Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Lấy ý kiến Nhân dân về Dự án Bộ luật Dân sự (sửa đổi)

Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Bộ trưởng Bộ Tư pháp Hà Hùng Cường phát biểu tại phiên họp. Ảnh: TTXVN

Ngày 23/12, Ủy ban Thường vụ (UBTV) Quốc hội đã thảo luận về Dự án Bộ luật Dân sự (sửa đổi) đã được tiếp thu, chỉnh lý theo ý kiến ĐB Quốc hội tại Kỳ họp thứ 8 để chuẩn bị lấy ý kiến Nhân dân và Dự thảo Nghị quyết về việc tổ chức lấy ý kiến Nhân dân đối với dự án Bộ luật này.

 
Bộ trưởng Bộ Tư pháp Hà Hùng Cường phát biểu tại phiên họp. Ảnh: TTXVN
Kinhtedothi - Bộ trưởng Bộ Tư pháp Hà Hùng Cường phát biểu tại phiên họp. Ảnh: TTXVN
 
Cùng ngày, trước khi bế mạc Phiên họp thứ 33, UBTV Quốc hội đã cho ý kiến vào việc chuẩn bị bước đầu cho Kỳ họp thứ 9, Quốc hội khóa XIII. Theo Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc, Kỳ họp thứ 9 dự kiến khai mạc vào ngày 20/5/2015 và bế mạc vào ngày 25/6/2015, Quốc hội sẽ dành 21 ngày để bàn về công tác xây dựng pháp luật, dự kiến sẽ xem xét thông qua 11 Dự án luật, một dự thảo nghị quyết và cho ý kiến về 15 Dự án luật. Quốc hội cũng sẽ dành thời gian để thực hiện giám sát chuyên đề "Tình hình oan, sai trong việc áp dụng pháp luật về hình sự, tố tụng hình sự và việc bồi thường thiệt hại cho người bị oan trong hoạt động tố tụng hình sự theo quy định của pháp luật".
Theo Bộ trưởng Bộ Tư pháp Hà Hùng Cường, sau khi chỉnh lý một bước, Dự án Bộ luật vẫn còn nhiều vấn đề lớn có ý kiến trái chiều. Như về hình thức sở hữu, Bộ luật Dân sự hiện hành quy định 6 hình thức sở hữu. Dự án Bộ luật Dân sự (sửa đổi) quy định 2 phương án về hình thức sở hữu. Theo đó, phương án 1 quy định hình thức sở hữu trong Bộ luật Dân sự bao gồm sở hữu toàn dân, sở hữu riêng và sở hữu chung. Phương án 2 chỉ có sở hữu riêng và sở hữu chung, trong đó, sở hữu toàn dân thuộc hình thức sở hữu chung hợp nhất không thể phân chia do Nhà nước đại diện chủ sở hữu và thống nhất quản lý. Về quyền nhân thân, Dự án Bộ luật sửa đổi và bổ sung một số quyền nhân thân được quy định trong Hiến pháp năm 2013 (quyền lập hội, quyền tiếp cận thông tin, quyền sống, quyền được bảo đảm an toàn tính mạng, sức khỏe, thân thể, quyền được bảo đảm an toàn về đời sống riêng tư, bí mật cá nhân...), đồng thời bổ sung một điều khoản chung về các quyền nhân thân khác.

Vấn đề này cũng có 2 loại ý kiến khác nhau. Loại ý kiến thứ nhất cho rằng không nên quy định theo cách liệt kê tất cả các quyền nhân thân của cá nhân mà chỉ nên quy định những quyền nhân thân của cá nhân trong các quan hệ dân sự. Loại ý kiến thứ hai nhất trí với quy định như trong Dự án Bộ luật...
Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng và các thành viên UBTV Quốc hội đồng tình những vấn đề lớn còn ý kiến khác nhau cần đưa ra các phương án để lấy ý kiến Nhân dân. Tuy nhiên, việc lập luận phải thuyết phục, rõ ràng với tinh thần khách quan. Ngoài ra, có ý kiến đề nghị lưu ý quy định các hình thức sở hữu để tránh việc gom các hình thức dẫn đến có sự lẫn lộn giữa chế độ sở hữu và hình thức sở hữu. Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính - Ngân sách của Quốc hội Phùng Quốc Hiển đề nghị quy định hình thức sở hữu Nhà nước, sở hữu chung (có thể bao gồm tập thể), sở hữu tư nhân (không nên dùng sở hữu riêng). Nên tiếp thu luật hiện hành.

