“Lật tẩy” thủ đoạn trộm cắp chốn tâm linh

Thái San
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Thời gian qua, chốn tâm linh, chùa chiền đã trở thành mục tiêu của tội phạm trộm cắp tài sản. Lợi dụng không gian rộng của di tích, ít người trông nom, kẻ gian đã thực hiện trót lọt nhiều vụ trộm cắp tài sản trong chốn tâm linh và tài sản du khách đến đình, chùa.

Vừa qua, theo thông tin từ Công an TP Hà Nội, sau thời gian giãn cách kéo dài do dịch bệnh, hiện nay khi xã hội chuyển sang giai đoạn thích ứng với dịch Covid-19, các cơ sở tôn giáo đã mở cửa đón khách trở lại nên đã thu hút rất nhiều quần chúng nhân dân tham gia.

Hiện nay, chỉ có một số đình, chùa trên địa bàn Hà Nội có những bãi trông giữ xe cho phật tử và khách thập phương, còn lại nhiều ngôi đình, chùa khác trên địa bàn còn chủ quan và bỏ ngỏ khâu an ninh trật tự. Cổng chùa, cổng đình luôn rộng mở đón khách sáng sớm đến tối, tuy nhiên việc quản lý, trông giữ các phương tiện đi lại thường ít được quan tâm. Đây chính là sơ hở để nhiều kẻ gian, giả làm khách đi lễ, thực hiện hành vi trộm cắp tài sản, đặc biệt là xe máy.

Phương tiện của người dân trước cổng chùa không có người trông giữ
Phương tiện của người dân trước cổng chùa không có người trông giữ

Theo Công an Hà Nội, kẻ gian nhiều khi không có chủ ý trộm cắp vặt, nhưng chính vì người dân quá “hớ hênh” trong việc cất giữ tài sản riêng nên chúng trở nên manh động. Rất nhiều trường hợp chỉ diễn ra chớp nhoáng, khi kẻ trộm nắm bắt được thời cơ thuận lợi, có hành động ăn trộm bột phát chứ không định trước kế hoạch.

Vì trộm cắp theo “ngẫu hứng”, không theo quy luật nào nên việc mật phục, tuần tra của lực lượng chức năng cũng gặp nhiều khó khăn. Một số đình, chùa đã đầu tư cả hệ thống camera giám sát nhưng không gian đình, chùa quá rộng, không thể bao quát hết nên vẫn rất khó khăn trong việc quản lý tài sản của nhân dân.

Mới đây, Công an xã Tam Hưng (huyện Thanh Oai) cho biết đã tiếp nhận một đối tượng trộm cắp tài sản trong 1 chiếc xe SH dựng trước cổng chùa Thái Ân. Theo đó, vào khoảng 10 giờ 30 ngày 3/2, chị C. đã đến chùa Thái Ân ở xã Tam Hưng để lễ và có để chiếc xe máy Honda SH Mode màu xanh ở cổng chùa. Sau đó chị đi vào trong chùa làm lễ, trưa cùng ngày, chị C. ra xe máy mở cốp thì phát hiện đồ đạc bị xáo trộn, kiểm tra phát hiện số tiền để trong cốp 18 triệu đồng đã bị mất.

Ba đối tượng trộm cổ vật ở đền Vân Mộng bị bắt giữ
Ba đối tượng trộm cổ vật ở đền Vân Mộng bị bắt giữ

Công an TP Hà Nội khuyến cáo nhân dân trên địa bàn, dù ở bất cứ đâu, người dân phải cảnh giác cao độ với phương tiện, tài sản của mình. Khi đến các khu vực đình, chùa để tham quan, lễ bái, không có người trông giữ xe, người dân phải có những biện pháp chống trộm để tự bảo vệ tài sản của mình.

Một vụ việc khác, vừa qua, Phòng Cảnh sát hình sự Công an TP Hà Nội, Công an huyện Mỹ Đức đã khám phá vụ trộm cổ vật tại đền Vân Mộng (xã Tuy Lai, huyện Mỹ Đức).

Cơ quan chức năng đã làm rõ và tạm giữ hình sự 3 đối tượng: Phạm Đức Hùng (sinh năm 1980, ở xã Bình Nghĩa, huyện Bình Lục, Hà Nam - có 3 tiền án về tội trộm cắp tài sản, chuyên nhằm vào đền, chùa, các nơi thời tự), Bùi Hữu Đạt (sinh năm 1973 ở huyện Khoái Châu, tỉnh Hưng Yên – “đầu nậu” chuyên mua bán đồ cổ vật, thờ cúng, có 1 tiền án về tội tiêu thụ tài sản do người khác phạm tội mà có) và Nguyễn Mạnh Cường (sinh năm 1979, ở xã Đại Thắng, huyện Phú Xuyên - chuyên mua gom những cổ vật do trộm cắp mà có). Cơ quan chức năng đã thu giữ các cổ vật quan trọng bị mất và đang làm thủ tục bàn giao cho Ban Quản lý đền Vân Mộng.

Các cổ vật ở đền, chùa được đạo chích "gom" được
Các cổ vật ở đền, chùa được đạo chích "gom" được

Tại cơ quan công an, các đối tượng đã khai nhận phương thức, thủ đoạn và “tinh thần thép” khi trộm đồ thờ, cổ vật ở đền chùa. Sở dĩ các đối tượng lựa chọn đền, chùa để thực hiện hành vi trộm cắp là do ở những nơi này, công tác quản lý, bảo vệ chưa thực sự nghiêm ngặt. Nhiều đền, chùa nằm ở những nơi vắng người, xa khu dân cư, tường bao quanh thấp; người trông coi thường nghỉ ngơi ở các gian nhà cách xa, thậm chí có nơi không có người trông coi.

Hơn nữa, các đền, chùa lại là nơi dễ dàng ra vào nên các đối tượng trộm cắp có thể vào thăm dò mà không gây sự chú ý với những người xung quanh, cũng như chính người quản lý tài sản. Trước khi gây án, các đối tượng thường đóng giả làm tín đồ đi lễ, tham quan các nơi thờ tự để tiếp cận cổ vật, hòm công đức, tìm hiểu giờ giấc sinh hoạt, đi lại của người quản lý, trông coi rồi đợi nửa đêm hoặc gần sáng mới đột nhập.

TP Hà Nội là địa bàn tập trung rất nhiều đền, chùa. Để ngăn chặn nạn trộm cắp ở đền chùa, thời gian qua, lực lượng công an các địa phương phối hợp với chính quyền cơ sở tăng cường tuyên truyền về phương thức, thủ đoạn của các đối tượng trộm cắp nhằm nâng cao tinh thần cảnh giác, ý thức tự bảo quản tài sản của người quản lý các đền, chùa và Nhân dân.