KTĐT - Mỗi năm, Việt Nam có khoảng 75.000 - 85.000 lao động đi xuất khẩu hết hạn hợp đồng. Sau khi về nước, nhiều người không tìm được việc làm phù hợp.
Không tính đối tượng tu nghiệp sinh - những người có vốn ngoại ngữ, được qua đào tạo tay nghề (chiếm 10% số lao động xuất khẩu), hầu hết những người khi hết hạn hợp đồng đều không thể tìm được công việc mới. Chính sách giải quyết công ăn việc làm “hậu” XKLĐ mới chỉ ở khâu “nghiên cứu”.
Mỗi năm, Việt Nam có khoảng 75.000 - 85.000 lao động đi xuất khẩu hết hạn hợp đồng. Sau khi về nước, nhiều người không tìm được việc làm phù hợp.
Trên không tỏ, dưới chẳng thông
Cuốn theo phong trào xuất ngoại tìm cơ hội đổi đời, anh Nguyễn Văn Quyết (Quang Minh, Kiến Xương, Thái Bình) vét sạch số tiền trong nhà để đăng ký đi XKLĐ tại Hàn Quốc. Tuy nhiên, trong suốt bốn năm trời nơi đất khách quê người, anh bị điều chuyển tới bốn quốc gia (từ Hàn Quốc sang Singapore, Nhật Bản và Malaysia) và không thể tìm được công việc như mong muốn.
Tới Malaysia, anh trụ được 9 tháng và cuối cùng đành phải ngậm ngùi xách hành lý về nước. Số tiền ít ỏi kiếm được chỉ đủ để anh nâng cấp căn nhà cấp 4 thành mái bằng. “Tới mỗi nước, tôi lại được tuyển vào làm một nghề khác. Nói là nghề nhưng cũng chỉ làm một công đoạn rất nhỏ, không được đào tạo cơ bản. Vì thế, thu nhập chẳng đáng là bao”, anh Quyết cho hay. Về nước, không biết làm gì, anh đành quay lại nghề nông.
Không phải về nước trước thời hạn, trong ba năm làm công nhân cho Công ty Toyota tại Nhật Bản, anh Nguyễn Đăng Đạt (Thuận Thành, Bắc Ninh) thường xuyên gửi tiền về quê, tổng cộng đủ để xây nhà mới. Anh yên tâm với lời hứa hẹn của đơn vị môi giới XKLĐ rằng, họ sẽ tạo điều kiện cho anh có công việc ổn định đúng với chuyên ngành được đào tạo sau khi về nước. “Vậy mà khi bước chân ra sân bay, họ đã quay lưng, cắt đứt mọi quan hệ với mình”, anh Đạt nói.
Mặc dù có bằng sơ cấp tiếng Nhật và chứng chỉ bảo dưỡng máy do phía Nhật Bản cấp, nhưng anh vẫn không thể tìm được việc làm phù hợp. “Sau ba năm quay về, trình độ dở dang, trên không tỏ, dưới chẳng thông. Tôi thật sự hoang mang, hụt hẫng”, anh nói. Hiện, anh phải bỏ tiền đi học lái xe mong kiếm được việc làm. Trong nhóm 8 người về cùng đợt với anh, một chuyển nghề lái taxi, ba làm thợ xây, bốn vẫn long đong chưa có việc.
Thiếu thông tin định hướng
Theo nhiều chuyên gia, kinh nghiệm từ Philippines cho thấy, lao động đi xuất khẩu đều chuyển ngoại tệ về nước qua kênh ngân hàng. Ngay từ khi lao động xuất cảnh, họ đã được định hướng để đầu tư vào lĩnh vực nào với số tiền kiếm được để thu lãi.
Trong khi đó, theo ông Đào Công Hải, Phó Cục trưởng Cục Quản lý lao động ngoài nước (Bộ LĐ-TB-XH), hầu như lao động Việt Nam sau khi về nước đều dùng số tiền kiếm được vào các công việc cụ thể như sửa nhà, trang trải nợ nần… “Chúng tôi đang nghiên cứu để tới đây phối hợp với phía ngân hàng, tài chính định hướng cho lao động. Để làm sao, ngoài nguồn chi bắt buộc cho gia đình, lao động có thể sử dụng nguồn vốn một cách hiệu quả hơn”, ông Hải cho biết.
Tuy nhiên, ông cũng thừa nhận, đây không phải là việc đơn giản bởi phần lớn người đi XKLĐ đều có hoàn cảnh khó khăn, phải ưu tiên trước hết cho kinh tế gia đình. Trong khi đó, việc cung cấp thông tin giúp lao động có kiến thức nhất định về mô hình hoạt động kinh tế gia đình sau khi về nước vẫn chưa được triển khai. Cục Quản lý lao động ngoài nước mới chỉ đề nghị Phòng Thương mại & Công nghiệp Việt Nam.