Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Lebanon sẽ thành Syria thứ 2?

Hương Thảo
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Các cuộc biểu tình mới đã nổ ra ở Beirut nổ hôm 10/8, khi Thủ tướng Hassan Diab đang có bài phát biểu về thông báo từ chức của toàn bộ Chính phủ, trở thành một dấu hiệu rõ ràng cho thấy động thái này chưa thể làm dịu công chúng Lebanon.

Thủ tướng Hassan Diab đọc thông báo từ chức trên truyền hình quốc gia.
Chính phủ của ông Diab ra đời hồi đầu năm nay, sau sự từ chức của Thủ tướng tiền nhiệm Saad al-Hariri khi phải đối mặt với làn sóng biểu tình chống chính phủ quy mô lớn nổ ra vào tháng 10 năm 2019. Chính quyền Thủ tướng Diab bất đắc dĩ “thừa hưởng” cuộc khủng hoảng kinh tế tồi tệ chưa từng có ở Lebanon, trong khi nạn tham nhũng hoành hành.
Ngay trong bài phát biểu thông báo từ chức trên truyền hình hôm 10/8, ông Diab đã nói về “một bức tường” rất khó để phá vỡ ở Lebanon, “do một tầng lớp đang dùng mọi cách bẩn thỉu dựng lên để bảo toàn lợi ích của mình”. Vị thủ tướng thừa nhận, vụ nổ thảm khốc ở cảng Beirut, đã tàn phá thủ đô và gây phẫn nộ dư luận những ngày qua, chính là “hậu quả của nạn tham nhũng”.
Thảm họa hôm 4/8 đã cho thấy vấn nạn tham nhũng và quản lý kém cỏi của các cơ quan nhà nước, khi để kho phân bón amoni nitrat tồn tại ở cảng Beirut mà không có biện pháp an toàn trong suốt 6 năm. Mặc dù là chủ sở hữu, Chính phủ Lebanon cũng chỉ thu được khoảng 40% thu nhập từ cảng này, do đã bị giới con buôn và chính trị gia thao túng.
Vụ nổ, ước tính gây thiệt hại trước mắt 3 tỷ USD, khiến nền kinh tế chật vật của Lebanon có thể mất tới 15 tỷ USD, trở thành dấu chấm hết cho sự nhẫn nại của người dân đối với chính quyền.
Những người biểu tình đã yêu cầu không chỉ thay thế Chính phủ, mà còn làm mới hoàn toàn Quốc hội, loại bỏ tận gốc rễ nguyên nhân. Bất kỳ Thủ tướng mới nào có thể được bổ nhiệm bởi Tổng thống Michel Aoun lúc này đều sẽ phải nhận được sự ủng hộ của chính những thành phần tham nhũng mà công chúng đã mất lòng tin, do đó khó tạo ra cải cách nào đáng kể, thậm chí là để thuyết phục các nhà tài trợ quốc tế đang góp vốn và nỗ lực cho Lebanon.
Cảnh sát Lebanon đối mặt với pháo sáng của người biểu tình chống chính phủ hôm 10/3. 
Thực tế, Tổng thống Pháp Emmanuel Macron đã nhanh chóng huy động được khoảng 300 triệu USD viện trợ quốc tế dành cho những người bị ảnh hưởng trực tiếp bởi vụ nổ cảng Beirut. Tuy nhiên, một điều kiện được đặt ra là khoản tiền sẽ không phải được Chính phủ hoặc bất kỳ đại diện nào của nó cấp, mà phải chuyển trực tiếp đến những người dân hoặc cho các tổ chức viện trợ.
Chính phủ Lebanon chắc chắn không thể sử dụng những khoản tiền này cho việc chi trả khoản nợ 90 tỷ USD - khoảng 170% GDP của đất nước, khó để xây dựng lại mạng lưới điện quốc gia, ngành công nghiệp của đất nước hay chính cảng Beirut gần như đã bị xóa sổ.
Thủ tướng Hassan Diab hồi tuần trước từng thông báo về khả năng bầu cử Quốc hội sớm để xoa dịu công chúng, nhưng điều này là không hề đơn giản nơi chính trường Lebanon. Luật bầu cử được thông qua vào năm 2017 đã gây bất lợi cho các đảng Sunni, trong khi mang lại lợi ích cho Phong trào Yêu nước Tự do của Tổng thống Aoun và phong trào Hồi giáo Hezbollah. Do đó, khối Sunni được dự kiến sẽ phản đối việc sử dụng luật đó và yêu cầu những thay đổi nhất định để có thể giúp tăng đại diện người Sunni trong Quốc hội.
Giữa bối cảnh bế tắc hiện tại, giới chuyên gia cảnh báo nếu không có viện trợ thường xuyên, có tổ chức và mạng lưới an toàn kinh tế dưới sự bảo trợ quốc tế, Lebanon rất có thể trở thành một đấu trường cạnh tranh quốc tế, nơi nhiều ngoại quốc sẽ cố gắng giành được chỗ đứng về chính trị - kinh tế. Đó chính xác là những gì đã và đang xảy ra ở Syria - chiến trường ủy nhiệm khốc liệt nhất thế giới hiện nay.