Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Liên kết công - tư: “Át chủ bài” của du lịch Hà Nội

Bài, ảnh: Hồ Hạ
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Sau khi trình làng một loạt sản phẩm du lịch mới như: Tour Cảm xúc Hà Nội, Không gian Áo dài Việt, tour Đi bộ khám phá phố cổ miễn phí…, Sở Du lịch Hà Nội mới đây tiếp tục gắn biển đạt chuẩn phục vụ du khách cho đình Đồng Lạc (số 38A Hàng Đào, Hà Nội).

Một lần nữa, những người làm du lịch Thủ đô lại khẳng định đẩy mạnh liên kết công - tư chính là “át chủ bài” đưa ngành kinh tế xanh cán đích.
Nhân lên giá trị di tích đình Đồng Lạc
Nếu như trước đây, không gian đình Đồng Lạc (số 38 Hàng Đào) khá vắng vẻ, thì từ khi được gắn biển đạt tiêu chuẩn phục vụ khách du lịch (ngày 4/1), nơi đây đã thu hút đông đảo du khách đến tham quan, mua sắm. Bởi, di tích này đã được khoác lên mình diện mạo mới với “Không gian Văn hóa Hà Nội” gồm các gian trưng bày, trình diễn làm các sản phẩm thủ công truyền thống được kiểm định chất lượng gắt gao do không gian văn hóa Hanoia (thuộc Công ty TNHH quốc tế Tam Sơn) thực hiện. Hơn thế, mỗi món đồ đều mang một câu chuyện riêng và là sự kết hợp giữa bàn tay, trí óc của các nghệ nhân, thợ giỏi Hà Nội với các nhà thiết kế nặng lòng với mảnh đất hơn ngàn năm văn hiến đến từ châu Âu. Hẳn thế nên bất cứ “thượng đế” nào tới đây cũng bị chúng “hớp hồn”. Ông Dana Healy (48 tuổi, du khách Pháp) chia sẻ: “Tôi khá ấn tượng với không gian yên tĩnh của đình Đồng Lạc, đặc biệt các mặt hàng thủ công mỹ nghệ ở đây đã khiến tôi bị mê hoặc. Tôi đã mua rất nhiều món đồ, và tôi ước mình có đủ tiền để mua tất cả về làm quà cho người thân, bạn bè”. Những chia sẻ thật tâm của vị khách từ phương xa cũng góp phần khẳng định đây là địa chỉ mua đồ lưu niệm đáng tin cậy cho các “thượng đế”.

Trình diễn làm sản phẩm sơn mài tại đình Đồng Lạc.

Không chỉ thế, định kỳ chiều thứ Sáu của tuần thứ 2 hàng tháng, tại đây còn diễn ra các buổi tọa đàm xoay quanh câu chuyện về văn hóa, phong cách sống; trưng bày, triển lãm, giao lưu nghệ thuật với khách mời là các học giả, nhà nghiên cứu, nghệ sĩ… uy tín. Nhờ đó, giá trị di tích đình Đồng Lạc được nhân lên nhiều lần vì không chỉ được khoác tấm áo hàng thủ công truyền thống mà còn được thổi hồn văn hóa Hà Nội vào trong đó. Với cách bài trí tinh tế, đậm chất nghệ thuật cùng những hoạt động văn hóa, nghệ thuật hấp dẫn, “Không gian Văn hóa Hà Nội” là một điểm đến thú vị của Thủ đô. Tới đây, Sở Du lịch Hà Nội sẽ tiếp tục phối hợp với Công ty Tam Sơn triển khai nhiều điểm đến tương tự trên địa bàn TP.
Coi trọng lợi ích chung
Thành công của các sản phẩm: Tour “Cảm xúc Hà Nội”, “Không gian Áo dài Việt”, tour Đi bộ khám phá phố cổ miễn phí, đình Đồng Lạc… cho thấy, thực hiện liên kết công – tư sẽ nhân lên sức mạnh cho du lịch Thủ đô. Vì thế, năm 2017, Sở Du lịch Hà Nội quyết tâm phát huy sức mạnh tổng hợp khi xây dựng Kế hoạch “Hợp tác liên kết giữa DN, cơ sở dịch vụ, điểm đến và cơ quan quản lý xây dựng chuỗi sản phẩm, dịch vụ hoàn chỉnh phục vụ khách du lịch”. Theo đó, các bên sẽ đẩy mạnh hợp tác xây dựng chuỗi sản phẩm, dịch vụ du lịch cho từng thị trường cụ thể cũng như phối hợp quảng bá, tiếp thị sản phẩm tới du khách.
Chủ tịch Hiệp hội Lữ hành Việt Nam Vũ Thế Bình nhận định: Việc làm này cho thấy Sở Du lịch Hà Nội đã chú trọng đầu tư vào chiều sâu và chất lượng sản phẩm. Đây là hướng đi đúng đắn nhằm nối dài cánh tay sức mạnh và rút ngắn quãng đường đưa du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn của Thủ đô. Để hoạt động liên kết đạt hiệu quả như mong muốn, Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Hà Nội Nguyễn Quang Lân cho rằng, các bên liên quan tập trung xây dựng sản phẩm du lịch dựa trên thế mạnh văn hóa, lịch sử, và du lịch MICE như định hướng của Nghị quyết 06. Sau khi xây dựng chuỗi sản phẩm hoàn thiện mới quảng bá, xúc tiến sao cho trúng, đúng thị trường. Và để những cái “bắt tay” thực sự trở thành “át chủ bài” phát triển du lịch Hà Nội thì tất cả các bên liên quan và toàn xã hội cần coi trọng lợi ích chung để vào cuộc với tâm thế tốt nhất.