Nhiều chỉ số nổi bật
Theo báo cáo Tình hình, kết quả thực hiện Kế hoạch số 64/KH-UBND ngày 1/3/2023 về Ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động của cơ quan Nhà nước, phát triển Chính quyền điện tử hướng tới chính quyền số và đảm bảo an toàn thông tin mạng TP Hà Nội năm 2023, hiện các đơn vị đang triển khai 25/28 chỉ tiêu (bổ sung 6 chỉ tiêu), hoàn thành 5/102 nhiệm vụ và đang triển khai 82 nhiệm vụ.
Về mặt hoàn thiện cơ chế, chính sách, từ đầu năm 2023, UBND TP đã ban hành nhiều văn bản quan trọng nhằm kiện toàn, hợp nhất Ban Chỉ đạo chuyển đổi số TP thành Ban Chỉ đạo cải cách hành chính (CCHC), chuyển đổi số TP Hà Nội và ban hành quy chế hoạt động, phân công nhiệm vụ thành viên Ban chỉ đạo đảm bảo công tác chỉ đạo thống nhất, tổng thể, thể hiện rõ trách nhiệm của từng ngành trong công tác CCHC, chuyển đổi số của TP.
Đồng thời, xây dựng, ban hành các quy chế quản lý, vận hành, khai thác các hệ thống thông tin (HTTT)/cơ sở dữ liệu (CSDL) của TP. Xây dựng Kế hoạch triển khai các nhiệm vụ của các ngành liên quan đến xây dựng chính quyền số, chuyển đổi số theo lĩnh vực phụ trách. Quyết định về việc bổ sung mã định danh điện tử của các cơ quan, đơn vị thuộc, trực thuộc UBND TP Hà Nội để phục vụ kết nối, chia sẻ dữ liệu giữa các HTTT/CSDL của TP và với các HTTT/CSDL của các Bộ, ngành. Kế hoạch chuyển đổi số xây dựng TP Hà Nội thông minh đến năm 2025, định hướng đến năm 2030.
Đối với phát triển dữ liệu, các HTTT, CSDL trong các ngành, lĩnh vực: giao thông - vận tải, xây dựng, nông nghiệp, đầu tư, tài chính,.... được TP giao các Sở, ngành triển khai theo hướng tập trung, phục vụ yêu cầu nghiệp vụ, chia sẻ, khai thác thông tin theo quy định. Có thể kể đến như: Lĩnh vực Giao thông - vận tải tiếp tục giám sát hoạt động của hệ thống xe buýt trên địa bàn TP bằng thiết bị GPS và ứng dụng công nghệ RFID trong quản lý, điều hành; Lĩnh vực Xây dựng bước đầu triển khai các hệ thống phần mềm và CSDL chuyên ngành nhằm kiểm soát và xử lý công trình vi phạm trật tự xây dựng, đất đai, các khu vực có tranh chấp, khiếu kiện về xây dựng đất đai …
Để phục vụ người dân và doanh nghiệp, các Sở, ban, ngành, UBND các quận, huyện, thị xã và xã, phường, thị trấn tiếp tục duy trì vận hành khai thác Trang/Cổng thông tin điện tử phục vụ yêu cầu cung cấp thông tin phục vụ người dân, doanh nghiệp theo quy định. Hệ thống thông tin giải quyết TTHC đã được xây dựng và đưa vào vận hành thử tại các đơn vị trực thuộc TP từ ngày 11/4/2023. Toàn bộ các dữ liệu của công dân, doanh nghiệp bao gồm thành phần hồ sơ, kết quả giải quyết được số hóa, xác thực bằng chữ ký số của công dân, tổ chức, doanh nghiệp sẽ lưu trữ trên kho dữ liệu của công dân, tổ chức, doanh nghiệp, cho phép công dân, doanh nghiệp được sử dụng lại các dữ liệu trên kho để thực hiện các TTHC lần sau theo đúng quy định.
