Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Liên kết chuỗi trong chăn nuôi: Xu thế tất yếu

Phương Nga
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Trong bối cảnh ngành chăn nuôi đang rơi vào khó khăn, việc xây dựng mô hình liên kết theo chuỗi được cho là giải pháp ổn định và lâu dài. Tuy nhiên, hiện nay trên địa bàn Hà Nội mô hình này vẫn còn thiếu và yếu, cần được đầu tư thúc đẩy phát triển.

 Sản phẩm trứng gà Tiên Viên đã xây dựng được thương hiệu trên thị trường. Ảnh: Phương Nga
Hướng đi bền vững
Xác định hướng đi bền vững cho ngành chăn nuôi hiện nay là phải gắn với tiêu thụ sản phẩm, sản xuất theo hướng hữu cơ, có nguồn gốc xuất xứ rõ ràng... thời gian qua TP đã có chính sách đầu tư, thúc đẩy chuỗi sản xuất và cung cấp sản phẩm chăn nuôi đảm bảo ATTP. Đến nay, trên địa bàn TP đang phát triển ổn định 23 mô hình chuỗi sản xuất và tiêu thụ sản phẩm có nguồn gốc động vật. Một số sản phẩm của chuỗi đã tạo được uy tín, được nhiều người biết đến như trứng gà Tiên Viên, thịt lợn sinh học Organic Green, gà đồi Sóc Sơn...
Ngoài ra, xây dựng được trên 20 cửa hàng, điểm bán và giới thiệu các sản phẩm của các chuỗi, tập trung chủ yếu tại các quận nội thành. Hàng ngày, các chuỗi cung cấp cho thị trường khoảng 13 tấn thịt gia cầm, 26 tấn thịt lợn, 1,5 tấn thịt bò, 282.000 quả trứng, 78 tấn sữa... Việc tạo ra sản phẩm an toàn, sản xuất theo quy trình rõ ràng, minh bạch và được tuyên truyền rộng rãi. Từ đó, người tiêu dùng yên tâm về chất lượng sản phẩm, gia tăng giá trị sản phẩm từ 15 – 20% so với sản phẩm khi chưa được sản xuất theo chuỗi.

Kết quả thực tiễn từ các mô hình chuỗi trong 2 năm qua đã khẳng định chỉ có phương thức tổ chức chăn nuôi theo chuỗi mới khắc phục được tình trạng bấp bênh, thiếu ổn định trong chăn nuôi và chứng minh được nguồn gốc xuất xứ sản phẩm để người tiêu dùng yên tâm sử dụng. Đồng thời công tác quản lý ATTP trong bối cảnh thực phẩm mất an toàn hiện nay mới được triệt để. Do vậy, trong tương lai phát triển chăn nuôi theo chuỗi liên kết sẽ là xu hướng tất yếu của ngành chăn nuôi trên địa bàn TP.

Cần giải pháp căn cơ

Bên cạnh kết quả đạt được, việc xây dựng chuỗi liên kết tiêu thụ sản phẩm chăn nuôi hiện đang còn nhiều bất cập. Đó là sản xuất nông nghiệp còn manh mún, các HTX nông nghiệp vẫn hoạt động theo phương thức truyền thống. Còn thiếu các chính sách khuyến khích phát triển chuỗi, đặc biệt trong khâu hỗ trợ tiêu thụ, hỗ trợ bảo quản sản phẩm, vận chuyển sản phẩm đông lạnh... nên chưa thu hút được nhiều DN lớn tham gia liên kết chuỗi. Bên cạnh đó, còn thiếu các DN chế biến sâu các sản phẩm nông nghiệp, nên chưa đa dạng hóa được sản phẩm, chưa tạo ra được nhiều giá trị gia tăng cho sản phẩm nông sản thực phẩm. Phần đông người tiêu dùng vẫn có thói quen sử dụng thịt nóng nên đã cản trở sự phát triển của hệ thống cửa hàng tiện tích chuyên bán và giới thiệu các sản phẩm chăn nuôi.

Theo ông Hà Tiến Nghi - Phó Giám đốc Trung tâm phát triển chăn nuôi Hà Nội, cùng với ban hành cơ chế, chính sách, TP cần tăng cường công tác quản lý hoạt động của chuỗi như hệ thống truy xuất nguồn gốc giúp theo dõi, nhận diện được một đơn vị sản phẩm qua từng công đoạn của quá trình sản xuất kinh doanh. Tăng cường các hoạt động quản lý Nhà nước, thanh tra và xử phạt nghiêm các trường hợp vi phạm ATTP để tạo môi trường cạnh tranh công bằng cho các sản phẩm của chuỗi liên kết.
Giải pháp căn cơ để thúc đẩy phát triển chuỗi liên kết trong thời gian tới đó là TP cần có cơ chế, chính sách đặc thù để hỗ trợ xây dựng chuỗi. Các chính sách phải được tập trung đều ở các khâu sản xuất, sơ chế, chế biến và thương mại, tiêu thụ sản phẩm. Đẩy mạnh các hoạt động tuyên truyền, xúc tiến thương mại, phát triển thương hiệu, định hướng tiêu dùng nhằm tạo đầu ra ổn định cho các sản phẩm của các chuỗi. 

Phó Giám đốc Trung tâm Phát triển chăn nuôi Hà Nội Hà Tiến Nghi