Người đọc hẳn đã quen thuộc với một Nguyễn Trương Quý tẩn mẩn, hài hước, nhẹ nhàng mà đầy tinh thông qua các trang tản văn mang tính khảo cứu về Hà Nội. “Lê la quà vặt” vẫn tiếp tục là cuộc “rong ruổi” của anh với Hà Nội, nhưng dưới vai trò là người cố vấn ngôn từ. Ở đó, người đọc sẽ có được những ấn tượng về các món ăn thông qua hình ảnh, bên cạnh đó còn có thông tin về nguồn gốc, cách chế biến, địa chỉ hàng quán và đặc biệt là kinh nghiệm thưởng thức một cách trọn vẹn.
Đến với cuốn sách, người có tuổi đọc sẽ tìm thấy tuổi thơ của mình bỏ quên từ năm nào nơi góc phố, rồi bồi hồi nhớ lại thời thanh xuân đã qua. Dường như sức sống của ẩm thực đã khơi dậy một miền ký ức, không chỉ về món ăn mà còn về không gian Hà Nội, về một văn hóa ẩm thực truyền kỳ. Còn trẻ con đọc thì háo hức say mê khám phá.Nguyễn Trương Quý sử dụng ngôn từ hết sức nhẹ nhàng, với hình ảnh dí dỏm, châm biếm của họa sĩ Đặng Hồng Quân, độc giả sẽ thấy những mảnh ghép rất đời thường của bức tranh ẩm thực Hà thành. Đó là những câu chuyện thú vị xung quanh một món ăn, là văn hóa “phở mắng, cháo chửi”. Hay đặc biệt là vấn đề đang làm đau đầu các “tín đồ” của quà vặt liên quan đến việc chính quyền dẹp vỉa hè.Họa sĩ Đặng Hồng Quân bật mí về cuốn sách này, anh đã ấp ủ ý tưởng từ 8 năm về trước. Cuốn sách ra đời không chỉ thỏa mãn niềm say mê với ẩm thực của tác giả, mà còn như một cách lưu giữ truyền thống ẩm thực Hà Nội, dùng ngôn ngữ của những người trẻ, và dành cho thế hệ trẻ. Không chỉ dừng lại ở ẩm thực, họa sĩ Đặng Hồng Quân và nhà văn Nguyễn Trương Quý dự kiến sẽ tiếp tục thực hiện những dự án tương tự, để sưu tầm và hệ thống lại những đặc trưng về văn hóa dân gian, văn hóa ẩm thực, lối sống và đặc biệt là về các kiến trúc cổ (đình làng, cổng làng, nhà cổ…) có nguy cơ biến mất cùng với sự phát triển đô thị tương lai, trước hết là Hà Nội và sau đó mở rộng ra cả nước.