Đã kết nối Cổng dịch vụ công quốc gia, CSDL quốc gia về Dân cư, Hệ thống Cổng thanh toán trực tuyến quốc gia, các HTTT/CSDL các Bộ, ngành: Bộ Tư pháp (4 hệ thống), Bộ Kế hoạch và Đầu tư (CSDL Doanh nghiệp), Bảo hiểm việt Nam (CSDL Bảo hiểm); Đã kết nối với VNPost thực hiện tiếp nhận và trả kết quả theo hệ thống Bưu điện công ích; Kết nối tổng đài, tin nhắn SMS Brandname phục vụ cho Hệ thống nhắn tin đối với người dân, doanh nghiệp khi thực hiện giải quyết các thủ tục hành chính.
Việc khai thuế điện tử đã được áp dụng phổ biến với tỷ lệ 99,5% doanh nghiệp đang hoạt động khai thuế qua mạng; trên 99,1% doanh nghiệp thực hiện nộp thuế điện tử. 100% hồ sơ hoàn thuế được xử lý điện tử. Trên 1.106 lượt hỏi đáp của doanh nghiệp, người nộp thuế trên địa bàn qua hệ thống 479 kênh hỗ trợ điện tử đã được tiếp nhận, xử lý kịp thời. Triển khai ứng dụng eTax Mobile đáp ứng nhu cầu tra cứu, nộp thuế trên thiết bị thông minh của người nộp thuế với tổng số lượng tài khoản sử dụng là 183.430.
TP cũng đã triển khai đồng bộ chữ ký số trên các hệ thống (Hệ thống quản lý văn bản và điều hành, Hệ thống thông tin giải quyết thủ tục hành chính, Hệ thống thông tin báo cáo) phục vụ xử lý công việc trên môi trường mạng và dịch vụ công trực tuyến. Đến nay đã cấp được 12.188 chữ ký số cho cán bộ, công chức thuộc TP.
Tổ chức duy trì, vận hành kênh tiếp nhận phản ánh, kiến nghị của người dân về quy định hành chính thông qua ứng dụng Zalo nhằm góp phần nâng cao chỉ số cải cách hành chính (PAR INDEX) và chỉ số hài lòng của người dân, doanh nghiệp đối với sự phục vụ của các cơ quan nhà nước (SIPAS). Kết quả, qua kênh Zalo đã tiếp nhận 257 phản ánh kiến nghị (PAKN), trong đó: 139/257 PAKN liên quan đến công tác giải quyết TTHC đã được chuyển đến cơ quan chuyên môn để giải quyết và phản hồi cho người dân, doanh nghiệp, tỷ lệ hoàn thành 100%; 118 PAKN liên quan tới khiếu nại, tố cáo, các phản ánh về môi trường, rác thải, ô nhiễm...
Về đảm bảo an toàn thông tin mạng, UBND TP đã ban hành quy chế bảo đảm an toàn thông tin mạng trong hoạt động của cơ quan nhà nước TP Hà Nội. Hướng dẫn, thông tin cảnh báo, đảm bảo ATTT, khắc phục sự cố ATTT mạng cho đội ngũ chuyên trách CNTT của TP. Thường xuyên theo dõi và cảnh báo các cơ quan, đơn vị của TP khi phát hiện IP nằm trong mạng botnet. Tổng hợp, đề nghị Cục An toàn thông tin gán nhãn tín nhiệm mạng cho 189 trang, cổng thông tin điện tử của các cơ quan TP Hà Nội.
Tập trung làm hài lòng người dân, doanh nghiệp
Đánh giá về những điểm hạn chế trong quá trình triển khai chuyển đổi số trên địa bàn, Phó Chủ tịch UBND TP Hà Minh Hải cho rằng, mặc dù TP có nhiều kế hoạch, chương trình nhưng vẫn có sự chồng chéo, không tập chung, nhiều nội dung nằm rải rác ở các chương trình khác. Việc ban hành các kế hoạch vẫn mang định tính rất nhiều, không phân công rõ đầu mối chủ trì, thực hiện, giao nhiệm vụ mà không biết bên nào thực hiện.
