Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

“Lấy phiếu tín nhiệm một lần trong mỗi nhiệm kỳ”

Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Quốc hội, HĐND tổ chức lấy phiếu tín nhiệm một lần trong mỗi nhiệm kỳ vào kỳ họp...

Kinhtedothi - Quốc hội, HĐND tổ chức lấy phiếu tín nhiệm một lần trong mỗi nhiệm kỳ vào kỳ họp thường lệ cuối năm thứ ba của nhiệm kỳ. Đối với thời gian còn lại của nhiệm kỳ 2011-2016, Quốc hội (QH), HĐND tiếp tục tổ chức lấy phiếu tín nhiệm vào kỳ họp thường lệ cuối năm 2014. Đây là một trong những điểm mới tại dự thảo về việc lấy phiếu tín nhiệm, bỏ phiếu tín nhiệm đối với người giữ chức vụ do QH, HĐND bầu hoặc phê chuẩn (sửa đổi).

Theo Tờ trình về việc sửa đổi, bổ sung Nghị quyết 35/2012/QH13 của QH về việc lấy phiếu tín nhiệm, bỏ phiếu tín nhiệm đối với người giữ chức vụ do QH, HĐND bầu hoặc phê chuẩn, kết quả lấy phiếu tín nhiệm ở QH, HĐND lần đầu trong cả nước cho thấy, việc tổ chức lấy phiếu tín nhiệm là đúng đắn, cần thiết và phù hợp với chủ trương của Đảng, quy định của Hiến pháp, pháp luật và yêu cầu phát triển của nước ta trong giai đoạn mới; đồng thời là bước tiến quan trọng trong hoạt động giám sát của QH, HĐND.
Các đại biểu HĐND TP.Hà Nội thực hiện việc lấy phiếu tín nhiệm.
Các đại biểu HĐND TP.Hà Nội thực hiện việc lấy phiếu tín nhiệm.
Nhìn chung, việc tổ chức lấy phiếu tín nhiệm đã đạt được mục đích, yêu cầu đặt ra, được chỉ đạo chặt chẽ, tiến hành nghiêm túc, thận trọng, khách quan, đúng pháp luật và được đông đảo cán bộ, nhân dân quan tâm, đồng tình, ủng hộ. Kết quả phiếu tín nhiệm cơ bản phản ánh đúng mức độ tín nhiệm của từng người tại thời điểm lấy phiếu; có tác dụng thiết thực đối với người được lấy phiếu, giúp họ tự điều chỉnh trong thực hiện chức trách, nhiệm vụ được giao và tu dưỡng phẩm chất chính trị, đạo đức, lối sống. Đây thực sự là một kênh thông tin quan trọng để các cơ quan, tổ chức có thẩm quyền xem xét mức độ tín nhiệm và đánh giá cán bộ chính xác hơn.

Tuy nhiên, do đây là lần đầu tiên QH, HĐND tổ chức lấy phiếu tín nhiệm, chưa có tiền lệ, vừa làm vừa rút kinh nghiệm nên việc quy định và quá trình tổ chức thực hiện còn những hạn chế, vướng mắc… Để đáp ứng yêu cầu của thực tiễn, việc sửa đổi, bổ sung Nghị quyết số 35 là cần thiết nhằm tiếp tục hoàn thiện nội dung, quy trình, thủ tục lấy phiếu tín nhiệm, bỏ phiếu tín nhiệm để thực hiện thống nhất, đồng bộ trong hệ thống chính trị ở Việt Nam.

Về đối tượng lấy phiếu tín nhiệm, Ủy ban pháp luật (QH khóa XIII) cho biết, đa số thành viên UB pháp luật đồng tình với việc tiếp tục giữ phạm vi những người được lấy phiếu tín nhiệm tại QH và HĐND như đã quy định tại Nghị quyết số 35, bởi ngay từ tên gọi của Nghị quyết đã xác định rõ đây là việc lấy phiếu tín nhiệm đối với người giữ chức vụ do QH, HĐND bầu hoặc phê chuẩn. Việc đánh giá, lấy phiếu tín nhiệm đối với các chức danh thủ trưởng các cơ quan chuyên môn thuộc UBND cấp tỉnh, cấp huyện sẽ được thực hiện theo quy định khác của pháp luật về cán bộ, công chức và các quy định về việc lấy phiếu tín nhiệm đối với cán bộ, công chức trong các cơ quan, tổ chức thuộc hệ thống chính trị.

