Chứng khoán Mỹ tăng nhẹ trong phiên ngày 15/5, nhưng tính chung cả tuần, các chỉ số chính đều sụt trên 2% trong bối cảnh nhiều số liệu kinh tế tiêu cực và leo thang căng thẳng thương mại giữa Washington và Bắc Kinh.
Chốt phiên giao dịch này, chỉ số Dow Jones cộng 60,08 điểm (tương đương 0,25%) lên 23.685,42 điểm, nhưng vẫn giảm 2.65% trong tuần qua. Chỉ số này đã rớt hơn 270 điểm ngay đầu phiên giao dịch.
Chỉ số S&P 500 khép phiên ngày 15/5 tăng 0,39% lên 2.863,70 điểm, còn chỉ số Nasdaq Composite cộng 0,79% lên 9.014,56 điểm. Tính chung cả tuần, Nasdaq Composite và S&P 500 giảm lần lượt 1,1% và 2,2%, chỉ số trung bình công nghiệp Dow Jones hạ 2,65%.
Các chỉ số đồng loạt đảo chiều đi lên từ mức giảm sâu trong phiên 15/5 khi cổ phiếu bán lẻ chuyển biến tích cực, bất chấp số liệu toàn ngành khá bi quan. Chứng chỉ quỹ ngành bán lẻ SPDR S&P Retail ETF (XRT) có thời điểm trong phiên lao dốc tới 1,4% nhưng chốt phiên tăng 2%.
Các cổ phiếu Best Buy, Kohl's và Nordstrom cũng nhích nhẹ. Tập đoàn bán lẻ Walmart và Home Depot cùng tăng 2%.
Đà phục hồi của thị trường Phố Wall chủ yếu nhờ những dữ liệu tích cực về tâm lý người tiêu dùng tại Mỹ. Theo đó, chỉ số tâm lý tiêu dùng do Đại học Michigan theo dõi đã tăng đầu tháng 5 khi các biện pháp kích thích tài khóa giúp "cải thiện tài chính của người tiêu dùng và khuyến mãi giảm giá trên diện rộng thúc đẩy mua hàng".
Trước đó, báo cáo cho thấy doanh số bán lẻ của Mỹ trong tháng 4 sụt 16,4% - mức giảm mạnh lớn nhất trong lịch sử. Các nhà kinh tế do Dow Jones khảo sát dự báo mức giảm chỉ là 12,3%. Doanh số bán lẻ lõi (loại trừ xe hơi, xăng, thực phẩm và vật liệu xây dựng) giảm 15,3%.
"Với những biến số không chắc chắn, chúng ta không nên ngạc nhiên về đà giảm của thị trường trong tuần này", chiến lược gia thị trường Scott Knapp của CUNA Mutual Group nhận xét.
Bên cạnh đó, tâm lý của nhà đầu tư cũng bất an trong bối cảnh căng thẳng thương mại leo thang giữa Mỹ và Trung Quốc.
Ngày 16/5, Trung Quốc đã hối thúc Mỹ chấm dứt "sự cấm đoán vô lý đối với tập đoàn thiết bị viễn thông Huawei và các doanh nghiệp Trung Quốc", sau khi chính quyền Washington công bố các biện pháp kiểm soát xuất khẩu mới nhằm hạn chế nguồn cung cấp chất bán dẫn cho Huawei.
Trước đó, hôm 15/5, Bộ Thương mại Mỹ thông báo sẽ sửa đổi một quy định xuất khẩu nhằm hạn chế hoạt động thu mua chất bán dẫn của Huawei vốn là các sản phẩm trực tiếp của công nghệ và phần mềm của Mỹ.
Các biện pháp hạn chế mới nhằm vào Huawei là sự leo thang căng thẳng mới trong cuộc cạnh tranh giữa hai nền kinh tế lớn nhất thế giới nhằm giành lấy quyền kiểm soát công nghệ toàn cầu.
Trong khi đó, Hu Xijin, Tổng biên tập Global Times, cho biết Trung Quốc sẽ "hạn chế hoặc điều tra" các công ty Mỹ bao gồm Qualcomm, Cisco Systems và Apple nếu Mỹ có hành động chặn đứng chuỗi cung ứng của Huawei./.