KTĐT - Các cơ quan chức năng cần sớm xây dựng và ban hành các quy chuẩn kỹ thuật, vệ sinh an toàn thực phẩm trong chế biến và xây dựng các cơ sở chế biến cà phê.
Ngày 6/11, tại Thành phố Hồ Chí Minh, Hiệp hội càphê cacao Việt Nam (VICOFA) đã tổ chức hội nghị thường niên, bàn phương hướng sản xuất, kinh doanh và xuất khẩu cà phê niên vụ 2009-2010.
Việt Nam đã xuất khẩu càphê đến 88 quốc gia và vùng lãnh thổ, đứng thứ 2 thế giới. Tuy nhiên, theo báo cáo ngày 01/9/2009 của Tổ chức càphê thế giới (ICO) thì 75% càphê Việt Nam không đạt chuẩn CQP (Coffee Quanlity-Improbement Program), trong khi Indonesia chỉ có 9%. Điều này ảnh hưởng đến uy tín và có cớ để người mua trả giá thấp.
Để lấy lại uy tín của càphê Việt Nam trên thị trường xuất khẩu, các đơn vị sản xuất kinh doanh cà phê cần không ngừng nâng cao chất lượng sản phẩm; quan tâm đầy đủ đến vấn đề vệ sinh an toàn thực phẩm, mở rộng diện tích sản xuất càphê theo chuẩn và quy tắc quốc tế…
Các cơ quan chức năng cần sớm xây dựng và ban hành các quy chuẩn kỹ thuật, vệ sinh an toàn thực phẩm trong chế biến và xây dựng các cơ sở chế biến cà phê.
Hiện nay, tổng diện tích trồng cà phê cả nước có khoảng 521.000ha, giảm gần 500ha so năm 2008, trong đó diện tích trồng mới, tái canh, ghép cải tạo khoảng hơn 6.000ha.
Sản lượng cà phê nhân niên vụ 2009-2010 dự kiến đạt trên 1 triệu tấn, giảm khoảng 700 tấn so với niên vụ trước. Nguyên nhân sản lượng giảm là do thời tiết mưa bão, nhất là cơn bão số 9 đã gây tổn thất cho một số vùng trồng càphê ở Tây Nguyên, với diện tích bị ảnh hưởng khoảng 7.000ha.
Với hơn nửa triệu ha cà phê hiện nay, trong đó có một diện tích khá lớn cây cà phê đã đi vào già cỗi, năng suất giảm, Hiệp hội cà phê cacao Việt Nam cùng với các đơn vị sản xuất đang có kế hoạch phục hồi bằng cách tạo hình trẻ lại hoặc trồng mới thay thế.
Trong 9 tháng đầu năm 2009, xuất khẩu càphê đạt 880.000 tấn, kim ngạch xuất khẩu đạt 1,3 tỷ USD. Dự kiến cả năm 2009, xuất khẩu đạt 1,15 triệu tấn, kim ngạch xuất khẩu đạt khoảng 1,75 tỷ USD. So với năm 2008, xuất khẩu cà phê năm 2009 tăng 14,9% về lượng nhưng giảm 19,2% về giá do tác động của khủng hoảng kinh tế thế giới.
Hội nghị đánh giá cao gói kích cầu của Chính phủ đã hỗ trợ ngành sản xuất cà phê; đồng thời kiến nghị Chính phủ hỗ trợ vốn cho doanh nghiệp nhận cà phê của dân đưa vào kho dự trữ với lãi suất ưu đãi, để điều tiết bán ra theo nhu cầu thị trường.
Hội nghị cũng nêu các giải pháp hỗ trợ, như tăng cường hoạt động của Câu lạc bộ Các nhà xuất khẩu cà phê hàng đầu Việt Nam để trao đổi thông tin, kinh nghiệm, nâng cao chất lượng cà phê xuất khẩu, bảo vệ lợi ích của các nhà sản xuất và xuất khẩu cà phê./.