Trong thời gian tới các đơn vị cần khắc phục ngay tình trạng nói trên. Khi ban hành kế hoạch cần xác định rõ người, rõ việc, rõ tiến độ hoàn thành. TP sẽ đưa những nội dung chuyển đổi số lên hệ thống báo cáo trực tuyến để thể hiện rõ lộ trình triển khai các chương trình, kế hoạch của từng đơn vị, từ đó sẽ có điều chỉnh, tháo gỡ các khó khăn một cách kịp thời.
Theo ông Hà Minh Hải, các công việc của chuyển đổi số còn rất nhiều, thay vì chỉ nhìn vào các kế hoạch dài hạn thì cần tập trung triển khai ngay từ những việc dễ đầu tiên, cái gì làm được thì cần làm ngay. Mục tiêu hàng đầu là tập trung làm hài lòng người dân và doanh nghiệp. Chuyển đổi số không chỉ là đầu tư thay đổi công nghệ mà việc đưa ra quy trình mới nhằm rút ngắn thời gian thực hiện các thủ tục hành chính của người dân và doanh nghiệp đó chính là chuyển đổi số.
Cũng theo Phó Chủ tịch UBND TP Hà Minh Hải, trong quá trình thực hiện chuyển đổi số, các đơn vị cần xác định rõ phần nào là TP làm, phần nào có thể xã hội hóa. Nếu tất cả mọi việc TP đều làm thì sẽ không đủ nguồn lực, quan điểm của TP là nếu không xã hội hóa được thì TP mới thực hiện. Tuy nhiên, phần lõi như quy trình, yêu cầu, giá trị cốt lõi phải của TP, xã hội hóa chỉ tập trung vào các giải pháp công nghệ để thực hiện theo yêu cầu. Để làm được điều này, vai trò của người đứng đầu các đơn vị rất quan trọng, đây là những người biết rõ nhất mỗi đơn vị cần làm gì để chuyển đổi số hiệu quả.
Liên quan tới nội dung TP thông minh, Phó Chủ tịch UBND TP Hà Minh Hải lưu ý, Hà Nội rất đặc thù khi có trên 50% là các huyện nông thôn vậy cần xác định cụ thể tiêu chí TP thông minh đối với Thủ đô là như thế nào? Các nội dung liên quan tới TP thông minh cần xây dựng và đánh giá kỹ. Dự kiến, TP sẽ xây dựng 3 trung tâm quan trọng và hình thành lõi của TP thông minh, gồm: Trung tâm thông tin điện tử; Trung tâm giao thông thông minh (trên cơ sở tích hợp trung tâm điều hành giao thông của Sở GTVT và Công an Hà Nội); Trung tâm quản lý hạ tầng đô thị.
Đối với mục tiêu mà Kế hoạch số 64/KH-UBND đã đề ra, Phó Chủ tịch UBND TP Hà Minh Hải yêu cầu các đơn vị phải tập trung tăng cường triển khai từ nay cho đến cuối năm. Việc cấp bách thì làm trước, việc chưa cấp bách thì cần có lộ trình triển khai cụ thể. Tất cả trên tình thần xác định rõ mục tiêu và thời điểm hoàn thành. Ưu tiên lựa chọn giải quyết các vấn đề mới, nổi cộm, mới phát sinh của doanh nghiệp và người dân.
Riêng đối với công tác truyền thông về chuyển đổi số, Phó Chủ tịch UBND TP Hà Minh Hải nhấn mạnh đây là khâu rất quan trọng. Các đơn vị báo chí của TP, đặc biệt là báo Kinh tế & Đô thị, Đài truyền hình Hà Nội cần phản ánh những trường hợp điển hình về chuyển đổi số trên cả nước để Hà Nội lấy đó làm kinh nghiệm học tập, cũng như đăng tải những kết quả nổi bật mà Thủ đô đã có được trong quá trình chuyển đổi này. Các loại hình truyền thông cũng cần đa dạng từ báo in, báo điện tử, truyền hình cho đến tổ chức hội thảo, sự kiện … để làm nổi bật lên những lợi ích của chuyển đổi số, luôn lấy sự hài lòng của người dân và doanh nghiệp làm trọng tâm.