Ngày 21/2 (tức ngày 12 tháng Giêng), Ủy ban Nhân dân tỉnh Tuyên Quang và huyện Lâm Bình tổ chức lễ hội Lồng tồng và đón nhận Di sản Văn hóa phi vật thể quốc gia “Lễ hội Lồng tồng của người Tày” tỉnh Tuyên Quang.
Tham dự lễ hội có Bí thư Tỉnh ủy Tuyên Quang Nguyễn Sáng Vang; bà Đặng Thị Bích Liên, Thứ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch; lãnh đạo các sở, ban, ngành tỉnh Tuyên Quang cùng đông đảo du khách gần xa và nhân dân các dân tộc huyện Lâm Bình.
Lễ xuống đồng của đồng bào dân tộc Tày trong lễ hội Lồng tồng. (Nguồn: TTXVN)
Phần Lễ chính của hội Lồng tồng được tổ chức tại đền Pú Bảo, ngôi đền linh thiêng của đồng bào dân tộc Tày huyện Lâm Bình. Lễ vật gồm 9 mâm tồng đều là những sản vật nông nghiệp do người dân bản địa làm ra, được 9 cô gái trong trang phục truyền thống dâng lên các vị thần linh. Sau đó, các mâm lễ được rước về kệ tồng tại chính giữa sân vận động dưới chân cột cây còn.
Phần nghi lễ cúng tế trời đất và các thần linh ban cho mưa thuận gió hòa, con người khoẻ mạnh, cây cối tươi tốt, vạn vật sinh sôi, mùa màng bội thu do thầy mo thực hiện. Thầy mo đọc lời khấn và bắt đầu những nghi thức cầu cúng tạ ơn Thần nông, Thần sông, Thần núi, Thành hoàng làng… những vị được đồng bào dân tộc Tày xem là có sự tác động đến hoạt động sản xuất nông nghiệp và đời sống của người dân. Sau đó là điệu múa “lộn trán” - nghi lễ này mang ý nghĩa xua đi những tà khí, ô uế để lễ hội được thanh sạch.
Tại lễ hội, bà Đặng Thị Bích Liên, Thứ trưởng Bộ Văn hóa-Thể thao và Du lịch đã trao Bằng chứng nhận Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia “Lễ hội Lồng tồng của người Tày" cho tỉnh Tuyên Quang.
Phần hội được bắt đầu bằng lễ “Tịch điền” (xuống đồng cày ruộng) sau đó là màn múa “Hương sắc Lâm Bình” do 400 học sinh trường phổ thông trung học Thượng Lâm, huyện Lâm Bình biểu diễn; các màn hát Then, các trò chơi dân gian như tung còn, bịt mắt bắt vịt, đánh yến, đánh bàm… diễn ra sôi nổi thu hút đông đảo du khách thập phương và người dân tham gia.
Lồng tồng theo tiếng Tày có nghĩa là “xuống đồng”, là lễ hội mang nhiều yếu tố tín ngưỡng tâm linh. Đây là lễ hội có từ lâu đời, là dịp để các cư dân nông nghiệp bày tỏ lòng biết ơn đến thần thánh, tổ tiên, những người đã có công khai hoang, lập đất trồng lúa nước và hoa màu, cầu cho mùa màng tươi tốt, mọi nhà an vui, hạnh phúc, làm ăn thuận lợi. Lễ hội đã trở thành nét đẹp đời sống cộng đồng, là nét văn hoá độc đáo của dân tộc Tày, Nùng góp phần làm phong phú kho tàng văn hóa dân tộc Việt Nam.
Lễ hội Lồng tồng của đồng bào dân tộc Tày tỉnh Tuyên Quang được công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia là niềm vinh dự, tự hào, song cũng đặt ra những thách thức trong việc giữ gìn và phát huy những giá trị văn hóa truyền thống không chỉ phổ biến trong nước mà còn quảng bá rộng rãi ra nước ngoài.
Hiện nay các cấp, các ngành tỉnh Tuyên Quang quan tâm tới công tác bảo tồn và phát huy giá trị của lễ hội Lồng tồng - di sản văn hóa phi vật thể quốc gia để góp phần phát triển du lịch cũng như nâng cao đời sống tinh thần cho nhân dân các dân tộc trong tỉnh./.