Liên hoan phim quốc tế Hà Nội: Đi tìm thương hiệu riêng

Nhật Vũ
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Không rầm rộ như nhiều liên hoan điện ảnh thế giới và khu vực khác, nhưng qua 4 kỳ tổ chức, Liên hoan phim quốc tế Hà Nội đã tạo ra được các hoạt động, thương hiệu và logo mang bản sắc "rất Hà Nội”. Năm 2018, Liên hoan phim này được tổ chức từ ngày 27 – 31/10 sẽ có nhiều hoạt động điện ảnh miễn phí cho khán giả.

 Liên hoan phim quốc tế Hà Nội 2016 từng chào đón đạo diễn phim Đông Dương - ông Régis Wargnier. Ảnh: Tiến Tuấn
Trình chiếu phim ngoài trời
Năm 2018 là năm đặc biệt đánh dấu mốc 5 năm tổ chức liên hoan và là năm có sự phối hợp đông đảo các sở, ban, ngành liên quan của TP Hà Nội với Cục Điện ảnh để chuẩn bị cho Liên hoan phim. Liên hoan phim bao gồm các hoạt động “Trại sáng tác HANIFF và Chợ Dự án làm phim”, triển lãm “Bối cảnh quay phim đặc sắc tại Việt Nam”, cùng các tọa đàm “Tiêu điểm điện ảnh Ba Lan” và “Kinh nghiệm thành công quốc tế của điện ảnh Iran” sẽ mang đến cho những nhà làm phim trẻ, những công chúng yêu mến điện ảnh cơ hội được giao lưu, chia sẻ với những đạo diễn, nhà làm phim gạo cội của điện ảnh quốc tế, với những gương mặt đã giành giải thưởng Oscar và Cành cọ vàng danh giá.
Bên cạnh các chương trình tại liên hoan phim, năm nay lần đầu tiên chương trình Chiếu phim ngoài trời và giao lưu, biểu diễn thời trang sẽ được tổ chức tại Hà Nội liên tiếp trong các ngày từ 28 – 30/10 (dự kiến tại Tượng đài Vườn hoa Lý Thái Tổ) để phục vụ công chúng yêu mến điện ảnh.

Ông Trương Minh Tiến – Phó Giám đốc Sở VH&TT Hà Nội bày tỏ: Điểm chiếu phim phục vụ ngoài trời tại vườn hoa Lý Thái Tổ có thể được bố trí lại thời gian để tổ chức vào ngày cuối tuần, thu hút đông đảo công chúng Thủ đô tham dự. Trên thực tế, những năm trước, Liên hoan đã trình chiếu nhiều bộ phim điện ảnh nổi tiếng của thế giới, cùng sự kiện thảm đỏ hoành tráng, nhưng chỉ diễn ra ở trong các rạp chiếu phim, hoặc Trung tâm hội nghị quốc gia Mỹ Đình.
Chính vì vậy, số lượng khán giả tham dự luôn bị hạn chế. Năm nay, với dự định trình chiếu phim ngoài trời sẽ tạo ra sinh hoạt văn hóa cộng đồng hấp dẫn cho người dân Thủ đô. Chưa kể, có thể Ban tổ chức sẽ sắp xếp hoạt động giao lưu của đoàn làm phim, các diễn viên nổi tiếng trước khi trình chiếu.

Nỗ lực nâng tầm giá trị

Liên hoan phim quốc tế Hà Nội (tiền thân là Liên hoan quốc tế Việt Nam) được tổ chức lần đầu năm 2010 vào dịp đại lễ 1.000 năm Thăng Long – Hà Nội. Đây là liên hoan phim quốc tế đầu tiên của Việt Nam, sau nhiều nỗ lực đề xuất, xây dựng dự án, quảng bá và hoàn thiện công tác tổ chức để ra đời một sự kiện điện ảnh tầm quốc tế.
Qua 4 kỳ tổ chức, Liên hoan phim quốc tế Hà Nội đã có những bước tiến nhất định với những hạng mục “chuyên môn” và mặc định của các Liên hoan phim quốc tế danh tiếng như phim truyện dài, phim ngắn, toàn cảnh, triển lãm, hội thảo, trại sáng tác, chợ dự án, tiêu điểm phim… Ban tổ chức cũng đã xây dựng bộ nhận diện thương hiệu, logo của liên hoan rất nhẹ nhàng và rất “Hà Nội”.
Tuy nhiên, hạn chế của Liên hoan là Ban tổ chức chủ yếu là các đơn vị thuộc ngành điện ảnh: Cục Điện ảnh, Sở VH&TT Hà Nội… “Nên học kinh nghiệm ở các liên hoan phim quốc tế, có một cơ quan chuyên trách tổ chức HANIFF (cơ quan này có thể nằm trong cơ cấu quản lý hành chính của Bộ VHTT&DL) và không nên để các lãnh đạo ngành quản lý kiêm nhiệm, chạy theo sự vụ” – một đạo diễn người Ấn Độ khi tham gia Liên hoan phim quốc tế Hà Nội 2016 bình luận. Nếu có sự chuyên nghiệp, ngay từ sau khi kết thúc liên hoan năm 2016, Ban tổ chức tiến hành công tác chuẩn bị cho liên hoan năm 2018, chứ không phải đợi đến cận kề thời gian diễn ra mới họp trù bị.

Thứ trưởng Bộ VHTT&DL Vương Duy Biên nhận định, năm 2018 là lần thứ 5 tổ chức Liên hoan phim quốc tế Hà Nội. Sau mỗi lần tổ chức, Ban tổ chức đã rút ra nhiều kinh nghiệm để lần sau tổ chức tốt hơn lần trước. Tuy nhiên, Thứ trưởng lưu ý Ban tổ chức Liên hoan phim quốc tế Hà Nội tập trung hoàn thành sớm công tác chuẩn bị, quảng bá.
“Tôi nghĩ các đồng chí ở Sở Du Lịch và Sở VH&TT Hà Nội phải nghĩ ra được các sản phẩm “ăn theo” của Liên hoan phim. Các chương trình giới thiệu về Hà Nội, các chương trình tham quan hưởng ứng theo liên hoan phim để từng bước tạo những ấn tượng riêng về liên hoan nói riêng, của Hà Nội nói chung” – Thứ trưởng Vương Duy Biên gợi ý.

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần