Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Lệ phí trước bạ các loại xe sang tăng mạnh: Phù hợp với tình hình thực tế

Hà Lâm
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Theo Quyết định 2018/QĐ-BTC của Bộ Tài chính, từ ngày 12/10, nhiều dòng xe sẽ được bổ sung danh mục bảng giá tính lệ phí trước bạ (LPTB) ô tô, xe máy, trong đó, giá hàng loạt dòng xe sang và siêu sang sẽ tăng khủng.

Theo các DN ôtô, quyết định này chắc chắn ảnh hưởng đến sức cầu của thị trường xe sang, tuy nhiên, về tổng thể, thị trường ôtô bị ảnh hưởng không nhiều, thậm chí sức cầu thị trường xe phổ thông và trung cấp có thể tăng.
Doanh nghiệp bối rối

Theo cách tính từ Bộ Tài chính, mức LPTB cao nhất tại Hà Nội là 12% và TP Hồ Chí Minh là 10%. Có 108 loại ôtô 9 chỗ trở xuống nhập khẩu (NK) và 69 loại xe máy, gồm cả xe điện, xe chạy xăng, xe NK và xe sản xuất, lắp ráp trong nước... được bổ sung vào bảng giá tính LPTB lần này. Đáng chú ý, việc điều chỉnh lần này sẽ kéo một số dòng xe sang và siêu sang tăng giá “khủng”.

Khách hàng tham khảo dòng xe sang nhập khẩu tại Hà Nội. Ảnh: Phạm Hùng

Cụ thể, siêu xe Lamborghini Aventador S có giá tính lệ phí trước bạ cao nhất 40 tỷ đồng. Ngoài ra, còn có một số mẫu xe có giá tính LPTB trên 10 tỷ đồng của thương hiệu Porsche, Range Rover, Maserati. Các dòng xe Audi mới có giá tính LPTB dao động trong khoảng 1,43 - 2,95 tỷ đồng; Hyundai trong khoảng 886 triệu đồng - 1,358 tỷ đồng; Mercedes-Benz từ 410 triệu đồng - 8,569 tỷ đồng... Trong bảng tính LPTB của các dòng ôtô 9 chỗ ngồi trở xuống lắp ráp trong nước mới, Mercedes-Benz C300 có giá cao nhất với 1,949 tỷ đồng.

Ở danh mục xe máy sản xuất trong nước, Honda Lead có giá tính LPTB 37,5 - 39,3 triệu đồng, tùy phiên bản, Honda Wave125i là 39,5 triệu đồng. Đối với dòng xe Yamaha, Bộ Tài chính đã bổ sung thêm 7 loại, trong đó có Jupiter (dung tích máy 113,7cm3) trước kia có giá tính thuế từ 24,8 - 28,9 triệu đồng/chiếc thì nay là 27,4 - 28,9 triệu đồng/chiếc (tùy phiên bản). Với Piaggio, Vespa (124,5cm3) có giá tính LPTB là 82,8 triệu đồng/chiếc và Vespa (278,3cm3) có giá 112,9 triệu đồng/chiếc.

Có thể thấy, với quyết định này, thị trường xe sang bị ảnh hưởng nhiều nhất. Đại diện một showroom xe sang trên đường Phạm Hùng (Hà Nội) cho hay, với dòng xe Range Rover trước đây, LPTB là hơn 400 triệu đồng nhưng nay lên tới 560 triệu đồng. “Xe Range Rover có tổng thuế NK là 135.000 USD, về tới cảng thì giá bị đội lên 165.000 USD. Do giá NK cao mà nhu cầu mua xe giảm, thêm vào đó việc áp LPTB cao hơn thì việc kinh doanh sẽ ngày càng khó khăn” -chủ showroom này than thở.

Tăng sức cầu xe bình dân

Theo phản ánh của DN, việc tăng LPTB đối với một số dòng xe sang và siêu sang chắc chắn sẽ có ảnh hưởng tới sức mua của thị trường đối với phân khúc xe này.

Các chuyên gia đồng tình với nhận định việc tăng LPTB lần này đã khiến các DN NK dòng xe sang khó khăn hơn trong bối cảnh thị trường ôtô ế ẩm. Tuy nhiên, thị trường xe siêu sang không quá lớn và chỉ tập trung ở một nhóm nhỏ người có khả năng mua sắm giá cao nên sẽ không ảnh hưởng tới thị trường ôtô nói chung. “Quyết định này thậm chí còn kích cầu đối với thị trường xe phổ thông và cấp trung, đồng thời hạn chế được việc chảy máu ngoại tệ do gửi tiền ra nước ngoài mua xe siêu sang” - Tổng Giám đốc Công ty Nguồn nhân lực Fjob Hà Huy Phong cho hay.

Liên quan tới vấn đề này, đại diện Tổng cục Thuế lý giải, việc điều chỉnh giá tính LPTB ô tô, xe máy như trên theo định kỳ của Bộ Tài chính là đảm bảo giá tính LPTB sát với giá giao dịch của ôtô, xe máy trên thị trường; đảm bảo bình đẳng về giá trong việc tính LPTB các dòng xe giữa các hãng xe.

Theo bà Nguyễn Thị Cúc - Chủ tịch Hội Tư vấn thuế Việt Nam, việc điều chỉnh này là phù hợp với tình hình thực tế do một số sản phẩm hiện nay có giá bán thực tế cao hơn nhiều so với giá ghi trên hóa đơn. Điều này không chỉ gây thất thu cho ngân sách Nhà nước mà còn làm thị trường thiếu minh bạch. “Tôi đã từng mua chiếc xe ôtô với giá trị thực là 500 triệu đồng nhưng hóa đơn chỉ ghi 350 triệu đồng. Vì thế, việc đưa ra một khung giá cụ thể đối với một số dòng xe để làm căn cứ tính LPTB một cách thống nhất là rất cần thiết” - bà Cúc phân tích.

Thực tế, nhiều trường hợp mua bán xe mà người bán và người mua sẽ thỏa thuận ghi giá trị hóa đơn thấp hơn giá trị giao dịch thực tế phải nộp. Mục đích là để giảm số tiền LPTB phải nộp. Với việc ban hành khung giá của Bộ Tài chính sẽ hạn chế tối đa việc này.

Đại diện Công ty TNHH Tư vấn thuế CHC