Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Liên tiếp các vụ ngộ độc tập thể: Cẩn trọng lựa chọn và sử dụng thực phẩm

Nam Trần
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Trong vài tuần qua, trên cả nước xảy ra nhiều vụ ngộ độc tập thể, có vụ cả trăm người mắc. Theo khuyến cáo của các chuyên gia y tế, người dân cần tuân thủ ăn chín, uống sôi, lựa chọn thực phẩm có nguồn gốc, xuất xứ và đảm bảo các nguyên tắc chế biến để tránh nguy cơ ngộ độc.

 Ảnh minh họa.

Nhiều vụ ngộ độc tập thể
Vụ ngộ độc thực phẩm xảy ra mới đây nhất với gần 100 du khách sau khi ăn tiệc tại nhà hàng H.P trên đường Hoàng Hoa Thám, TP Vũng Tàu tối 15/7. Được biết, bữa tiệc hải sản gồm các món súp trứng cút, mực chiên bột, tôm, gỏi, gà, lẩu cá chẽm… Tất cả du khách này sau khi ăn đều có triệu chứng đau bụng, tiêu chảy, buồn nôn, nôn và được cấp cứu tại Bệnh viện Lê Lợi, TP Vũng Tàu. Ngành y tế Bà Rịa - Vũng Tàu đã lấy các mẫu thức ăn tại nhà hàng, nơi có gần 100 du khách ăn uống nghi bị ngộ độc thực phẩm để đưa đi xét nghiệm, điều tra nguyên nhân.
Theo số liệu về tình trạng ngộ độc thực phẩm của Tổng cục Thống kê, trong 6 tháng đầu năm 2020, cả nước xảy ra 40 vụ ngộ độc thực phẩm với 1.087 người bị ngộ độc, trong đó có 15 người tử vong. Chỉ tính riêng trong tháng 6, cả nước xảy ra 9 vụ ngộ độc thực phẩm với 393 người bị ngộ độc.
Cũng trong tuần qua, tại Quảng Ninh xảy ra vụ ngộ độc thực phẩm với 17 người mắc. Các bệnh nhân cho biết, họ cùng ăn một bữa cơm từ khoảng 6 giờ sáng 15/7. Đến gần sáng ngày 16/7, cả 17 người đều đau quặn bụng từng cơn, nôn, đại tiện phân lỏng nhiều lần và được chuyển đến cấp cứu tại Bệnh viện Việt Nam - Thụy Điển Uông Bí.
Trước đó, tại Tuyên Quang cũng có 25 bệnh nhân được đưa vào Bệnh viện Đa khoa Tuyên Quang trong tình trạng đau bụng, buồn nôn, tiêu chảy sau khi dùng bữa cơm trưa tại phân xưởng một công ty. Cơ quan chức năng đã kiểm tra mẫu thức ăn, điều tra nguyên nhân gây ngộ độc thực phẩm.
Tại Hà Nội, tuy từ đầu mùa Hè đến nay chưa xảy ra vụ ngộ độc tập thể nào nhưng rải rác một số ca ngộ độc được chuyển đến Trung tâm Chống độc, Bệnh viện Bạch Mai. Điển hình nhất là trường hợp một phụ nữ ở quận Đống Đa, nhập viện trong tình trạng đau bụng, buồn nôn, mất nước do tiêu chảy, tụt huyết áp và suy thận. Trước đó, người này đã ăn một quả đào mua của người bán hàng rong ngoài đường.
Biểu hiện và cách phòng ngừa
Theo bác sĩ Nguyễn Trung Nguyên - Giám đốc Trung tâm Chống độc (Bệnh viện Bạch Mai), ngộ độc thực phẩm do ba nguyên nhân chính. Đó là thực phẩm nhiễm vi sinh vật (vi khuẩn, virus) hoặc độc tố của vi sinh vật (độc tố vi khuẩn); thực phẩm bị nhiễm hóa chất và bản thân thực phẩm có độc (như nấm độc, cá nóc…). Ngoài ra, nguyên nhân gây ngộ độc thực phẩm còn do khâu bảo quản và chế biến thực phẩm như: Chế biến thức ăn qua nhiều khâu thủ công, nấu thức ăn giàu đạm không chín kỹ, để nhiễm bẩn giữa các thực phẩm với nhau...
Ngộ độc thực phẩm thường xảy ra sau khi người bệnh ăn phải các món ăn độc hại, không đảm bảo, không được chế biến kỹ… Người bị ngộ độc thường có biểu hiện đau bụng và tiêu chảy nhiều lần. Tùy mức độ nghiêm trọng khác nhau, người bệnh có thể đi ngoài ra máu, đặc biệt trong các trường hợp ngộ độc do vi khuẩn Shigella, Salmonella, Campylobacter hoặc vi khuẩn E.coli. Kèm theo tiêu chảy nhiều lần còn có những dấu hiệu như đầy hơi, chướng bụng hay bụng sôi ùng ục.
Bác sĩ Nguyễn Trung Nguyên khuyến cáo, đối với người bệnh có các triệu chứng nôn mửa sau khi ăn thực phẩm nhiễm độc, cần tìm cách để người bị ngộ độc nôn hết thức ăn trong bụng ra. Đối với người bệnh tiêu chảy, có thể sử dụng dung dịch oresol hòa tan để tránh tình trạng đi ngoài nhiều gây mất nước trong cơ thể. Những người có biểu hiện ngộ độc nhẹ như đau bụng, đi ngoài có thể uống men tiêu hóa để cải thiện tình hình, giảm các cơn đau. Nếu bệnh nhân có các triệu chứng khác lạ, như co giật, rối loạn ý thức hay suy hô hấp thì không sử dụng biện pháp gây nôn bởi sẽ ảnh hưởng tới tính mạng. Thay vào đó, cần nhanh chóng chuyển người bệnh tới cơ sở y tế gần nhất để kịp thời điều trị.
Thời tiết nắng nóng như hiện nay là điều kiện thuận lợi để vi khuẩn gây tiêu chảy, ngộ độc đường ruột sinh sôi, nảy nở, xâm nhập vào thực phẩm. Chính vì vậy, bác sĩ Nguyễn Trung Nguyên khuyến cáo, người dân nên chủ động lựa chọn, sử dụng, bảo quản thực phẩm đúng cách, tránh nguy cơ gây ra tình trạng ngộ độc thực phẩm, ảnh hưởng đến sức khỏe.