Một lần nữa, những cuộc họp bàn, luồng ý kiến của dư luận lại được xới lên. Trong khi, so với Đề án của 20 năm trước, thì Đề án lần này chỉ thay đổi 2 từ "Quốc phục" thành "Lễ phục".
Đề án dang dở
Theo nhà văn Hoàng Quốc Hải, từ những năm 90 của thế kỷ trước, khi cố Thủ tướng Võ Văn Kiệt là khách mời quan sát viên tại cuộc họp ASEAN diễn ra ở Malaysia đã được nước chủ nhà tặng một bộ y phục truyền thống Mã Lai. Sau sự kiện này, cố Thủ tướng Võ Văn Kiệt đã chỉ thị cho Bộ Văn hóa (nay là Bộ VHTT&DL) nghiên cứu về Lễ phục Việt Nam để dùng vào các dịp tế lễ và nghi thức ngoại giao.
Lãnh đạo các nước thành viên APEC chụp ảnh lưu niệm trong trang phục áo dài của Việt Nam tại Hội nghị Thượng đỉnh APEC 2006 tổ chức tại Hà Nội.
Tuy nhiên, sau 3 tháng mở cuộc thi thiết kế y phục, sự bế tắc về tiêu chí truyền thống và tiêu chí mỹ thuật khiến tất cả các mẫu đều được xếp trong kho lưu trữ của Vụ Mỹ thuật.
Từ đó đến nay, không dưới 10 lần, mỗi khi Việt Nam đăng cai hoặc tổ chức một sự kiện quan trọng như: Lễ hội Đền Hùng năm 2000, Hội nghị APEC... là vấn đề lễ phục lại được xới lên.
Thế nhưng, hơn 20 năm qua, trải qua nhiều cuộc hội thảo, với hàng trăm ý kiến của các chuyên gia nhưng câu chuyện về Lễ phục Việt Nam vẫn còn dang dở.
Bàn lại từ đầu
Xem ra, việc thay đổi tên Đề án từ Quốc phục Việt Nam thành Lễ phục Nhà nước chỉ góp phần thu hẹp phạm vi sử dụng trang phục, giúp giới nghiên cứu cùng các nhà thiết kế dễ dàng thiết kế trang phục phù hợp hoàn cảnh.
Chính vì vậy, sau Chỉ thị 919 của Bộ VHTT&DL lần này, Cục MTNA&TL đã mạnh dạn khẳng định: "Lễ phục ở đây không phải lễ phục cho hội hè. Nó là trang phục cho các buổi trọng đại của đất nước. Nó sẽ khác biệt với thế giới, thể hiện lòng tự hào dân tộc" - bà Đoàn Thị Thu Hương, Phó Cục trưởng Cục MTNA&TL cho biết.
Song, qua 20 năm tìm tiêu chí thiết kế quốc phục sau Chỉ thị 919, dường như, Cục MTNA&TL lại quay lại xây dựng Đề án từ những bước ban đầu. Bà Đoàn Thị Thu Hương, người từng chấp bút cho Dự thảo Đề án xây dựng và thực hiện mẫu Quốc phục Việt Nam cho biết, việc tìm lễ phục cũng sẽ có những bước tương tự như quốc phục.
Chẳng hạn, sẽ phải có hội thảo khoa học ở các vùng miền để thống nhất tiêu chí chọn lễ phục. Sau đó, "đề bài" này sẽ được xin ý kiến các cơ quan thường xuyên sử dụng. Sau khi tổng hợp ý kiến, đề bài chính thức mới được đưa ra. Một cuộc thi thiết kế trên quy mô toàn quốc khi đó mới được tổ chức...
Không bàn đến chuyện Đề án xây dựng Quốc phục Việt Nam đã tiêu tốn bao nhiêu tiền của Nhà nước, nhưng qua 20 năm vẫn chưa thành. Điều băn khoăn nhất hiện nay là cho đến cuộc họp chiều ngày 21/3, giữa lãnh đạo Bộ VHTT&DL và Cục MTNA&TL vẫn chưa tìm ra phương án thống nhất cho Đề án lần này.
Và liệu Đề án Lễ phục Nhà nước có rơi vào tình trạng không tìm được tiếng nói chung như Quốc phục Việt Nam?