5 vụ tai nạn, 23 người tử vong
1 giờ sáng ngày 21/7, xe khách loại 16 chỗ mang BKS: 86B-01087 di chuyển trên Quốc lộ 1A theo hướng từ TP Phan Thiết, tỉnh Bình Thuận đi tỉnh Đồng Nai. Khi đi đến Km1767, đoạn qua địa phận xã Tân Đức, huyện Hàm Tân, tỉnh Bình Thuận đã va chạm mạnh với xe tải mang BKS: 79N-0315 đi theo chiều ngược lại. Vụ tai nạn khiến 8 người chết và 7 người bị thương. Kết quả điều tra ban đầu của cơ quan chức năng xác định, chiếc xe khách đã đi không đúng phần đường quy định.
Ngay sau khi vụ tai nạn xảy ra, Thủ tướng Chính phủ đã có Công điện yêu cầu Chủ tịch UBND, Trưởng ban ATGT tỉnh Bình Thuận chỉ đạo các cơ quan, đơn vị chức năng khẩn trương điều tra, làm rõ nguyên nhân, xử lý nghiêm các tổ chức, cá nhân vi phạm gây ra vụ tai nạn. Đồng thời chỉ đạo tước quyền sử dụng Giấy phép kinh doanh vận tải bằng xe ô tô có thời hạn, đối với DN quản lý nhà xe Anh Trinh (nhà xe có xe khách 6 chỗ BKS: 86B - 010.87 trong vụ tai nạn) theo quy định của pháp luật.
Điểm lại từ đầu tháng 7/2020 đến nay, chỉ trong khoảng hơn 20 ngày nhưng đã có tới 5 vụ TNGT đặc biệt nghiêm trọng xảy ra, làm chết tổng cộng 23 người. Tỷ lệ tử vong trung bình là 4,6 người/vụ. Vụ đầu tiên xảy ra vào ngày 4/7, khi xe ô tô đâm vào 2 người đi bộ qua đường ở huyện Chơn Thành, tỉnh Bình Phước khiến 3 người tử vong.
Vụ thứ 2 xảy ra lúc 22 giờ ngày 10/7 tại TP Hạ Long, tỉnh Quảng Ninh khi xe ô tô lao xuống biển làm 4 người tử vong. Vụ thứ 3 xảy ra vào lúc 4 giờ ngày 11/7, khi xe khách rơi xuống vực tại tỉnh Kon Tum làm 6 người chết và 34 người bị thương. Vụ thứ 4 xảy ra vào ngày 18/7 tại huyện Bù Đăng, tỉnh Bình Phước, khi 2 xe máy đâm nhau làm 4 người chết.
Ám ảnh quy luật “đến hẹn lại tăng”
Cách đây chưa đầy một tháng, báo cáo về tình hình TNGT 6 tháng đầu năm 2020 của Ủy ban ATGT Quốc gia cho thấy, toàn quốc xảy ra 6.790 vụ TNGT, làm chết 3.242 người, bị thương 4.939 người.
So với 6 tháng đầu năm 2019, TNGT cả nước đã giảm sâu trên cả 3 tiêu chí về số vụ, số người chết và số người bị thương. Thế nhưng, ngay trong tháng 7/2020, tình hình TNGT đột ngột có diễn biến bất thường khi liên tiếp xảy ra những vụ TNGT đặc biệt nghiêm trọng.
Hiện tại, dù chưa có con số thống kê chính thức về tình hình TNGT trong tháng 7/2020 nhưng nếu lật lại cùng thời điểm của 2 năm trước đó, có thể nhận ra một quy luật “đến hẹn lại tăng” đầy ám ảnh. Cụ thể, tháng 7/2018, cả nước đã xảy ra 1.430 vụ TNGT, làm chết 650 người, bị thương 1.094 người.
So với tháng trước đó, tình hình TNGT đã tăng cả 3 tiêu chí: Tăng 82 vụ (6,08%), 39 người chết (6,38%) và 15 người bị thương (1,39%). Một năm sau đó, vào tháng 7/2019, số liệu của Tổng cục Thống kê cho thấy, cả nước xảy ra 1.435 vụ TNGT, làm 657 người chết, 463 người bị thương và 640 người bị thương nhẹ. So với cùng kỳ năm trước, số vụ TNGT tăng 6,2%; số người chết tăng 7,2%; số người bị thương tăng 17,8%.
Đây là sự trùng lặp kỳ lạ trong 2 năm liên tiếp, tình hình TNGT trong tháng 7 đều có diễn biến gia tăng. Không chỉ có vậy, tháng 7 cũng là tháng ghi nhận nhiều vụ TNGT nghiêm trọng và đặc biệt nghiêm trọng xảy ra. Năm 2019 có thể kể đến 3 vụ TNGT liên tiếp xảy ra ngày 23/7 tại huyện Kim Thành, Hải Dương làm 7 người chết và 2 người bị thương.
