Theo đánh giá chung, Đề án "Chủ trương, giải pháp chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu, đẩy mạnh công tác bảo vệ tài nguyên, môi trường" là quyết sách quan trọng liên quan tới sự phát triển của đất nước trong tương lai. Vì vậy, một số ý kiến cho rằng cần bổ sung, làm rõ quan điểm chủ đạo phát triển bền vững là tất yếu trong Đề án.
Toàn cảnh Hội thảo. Ảnh: VGP/Nguyên Linh
Tại hội thảo, các chuyên gia, nhà khoa học đã đề cập tới những nội dung quan trọng của dự thảo Đề án, từ phạm vi, tên gọi của Đề án, vấn đề nhận thức, nhìn nhận của các cấp, của người dân về ứng phó với biến đổi khí hậu, vấn đề xây dựng pháp luật, các cơ chế trong triển khai đến các giải pháp quy hoạch, dự án công nghệ, dự án.
Nhiều ý kiến đóng góp những góc nhìn mới trong bài toán tài nguyên, môi trường, cung cấp những kịch bản với hệ thống số liệu, khoa mới học về hiện trạng từng vùng, nhất là đồng bằng sông Cửu Long và sông Hồng trong điều kiện biến đổi khí hậu.
Theo các nhà khoa học, Đề án cần tiếp cận thêm những vấn đề mới trong bài toán thích ứng biến đổi khí hậu, quản lý tài nguyên, bảo vệ môi trường, nhất là vấn đề ứng dụng những công nghệ mới, thân thiện với tự nhiên, phát triển chủ trương kinh tế xanh. Nâng cao vai trò các trung tâm khoa học, các doanh nghiệp và giáo dục ngay từ hệ thống trường học các cấp.
Một số ý kiến đáng chú ý khác đóng góp về việc chuẩn bị các văn bản pháp luật để kịp thời thể chế hoá các quyết sách của Đảng trong Đề án; có chính sách phân loại tài nguyên để có những chủ trương, chính sách riêng, phù hợp, bổ sung những tài nguyên, lĩnh vực mới.
Phát biểu tại hội thảo, Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải nhấn mạnh với sự tham gia của các nhà khoa học hàng đầu trên nhiều lĩnh vực, các ý kiến trong Hội thảo sẽ là nguồn tham khảo chuyên môn quan trọng để các cơ quan soạn thảo xây dựng, hoàn thiện Đề án để trình Hội nghị Trung ương 7 (khoá XI) sắp tới.