuyến phố chuyên laptop như Lý Nam Đế, Tạ Quang Bửu, Thái Hà… rất khó để tìm được điều tương tự. Thậm chí nhiều cửa hàng còn tư vấn rằng LSE hoàn toàn không hề gây nguy hại cho người dùng.

Với lợi thế giá rẻ từ 5 triệu đồng trở lên, cùng cấu hình mạnh, Lenovo hiện đang là một trong những thương hiệu laptop được tiêu thụ mạnh nhất trên thị trường Việt Nam. Vì vậy, không chỉ người bán mà thậm chí ngay cả người mua cũng không mấy bận tâm đến việc dữ liệu cá nhân của mình đang bị thu thập một cách trái phép.

Theo ông Ngô Tuấn Anh - Phó Chủ tịch công ty an ninh mạng BKAV, bên cạnh thu thập dữ liệu người dùng, phần mềm LSE còn có khả năng tự động tải về và cài đặt các phần mềm khác theo ý muốn của Lenovo. Từ đó có thể xảy ra khả năng laptop của người dùng bị biến thành công cụ tấn công mạng.

Về phía Lenovo, trao đổi với Kinh tế & Đô thị, đại diện của hãng này cho biết, LSE được sử dụng để tìm hiểu thói quen của người dùng khi sử dụng sản phẩm chứ không thu thập thông tin cá nhân. Đồng thời các thông tin này được bảo mật rất chắc chắn.  

Tuy nhiên, trong quá khứ, một số quốc gia trên thế giới đã lên tiếng cảnh báo không sử dụng laptop Lenovo bắt nguồn từ những quan ngại về bảo mật thông tin người dùng. Có thể kể đến như Australia, Mỹ, Anh, Canada và New Zealand.

Thậm chí Bộ Quốc phòng Australia còn cho biết sẽ không bao giờ sử dụng các sản phẩm của Lenovo trong các hệ thống mạng liên quan tới bí mật quốc gia.
Những mẫu máy tính Lenovo thông báo có chứa LSE:
Laptop gồm: Flex 2 Pro 15, Flex 3 1120/1470/1570, G40-80/G50-80/G50-80 Touch, S41-70/U41-70, S435/M40-35, V3000 , Y40-80, Yoga 3 11 , Yoga 3 14, Z41-70/Z51-70, Z70-80/G70-80.

Máy tính để bàn gồm: A540/A740, B4030, B5030, B5035, B750, H3000, H3050, H5000, H5050, H5055, Horizon 2 27, Horizon 2e(Yoga Home 500), Horizon 2S, C260, C2005, C2030, C4005, C4030, C5030, X310(A78), X315(B85).