Đối với thời hạn và thời điểm lấy phiếu tín nhiệm, UB pháp luật nhất trí với đề xuất sửa đổi thời hạn và thời điểm lấy phiếu tín nhiệm như trong dự thảo Nghị quyết là: Tổ chức lấy phiếu tín nhiệm một lần vào năm thứ ba của mỗi nhiệm kỳ, riêng đối với nhiệm kỳ 2011-2016 tiếp tục tổ chức lấy phiếu tín nhiệm vào kỳ họp cuối năm 2014. Quy định tổ chức lấy phiếu tín nhiệm mỗi nhiệm kỳ một lần bảo đảm cơ chế giám sát, đánh giá cán bộ, vừa tạo điều kiện để cán bộ có đủ thời gian thể hiện năng lực, trình độ của mình, đồng thời tạo điều kiện để cơ quan có thẩm quyền chuẩn bị điều chỉnh hoặc thay thế cán bộ khi cần thiết.

Về mức độ tín nhiệm thể hiện trên phiếu, đa số ý kiến trong UB pháp luật nhất trí với việc tiếp tục quy định 3 mức độ đánh giá tín nhiệm đối với việc lấy phiếu tín nhiệm như đã quy định trong Nghị quyết số 35 là “tín nhiệm cao”, “tín nhiệm”, “tín nhiệm thấp”. Tuy nhiên, tùy theo kết quả công tác, hoàn thành nhiệm vụ và phẩm chất đạo đức, lối sống của mỗi người mà mức độ tín nhiệm ở từng thời điểm có thể khác nhau.

Việc lấy phiếu tín nhiệm có thể coi như bước kiểm tra lại mức độ tín nhiệm mà đại biểu QH, đại biểu HĐND dành cho người giữ chức vụ được lấy phiếu tín nhiệm nhằm giúp những những người này nhận biết được mức độ tín nhiệm đối với mình để có cơ sở phấn đấu, nâng cao chất lượng và hiệu quả hoạt động của bản thân.

Trong bước bỏ phiếu tín nhiệm, đại biểu QH, đại biểu HĐND phải thể hiện rõ thái độ “tín nhiệm” hay “không tín nhiệm” đối với người giữ chức vụ mà QH, HĐND đã bầu hoặc phê chuẩn. Đây chính là điểm khác biệt giữa quy trình lấy phiếu tín nhiệm và bỏ phiếu tín nhiệm tại QH, HĐND.

Về hệ quả đối với người được lấy phiếu tín nhiệm, các ý kiến này đề nghị cân nhắc cả phương án đơn giản bớt thủ tục đối với người có trên 2/3 tổng số đại biểu đánh giá “tín nhiệm thấp” thì không cần bỏ phiếu tín nhiệm mà chuyển ngay sang quy trình xem xét miễn nhiệm hoặc phê chuẩn đề nghị miễn nhiệm chức vụ đối với người đó.
Thực hiện Nghị quyết của QH, tại kỳ họp thứ 5, QH khóa XIII đã tổ chức lấy phiếu tín nhiệm đối với 47 người giữ chức vụ do QH bầu hoặc phê chuẩn. Kết quả lấy phiếu tín nhiệm: số người có tỷ lệ phiếu “tín nhiệm cao” đạt từ 50% trở lên có 18 người, bằng 38,3%; số người có tỷ lệ phiếu “tín nhiệm” đạt từ 50% trở lên có 29 người, bằng 61,7%; số người có tỷ lệ phiếu “tín nhiệm thấp” từ 50% trở lên: không có người nào.

Ở cấp tỉnh: HĐND 63 tỉnh, thành phố đã tiến hành lấy phiếu tín nhiệm đối với 907 người. Kết quả: số người có tỷ lệ phiếu “tín nhiệm cao” từ 50% trở lên có 689 người, bằng 76%; số người có tỷ lệ phiếu “tín nhiệm” từ 50% trở lên là 216 người, bằng 24,78%; số người có tỷ lệ phiếu “tín nhiệm thấp” trên 50% có 2 người, bằng 0,22%.

Ở cấp huyện: HĐND đã tiến hành lấy phiếu tín nhiệm đối với 6.664 người. Kết quả: số người có tỷ lệ phiếu “tín nhiệm cao” từ 50% trở lên có 4.871 người, bằng 73%; số người có tỷ lệ phiếu “tín nhiệm” từ 50% trở lên là 178 người, bằng 26,8%; số người có tỷ lệ phiếu “tín nhiệm thấp” trên 50% có 12 người, bằng 0,2%.

Ở cấp xã: HĐND đã tiến hành lấy phiếu tín nhiệm đối với 58.488 người. Kết quả: số người có tỷ lệ phiếu “tín nhiệm cao” từ 50% trở lên có 36.236 người, bằng 62%; số người có tỷ lệ phiếu “tín nhiệm” từ 50% trở lên là 21.803 người, bằng 37,24%; số người có tỷ lệ phiếu “tín nhiệm thấp” trên 50% có 449 người, bằng 0,76%.