Về thời gian lấy ý kiến Nhân dân, nhiều ý kiến trong UBTV Quốc hội cho rằng, thời gian lấy ý kiến bắt đầu từ 15/1/2015 và kết thúc vào 31/3/2015 như dự kiến ban đầu của cơ quan soạn thảo là ngắn, khó đảm bảo hiệu quả, và đề xuất kéo dài thời gian lấy ý kiến lên 3 tháng. Tiếp thu ý kiến này, Bộ trưởng Bộ Tư pháp Hà Hùng Cường cho biết, sẽ bắt đầu lấy ý kiến từ 5/1 - 5/4/2015.  Đầu mối chủ trì lấy ý kiến gồm Chính phủ, (gồm bộ, ngành, địa phương), Ủy ban T.Ư MTTQ Việt Nam (tập hợp ý kiến của các tổ chức thành viên, các hội luật gia...), Tòa án Nhân dân, Viện Kiểm sát Nhân dân.

 Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng nhấn mạnh, đây chỉ là thời hạn quy định để cơ quan soạn thảo kịp tập hợp, chỉnh lý Dự án Bộ luật để trình UBTV Quốc hội và Quốc hội xem xét tại Kỳ họp thứ 9, còn sau mốc thời gian này, cơ quan soạn thảo vẫn phải tiếp tục tiếp thu, tổng hợp ý kiến của Nhân dân với tinh thần cầu thị, chắt lọc, khách quan. Việc lấy ý kiến chỉ kết thúc khi Quốc hội thông qua Bộ luật.

Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội Phan Trung Lý cũng cho rằng, từ kinh nghiệm của các lần lấy ý kiến Nhân dân trước đây, Chính phủ cần có hướng dẫn cụ thể đối với các ngành, các cấp, các địa phương để bảo đảm việc lấy ý kiến thiết thực, hiệu quả, tránh lãng phí, đặc biệt cần đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến thông qua các hình thức điện tử. Việc hướng dẫn cũng cần lưu ý tránh trùng lặp, đồng thời trong quá trình triển khai cần có biện pháp chống lợi dụng việc tổ chức lấy ý kiến Nhân dân để gây rối an ninh trật tự, an toàn xã hội.
Thông qua Pháp lệnh Cảnh sát môi trường

Chiều 23/12, UBTV Quốc hội đã thông qua Pháp lệnh Cảnh sát môi trường (CSMT). Theo đó, CSMT có quyền điều tra các tội phạm về môi trường và tài nguyên, an toàn thực phẩm có liên quan đến môi trường theo quy định của pháp luật. Đồng thời, có quyền yêu cầu cơ quan, tổ chức, cá nhân cung cấp thông tin, tài liệu, đồ vật liên quan đến tội phạm, vi phạm hành chính về môi trường và tài nguyên, an toàn thực phẩm có liên quan đến môi trường theo quy định của pháp luật.

Theo Pháp lệnh, cán bộ, chiến sĩ CSMT ngoài việc được hưởng chế độ chính sách theo quy định của Luật Công an Nhân dân, còn được hưởng chế độ độc hại, trang bị phương tiện bảo hộ phòng, chống độc hại theo quy định của pháp luật. Đáng chú ý, cơ quan, tổ chức, cá nhân tham gia, phối hợp, cộng tác, giúp đỡ CSMT trong thực hiện nhiệm vụ có thành tích thì được khen thưởng, bị tổn hại về danh dự thì được khôi phục, bị thiệt hại về tài sản thì được đền bù; người bị thương tích, tổn hại về sức khỏe, tính mạng thì bản thân và gia đình được hưởng chế độ, chính sách theo quy định của pháp luật.