Đâu là giải pháp?
Trao đổi với phóng viên Kinh tế & Đô thị, chuyên gia giao thông Bùi Danh Liên – nguyên Chủ tịch Hiệp hội Vận tải Hà Nội cho biết, TNGT thường chủ yếu bắt nguồn từ 2 nguyên nhân: Khách quan và chủ quan. Nguyên nhân khách quan đến từ chất lượng phương tiện khi lưu thông trên đường, còn nguyên nhân chủ quan đến từ lỗi của tài xế, là người điều khiển phương tiện. Do đó, theo ông Liên, công tác quản lý, giám sát phương tiện và người lái có vai trò quan trọng trong việc bảo đảm ATGT và hạn chế TNGT.
“Nếu phương tiện khi ra đường được kiểm tra kỹ về chất lượng, bảo đảm đủ tiêu chuẩn để lưu thông còn tài xế ở trạng thái sức khỏe tốt nhất, được đào tạo, sát hạch đúng quy định thì nguy cơ tai nạn xảy ra trên đường sẽ thấp đi” – ông Liên nói.
Nhận định về hiện tượng TNGT có xu hướng gia tăng trong tháng 7 hàng năm, ông Bùi Danh Liên cho rằng, do tháng 7 trùng với thời điểm du lịch Hè, nhu cầu đi lại của người dân tăng cao nên nguy cơ xảy ra TNGT trong thời điểm này cũng gia tăng.
Tuy nhiên, việc xảy ra nhiều vụ TNGT nghiêm trọng và đặc biệt nghiêm trọng trong tháng này, lại liên tục tái diễn trong nhiều năm qua, theo chuyên gia giao thông, đây là điều không thể coi nhẹ. Do đó, các cơ quan quản lý Nhà nước, trong đó có Bộ GTVT cần có sự nghiên cứu, đánh giá tìm ra nguyên nhân, từ đó đưa ra giải pháp cho hiện tượng này.
Trong khi đó, Chuyên gia Giao thông Nguyễn Văn Thanh – nguyên Chủ tịch Hiệp hội Vận tải Ô tô Việt Nam cho rằng, có 3 yếu tố để giữ ATGT và tránh nguy cơ TNGT là con người (tài xế), phương tiện và hạ tầng giao thông (đường). Cả 3 yếu tố có mối quan hệ mật thiết với nhau và muốn phát huy tối đa hiệu quả thì 3 yếu tố này phải cùng tốt lên.
“Cầu đường tốt, xe cộ tốt thì ý thức người tham gia giao thông sẽ phải tốt lên” – ông Thanh nói nhưng đánh giá thêm rằng, ý thức người tham gia gia giao thông chiếm tới 90%. “Ý thức của người tham gia giao thông rất quan trọng, trong đó quan trọng nhất là ý thức của người cầm lái. Thời gian qua, các chế tài xử lý theo hướng tăng nặng rất nhiều đã tạo ra tính răn đe có hiệu quả” – chuyên gia Nguyễn Văn Thanh nhận định.
Phân tích về 5 vụ TNGT đặc biệt nghiêm trọng xảy ra trong tháng 7/2020, đều xảy ra vào khung giờ buổi tối, TS Trần Hữu Minh cho rằng, về mặt sinh học, đây là khoảng thời gian cơ thể con người cần được nghỉ ngơi, do đó khả năng tỉnh táo và làm chủ hành vi sẽ kém hơn so với ban ngày. Khi lái xe vào thời điểm này, dễ có cảm giác buồn ngủ hoặc tâm lý chủ quan, chạy quá tốc độ khi thấy đường vắng vẻ. Đó còn chưa kể, ban đêm điều kiện ánh sáng kém sẽ ảnh hưởng đến tầm quan sát cũng như khả năng phản ứng, xử lý tình huống của lái xe.
“Chúng tôi cũng rất kỳ vọng chúng ta cần sớm hoàn thiện hệ thống trạm dừng nghỉ ở trên đường cao tốc, tuyến quốc lộ, huyện lộ để các lái xe, không những xe kinh doanh vận tải, kể cả tài xế tư nhân nghỉ ngơi tạm thời để có tinh thần tỉnh táo trong chặng đi tiếp theo” – TS Trần Hữu Minh nói.
"Lái xe hiện nay chạy một cách tùy tiện và tự mình chăm sóc mình là chính nên dẫn đến nhiều tai nạn là do làm quá sức, chạy quá thời gian, thời lượng cho phép. Người ta quy định thời lượng chạy xe liên tục là 4 tiếng nhưng có người chạy 5 - 7 tiếng, dẫn đến không sáng suốt, nhanh nhạy và dễ gây ra tai nạn. Do đó, chủ xe phải có trách nhiệm, có quy chế, nội quy, nhắc nhở lái xe trước khi thực hiện hành trình thì mới bảo đảm được sức khỏe."- Chuyên gia giao thông – TS Nguyễn Xuân Thủy |