Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Liên kết để bảo đảm nguồn hàng

Chia sẻ Zalo

KTĐT - Nhằm hạn chế tình trạng khan hàng sốt giá trong những tháng cuối năm và dịp Tết Nguyên đán, hiện các doanh nghiệp trên địa bàn Hà Nội đang tăng cường liên kết khai thác hàng hóa tại các tỉnh, thành bạn.

Sức mua sẽ tăng mạnh

Sở Công Thương Hà Nội dự báo, trong tháng Tết Nguyên đán Nhâm Thìn 2012, tổng mức lưu chuyển hàng hóa bán lẻ tại Hà Nội tăng khoảng 20 - 21% so với các tháng trong năm, ước khoảng 24.000 tỉ đồng.

Mặc dù Hà Nội đã thực hiện chương trình bình ổn giá nhưng trong những tháng cuối năm 2011 giá hàng hóa thế giới tăng trở lại, lạm phát gia tăng, tỉ giá ngoại tệ đang bị đẩy cao... là những nguyên nhân khiến thị trường hàng hóa được dự báo sẽ tăng giá trở lại. Dự kiến nhu cầu tiêu thụ lương thực, thực phẩm trong tháng Tết của Hà Nội sẽ tăng cao như: lương thực khoảng 65.000 tấn/tháng; thịt lợn khoảng 12.000 tấn lợn hơi/tháng; thịt bò khoảng 3.000 tấn, thịt gia cầm khoảng 6.000 tấn; Thủy hải sản tươi, đông lạnh khoảng 5.000 tấn;  rượu, bia, nước giải khát khoảng 96 triệu lít; xăng dầu trong tháng Tết tăng khoảng 20% so với thực hiện Tết Tân Mão (khoảng 60 triệu lít); Rau, củ, quả khoảng 75.000 tấn; bánh mứt kẹo 1.300 tấn.

Với dự báo trên, ngay từ thời điểm này các doanh nghiệp ngành thương mại Hà Nội đã tăng cường dự trữ hàng hóa phục vụ nhu cầu mua sắm của người dân Thủ đô.

Liên kết với các tỉnh để bảo đảm nguồn cung

Hà Nội tiêu thụ một lượng lớn hàng hóa nhưng số lượng hàng hóa có thể tự túc không nhiều, chính vì vậy ngay từ bây giờ các doanh nghiệp thương mại đã tăng cường liên kết, tìm kiếm nguồn hàng phục vụ người tiêu dùng trong dịp Tết.

Phó Tổng giám đốc Tổng Công ty Thương mại Hà Nội (Hapro) Nguyễn Tiến Vượng  cho biết: Trong đợt chuẩn bị hàng hóa phục vụ Tết Nguyên đán 2012, Hapro sẽ dự trữ 922 tấn gạo, 472 tấn thịt, 2108 tấn thực phẩm chế biến, 500 tấn rau quả… tổng giá  trị khoảng 905 tỉ đồng. Để đảm bảo nguồn hàng, Hapro đã tăng cường liên kết với các tỉnh bạn như Thái Bình, Quảng Ninh, Bắc Kạn từ đó khai thác nguồn hàng đặc biệt là lương thực, thực phẩm tươi sống. "Tại tỉnh Thái Bình, Hapro đã ký nhiều hợp đồng cung ứng thịt gia súc, gạo… đối với những mặt hàng có khả năng tăng giá trong những tháng cuối năm như thịt lợn, Hapro đã ứng trước một phần kinh phí với các chủ chăn nuôi", ông Vượng cho biết. Để lượng hàng hóa này đến với người tiêu dùng nhất là các huyện ngoại thành, trong đợt phục vụ Tết Nguyên đán năm nay, bên cạnh những điểm bán hàng cố định, đơn vị còn tổ chức 40 chuyến bán hàng lưu động, 13 điểm chợ Tết. Theo bà Vũ Thị Hậu, Phó Tổng Gíam đốc Công ty CP Nhất Nam, hiện công ty đã ký các hợp đồng cung ứng hàng nông sản thực phẩm với nhiều tỉnh, thành như cam của Đà Lạt, nước mắm Thanh Hóa. Một số doanh nghiệp chăn nuôi chế biến thực phẩm như: Công ty Thực phẩm Vinh Anh, Minh Hiền… cũng đã ký các hợp đồng với các chủ trang trại chăn nuôi tại các tỉnh Thanh Hóa, Thái Bình.

Là trung tâm thương mại lớn nên siêu thị BigC cũng đã chuẩn bị hàng hóa phục vụ các dịp lễ, tết cuối năm từ 6 tháng trước. Ông Laurent Bugeau - Giám đốc điều hành hệ thống siêu thị BigC cho hay: "Đến thời điểm này, Big C hầu như đã hoàn thành việc thương lượng với các nhà cung cấp để có nguồn hàng ổn định, giá cả hợp lý, kèm theo các chương trình khuyến mãi cho khách hàng dịp cuối năm”.

Sở Công Thương Hà Nội đã yêu cầu các doanh nghiệp tham gia Chương trình bình ổn giá phải đảm bảo dự trữ lượng hàng gấp đôi số lượng hàng hóa thiết yếu giao dự trữ bằng số tiền được thành phố tạm ứng. Nhằm hỗ trợ doanh nghiệp dự trữ hàng phục vụ Tết Nguyên đán 2012 đặc biệt là mặt hàng thực phẩm, rau xanh, thủy hải sản tươi sống… trong thời gian tươi Sở Công Thương Hà Nội cùng với các doanh nghiệp tổ chức các đoàn đi khai thác hàng hóa tại các tỉnh, thành bạn.