Người ta bảo, gắn quyền lợi của cầu thủ với tấm áo ĐTQG là một tín hiệu tích cực và cần có của nền bóng đá chuyên nghiệp. Khi ấy, hình ảnh và giá trị của ĐTQG sẽ được nâng lên. Bởi lẽ, cầu thủ sẽ phải cố gắng hết mình trong màu áo ĐTQG vì quyền lợi của họ phụ thuộc vào những màn trình diễn. Ấy vậy mà, sau những ồn ào, những bản hợp đồng tiền tỷ, hình ảnh của ĐTQG vẫn méo mó và thiếu sự hấp dẫn. Hóa ra, sau khi đã được mục đích của mình, các cầu thủ thường có xu hướng hưởng thụ, chọn lựa những sự kiện mà mình cảm thấy có lợi nhất. Khi đã có tiền, lập tức, ĐTQG không còn nhiều ý nghĩa trong thời hạn của bản hợp đồng mà cầu thủ đã ký với CLB. Nghĩa là họ không cần phải phấn đấu bởi mọi thứ đã được sắp đặt. Cầu thủ Việt thường rất nghiệp dư trong ứng xử. Họ cũng chẳng bận tâm đến những chuyện xa xôi mà thường quan tâm đến lương, đến thưởng, đến những khoản lót tay kếch xù trước mắt. Trách cầu thủ nghĩ ngắn là điều hiển nhiên, nhưng bỗng thấy trăn trở về lối hành xử, cách quản lý trong nền bóng đá. Đầu tiên là các đội bóng, những người hàng ngày tiếp xúc, gắn chặt quyền lợi với cầu thủ. Ở đâu đó, nhiều nhà lãnh đạo ở đội bóng vẫn chưa thực sự trân trọng sắc áo ĐTQG. Họ muốn cầu thủ quên chuyện lớn để tập trung cho thành tích ở CLB. Vì vậy, họ chấp nhận, thậm chí dung túng cho những trò tiểu xảo của cầu thủ chỉ với mục đích, rời khỏi ĐTQG. Thế nhưng, chính họ cũng không biết rằng, dung dưỡng, bao che cho cái xấu chính là hành động cầm dao đằng lưỡi. Bởi, một ngày không đẹp trời, chính những ngón ấy lại được sử dụng với chính họ.Với các cơ quan quản lý, dường như họ vẫn mãi đắm đuối với cách xử lý mang tính tình cảm. Lâu lắm rồi kỷ luật thép cho những người muốn thoái thác nhiệm vụ không được sử dụng. Giữa tập thể, không có cầu thủ nào là ngoại lệ. Thế nhưng, thay vì cứng rắn, hoặc tìm ra một cơ chế quản lý thật sự phù hợp, người ta lại dễ dàng thỏa hiệp để rồi, cầu thủ luôn ở thế thượng phong, thích thì lên tuyển, khi đã chán thì xin về. Nên chăng, hãy để ĐTQG phải là tập hợp của những cầu thủ khát khao nhất. Đã đến lúc bóng đá Việt Nam phải chấp nhận loại bỏ những tấm gương xấu, dù nó có thể làm ảnh hưởng đến sức mạnh của đội bóng. Có như vậy, kỷ cương ở đội tuyển mới được đảm bảo.