Tại Diễn đàn "Tiếp sức hàng Việt, đồng hành cùng các hộ kinh doanh trong chợ truyền thống" do Công ty CP Chợ Đồng Xuân và Hiệp hội các nhà bán lẻ Việt Nam tổ chức, không ít thông tin rất đáng để các doanh nghiệp (DN) sản xuất trong nước lưu tâm.
Chưa có tiếng nói chung
Sở dĩ hàng Trung Quốc chiếm tỷ trọng lớn là do thương nhân nước này tăng cường giới thiệu sản phẩm, hoặc thanh toán theo phương pháp "gối đầu". Trong khi đó, mối liên kết, cách thức tiếp thị sản phẩm giữa DN sản xuất trong nước với nhà phân phối trong nước còn hạn chế. Ông Đỗ Xuân Thủy - Tổng Giám đốc Công ty CP Chợ Đồng Xuân cho biết: Doanh thu để tính nộp thuế khoán của hơn 2.000 hộ kinh doanh tại chợ là hơn 500 tỷ đồng/tháng. Mặc dù lượng hàng hóa tiêu thụ khá nhiều, nhưng các DN trong nước chưa có chiến lược hợp tác kinh doanh dài hạn với tiểu thương tại chợ Đồng Xuân.
Một cửa hàng kinh doanh vải tại chợ Đồng Xuân. Ảnh: Hoài Nam
|
Trên thực tế, muốn làm nhà phân phối cho DN trong nước, tiểu thương phải đáp ứng rất nhiều điều kiện và thủ tục. Chẳng hạn, Công ty Giày Thượng Đình yêu cầu, tiểu thương muốn tiêu thụ sản phẩm thì mỗi đơn hàng phải lên đến hàng trăm đôi, trong khi nhà kho của tiểu thương không đủ diện tích để chứa sản phẩm. Thời gian gần đây, nhằm tiêu thụ hàng hóa, nhiều DN Việt Nam đã đẩy mạnh việc cải tiến mẫu mã, mở rộng hệ thống phân phối... Tuy nhiên, nếu lấy việc cải tiến mẫu mã là mục tiêu quan trọng hàng đầu thì giá sản phẩm sẽ không thể rẻ. Điều đó dẫn đến việc các hộ kinh doanh ngại nhập hàng của các DN trong nước sản xuất.
Chị Nguyễn Thị Thao (quầy 22A1) kinh doanh tạp phẩm tại chợ Đồng Xuân phản ánh: Hiện, giá bán các sản phẩm trong nước sản xuất luôn cao như: Công ty Vina Giày, Công ty May Việt Tiến có những sản phẩm giá lên tới 1 triệu đồng, trong khi hàng do Trung Quốc sản xuất chỉ từ 100.000 - 200.000 đồng/sản phẩm, phù hợp với thu nhập của nhiều đối tượng người tiêu dùng. Đây là nguyên nhân khiến chất lượng hàng Trung Quốc tuy không cao nhưng số lượng sản phẩm tiêu thụ luôn chiếm thị phần lớn trong hoạt động kinh doanh tại chợ Đồng Xuân.
Đẩy mạnh liên kết
Rất muốn bán hàng của các DN trong nước sản xuất, tuy nhiên, theo ý kiến chung của các hộ kinh doanh tại chợ Đồng Xuân, bên cạnh sự hợp tác, từng DN cũng cần phải nghiên cứu kỹ tâm lý của người tiêu dùng: Giá cả phải phù hợp, chất lượng bảo đảm, dịch vụ tốt. Ngoài ra, DN cũng cần có chính sách đưa hàng hóa đến trưng bày, giới thiệu tại chợ để các hộ kinh doanh xem xét, tìm hiểu, từ đó ký kết hợp đồng tiêu thụ cụ thể.
Đánh giá cao sức lan tỏa của hàng Việt thông qua chợ truyền thống, bà Đinh Thị Mỹ Loan - Chủ tịch Hiệp hội Các nhà bán lẻ Việt Nam cho rằng, các DN nên chú trọng đến sức mua, khả năng thanh toán và thiết lập kênh phân phối hàng hóa nhiều tầng tại hệ thống này. Ngoài ra, cần thiết lập sự liên kết chặt chẽ giữa DN sản xuất - nhà phân phối và DN quản lý chợ. Mỗi DN đều có lợi thế riêng, nếu tạo dựng mối liên kết chặt chẽ sẽ tạo sức mạnh để hàng Việt dần chiếm lĩnh thị phần nội địa.
Để kết nối cung - cầu hợp lý giữa các DN và chợ truyền thống, ông Trần Nguyên Năm - Phó Vụ trưởng Vụ Thị trường trong nước (Bộ Công Thương) cũng chia sẻ: Hàng Việt Nam có cơ hội giành thị trường từ phân khúc chợ truyền thống nếu như DN biết cách làm thế nào để tiểu thương thấy lợi ích, có tương lai lâu dài đối với hàng Việt. Để đưa hàng Việt về thị trường chợ truyền thống, các DN nên giao cho tiểu thương tại các chợ đầu mối phân phối hàng hóa về khu vực nông thôn vì họ đã có sẵn đầu mối tại các chợ ở đây. Việc làm này sẽ giúp các DN tiết kiệm chi phí về cơ sở vật chất và nguồn nhân lực khi mở đại lý tại các địa phương. Đại diện nhiều DN cho biết, nhằm đẩy mạnh tiêu thụ hàng Việt trong thời gian tới, các DN sẽ cố gắng mở rộng kênh phân phối tại hệ thống chợ truyền thồng, bên cạnh đó sẽ hỗ trợ các tiểu thương về kỹ thuật bảo quản, lưu giữ sản phẩm.