Bưởi đỏ được trưng bày, giới thiệu tại Festival sản phẩm nông nghiệp và làng nghề Hà Nội năm 2019. Ảnh: Trọng Tùng |
Suy giảm số lượng vì… bưởi Diễn
Ở xã Tráng Việt (huyện Mê Linh), gia đình anh Lương Văn Phương là một trong những hộ còn trồng nhiều bưởi đỏ nhất. Khu vườn với hơn 100 gốc bưởi đỏ của gia đình anh cho thu hoạch khoảng 1.300 quả/năm. Tết Nguyên đán cận kề, thương lái khắp nơi tìm về mua tận vườn. Giá mỗi trái bưởi đỏ bán ra từ 60.000 - 70.000 đồng. Trừ chi phí sản xuất, gia đình anh thu lãi hàng trăm triệu đồng.
Gia đình anh Phương là một trong hơn 20 hộ vẫn còn lưu giữ được số lượng tương đối lớn những gốc bưởi đỏ. Trước năm 2019, những gốc bưởi đỏ suy giảm nhanh chóng. Đến nay, toàn xã chỉ còn gần 4.000 gốc, tập trung chủ yếu tại thôn Đông Cao.
Theo lời kể của nhiều người dân, bưởi đỏ xuất hiện tại xã Tráng Việt vào những năm 1950. Cách đây chừng 15 năm, hầu như gia đình nào ở thôn Đông Cao cũng trồng loại bưởi này. Tuy nhiên, vào giai đoạn bưởi Diễn được giá, nhiều hộ đã chặt bỏ bưởi đỏ, thay thế bằng giống khác. Đây chính là nguyên nhân dẫn tới sự suy giảm nhanh chóng về số lượng bưởi đỏ.
Trưởng phòng Kinh tế huyện Mê Linh Phạm Thành Đô cho hay, giống bưởi đỏ được xem là đặc sản có giá trị lớn, không chỉ bởi màu đỏ (từ ngoài vỏ cho đến từng múi bưởi) rất bắt mắt, mà còn bởi giá trị dinh dưỡng và hương vị đặc trưng. Bưởi đỏ có hình dạng to, tròn, vị chua - ngọt, tép ráo, ít hạt, thơm, ngon. Đặc biệt giống bưởi này phù hợp với việc tiêu thụ trong dịp Tết Nguyên đán.
Loay hoay tìm đầu ra
Có giá trị tương đối cao, tuy nhiên, dưới áp lực của đô thị hóa, quá trình chuyển đổi cơ cấu cây trồng - vật nuôi, nguồn gen giống bưởi đỏ có dấu hiệu bị xói mòn. Thống kê của Sở NN&PTNT Hà Nội cho thấy, mỗi năm có khoảng 75 - 100 cây bưởi đỏ bị mất đi. Bên cạnh sự suy giảm về số lượng cá thể là sự thoái hóa về chất lượng, do việc sử dụng phân bón mất cân đối.
Để bảo tồn giống cây đặc sản này, Sở NN&PTNT Hà Nội đã triển khai Đề án Bảo tồn, phát triển một số giống bưởi đỏ trên địa bàn huyện Mê Linh. Theo đó, đơn vị chức năng của Sở đã tiến hành điều tra, xác định nguyên nhân thoái hóa. Nghiên cứu ảnh hưởng của phân bón đến năng suất, chất lượng, cũng như ảnh hưởng của vật liệu bao quả đến thời gian chuyển màu bưởi đỏ. Trên cơ sở đó, lựa chọn loại phân bón, chế độ nước tưới, cắt tỉa cành thích hợp để cây sinh trưởng. Ngoài ra, 20 cây đầu dòng cũng đã được tuyển lựa phục vụ công tác nhân cấy, phát triển giống bưởi đỏ.
Góp vào nỗ lực bảo tồn giống bưởi đỏ đặc sản, đầu năm 2019, Liên minh Hợp tác xã TP Hà Nội đã hỗ trợ các hộ trồng bưởi liên kết, thành lập Hợp tác xã Bưởi đỏ Đông Cao. Nhãn hiệu tập thể “Bưởi Đông Cao” cũng đã được xây dựng từ tháng 4/2019.
Một website được xây dựng riêng phục vụ quảng bá, giới thiệu sản phẩm bưởi đỏ cũng được đầu tư. Cùng với đó là tem nhãn truy xuất nguồn gốc cho giống cây đặc sản này. Vừa qua, tại Festival sản phẩm nông nghiệp và làng nghề Hà Nội năm 2019, bưởi đỏ thu hút sự quan tâm lớn của đông đảo người tiêu dùng Thủ đô, cũng như các tiểu thương, nhà phân phối.
Mặc dù vậy, Giám đốc Hợp tác xã Bưởi đỏ Đông Cao Lương Văn Phương cho rằng, việc tiêu thụ loại quả đặc sản này vẫn còn nhiều khó khăn. Thực tế, đã có tổ chức, DN ngỏ ý muốn liên kết tiêu thụ bưởi đỏ. Tuy nhiên, các bên vẫn chưa thể thống nhất phương thức hợp tác hiệu quả, bền vững. Đến nay, sản phẩm bưởi đỏ vẫn tự sản, tự tiêu là chính. Đây cũng là vấn đề mà hợp tác xã mong muốn các sở ngành, huyện Mê Linh tiếp tục hỗ trợ, tìm lời giải trong thời gian tới.