|
Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Ngô Thị Thanh Hằng thăm hỏi các tình nguyện viên tham gia hiến máu nhân đạo. Ảnh: Dương Ngọc |
Có mặt tại Lễ hội Xuân hồng lần thứ X, ông Lê Trung Truyền (57 tuổi) có nụ cười đôn hậu, giọng nói chất phác chia sẻ, 18 thành viên (trừ vợ ông) cùng các con trai, con gái, con dâu, con rể, các em gái, em trai… thường xuyên hiến máu. Riêng ông đã có 15 lần hiến máu, mỗi năm các thành viên hiến máu đều đặn 3 lần/năm. Lần này, gia đình có 11 người đến lễ hội hiến máu. Họ đi từ Văn Giang, Hưng Yên lên Hà Nội bằng xe máy để tiện lợi và nhanh chóng. 4 năm nay, từ khi biết đến lễ hội, ông Truyền đều rủ các thành viên đến tham gia hiến máu tại đây. "Chúng tôi hiến máu ở nhiều nơi khác nhau, nhưng thường xuyên nhất là tại Học viện Nông nghiệp Việt Nam vì ở đó tiện gần nhà, nhưng năm nào đến lễ hội này, bố tôi đều rủ cả nhà đi hiến máu” – anh Nguyễn Đức Phúc, con rể ông Truyền cho biết.
Tiếp xúc với ông trong khoảnh khắc ngắn ngủi, vội vã tại lễ hội nhưng chúng tôi như được truyền thêm cảm xúc về lòng tốt và trân trọng hơn cuộc sống. Đó cũng là một trong nhiều điều tốt đẹp nhất mà Lễ hội Xuân hồng mang lại cho mỗi người tham dự. Trước khi trở về, ông Truyền cười hồn hậu nói, còn 3 năm để hiến máu nữa, cố gắng để hiến thêm được 10 lần.
Lan tỏa tình yêu thươngĐến dự Lễ hội Xuân hồng 2017, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Ngô Thị Thanh Hằng đánh giá cao và ghi nhận tinh thần, nghĩa cử nhân ái của những người hiến máu. “Đây là việc làm đầy tính nhân văn, một hành động nhỏ nhưng mang ý nghĩa sâu sắc về tình yêu thương con người. Mỗi người làm việc tốt sẽ lan tỏa việc tốt đến cả cộng đồng, làm cho cuộc sống của chúng ta ngày càng tốt đẹp và hạnh phúc hơn” - Phó Bí thư Thường trực Thành ủy nhấn mạnh.
Nhận xét về sự kiện ý nghĩa này, Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long cho rằng: “Đây là lễ hội vô cùng đặc biệt, khác với tất cả các lễ hội khác đầu Xuân đang diễn ra trên hầu khắp cả nước. Một lễ hội mà những người tham dự đến sẵn sàng san sẻ tình cảm, trách nhiệm với người bệnh thông qua hành động hiến máu của mình”.
Như vậy, qua 10 kỳ lễ hội, đã có hàng trăm ngàn người tham dự và tiếp nhận 60.000 đơn vị máu, qua đó đã cứu sống được nhiều người bệnh nhờ được truyền máu kịp thời. Lễ hội Xuân hồng đã vượt qua chương trình hiến máu thông thường, đưa hiến máu trở thành một không gian văn hóa lành mạnh, bổ ích và thiết thực trong những ngày đầu Xuân mới. Riêng Lễ hội Xuân hồng 2017 với 30.000 người tham dự, Ban tổ chức đã tiếp nhận trên 9.000 đơn vị máu.
Tuy nhiên, việc tiếp nhận số đơn vị máu toàn phần từ người hiến máu này chỉ mới là "nguyên liệu đầu vào”, sau đó sẽ trải qua rất nhiều công đoạn như: Sàng lọc các bệnh lây truyền qua đường truyền máu, sản xuất điều chế các chế phẩm máu, đến công đoạn cuối cùng là lưu trữ và phân phối máu đến người bệnh. Bác sĩ Võ Thị Diễm Hà - Trưởng khoa Điều chế các chế phẩm máu, Viện Huyết học – Truyền máu T.Ư cho biết: Để điều chế, sản xuất xong 9.000 đơn vị máu tiếp nhận được tại Lễ hội Xuân hồng năm nay, Khoa cần khoảng 350 nhân lực, làm việc liên tục trong 2 ngày mới có thể kết thúc công việc này. Với 9.000 đơn vị máu toàn phần này, Khoa có thể điều chế ra được khoảng 15.000 đơn vị các chế phẩm máu khác như khối Hồng cầu, khối Tiểu cầu và khối Huyết tương để phục vụ người bệnh.